Tác nghiệp 3 ngày liền với món đặc sản chuột kho muối hột
Đi tìm sự thật – một công việc không hề dễ dàng nhưng đó là trách nhiệm của người cầm bút. Nếu không say nghề, không thấy trách nhiệm thì người cầm bút sẽ khó đi đến tận cùng vấn đề, tiếp cận bản chất sự thật. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in chuyến về Cà Mau cách nay gần 20 năm...
Sự thật đắng lòng sau… “điểm nóng”
Đường chính về trung tâm huyện U Minh khi đó đang nâng cấp, bụi tung mịt mù nên mới đi chừng 20, 25 cây số đi từ TP Cà Mau, tôi cảm giác xa lắm. Rẽ vào một hương lộ, gởi xe máy tại tiệm nhỏ ven đường, tôi cùng 2 đồng nghiệp tìm thuê chiếc vỏ lãi – loại phương tiện thuỷ rất phổ biến vùng cực Nam Tổ quốc, theo kênh T29 đi vào nơi được gọi là “điểm nóng”, thuộc khu vực vùng đệm rừng U Minh Hạ. Ở đây cái nghèo vẫn hiển hiện dai dẳng, đủ cung bậc.
Nhà dân tại đây lưa thưa, nhưng khi nghe nhà báo tới, chỉ trong chốc lát, có khoảng hai chục người kéo đến, ai cũng có nỗi niềm, muốn được trình bày trước. Góp nhặt những câu chuyện rời rạc qua lời kể của bà con, tôi hiểu nỗi bức xúc chung quanh chuyện cho thuê đất và những quy định ngặt nghèo của “chủ đất” ở vùng đệm U Minh Hạ.
Đứng trưa, ngồi trong căn nhà trống huơ trống hoác, chủ nhà bê lên nồi cháo gà thơm phức. Tôi truy miết, anh chủ nhà mới nói thật, gà đãi nhà báo là do một người thân của anh đem vô cho chứ ở đây, chẳng ai nuôi được gì. Đáng nhớ nhất là buổi tối, chúng tôi được mời cốc rượu gạo.
Đồ nhắm lại là món đặc sản thịt chuột tôi được ăn lúc chiều. Với chúng tôi thịt chuột là đặc sản nhưng với bà con ở đây, ai cũng ngán ngược, chính là do sự lặp đi, lặp lại trong các bữa ăn. Chuột ở đây phong phú và dễ săn nhất. Bên ánh đèn dầu leo lét, chúng tôi uống rượu, tâm tình với một số bà con. Đến nửa đêm, tôi lại hứng bám theo một thanh niên ra ngoài bờ kênh, soi chuột.
Trở về lại căn nhà rách nhưng thuộc hàng lành lặn nhất ở đây, tôi không tài nào chợp mắt. Không phải vì vạc giường xộc xệch, cộm cấn (do được bện bằng thân cây tràm non, loại mới chỉ bằng ngón tay cái), manh chiếu, mùng vải cũ nát, nặng mùi ẩm mốc và mùi đất phèn dậy lên từ nền đất mà không ngủ được là do… muỗi. Trời ạ, đã nghe nói nhiều về muỗi miệt U Minh, nhưng tới lần đó tôi mới chứng kiến. Ngay khi trời vừa nhá nhem tối, muỗi đã bay loạn xạ tựa rải trấu. Chúng tấn công trong lúc tôi say chuyện với bà con. Giờ đến lúc khó ngủ, tôi mới biết là do… ngứa.
Trằn trọc tới 2-3 giờ sáng, mới thiu thiu thì tôi lại tỉnh giấc vì tiếng chít chít rộn ràng dưới sàn nhà và phía nhà bếp. Cứ tưởng là bầy heo con. Lạ là sáng ra, tôi không thấy chúng đâu nữa. Hỏi thì chủ nhà nói đấy là bầy chuột cống nhum trong đám lau sậy sau nhà. Khuya, chúng hay mò vào tìm cơm đổ.
Sáng đó, bụng đói, tôi thèm nhưng tìm đâu ra mì tôm giữa bìa rừng heo hút này. Bưng lên cái xoong nhọ bám quanh ngoài đen kịt, đầy cháo trắng, kèm đó là đĩa chuột kho, anh chủ nhà nói, đây là thịt con chuột mà tối qua tôi vợt dính.
Chuyện ngày hôm qua
Ba ngày nán lại khu vực gần bìa rừng U Minh Hạ, tôi đã nắm được phần nào bản chất câu chuyện mà trước đó chỉ nghe qua lời kể. Hôm chúng tôi đến là đã qua một tuần, bà con bức xúc trước hình thức chẳng khác “phát canh thu tô” trong quá khứ. Lúc đầu, ngỡ bà con nói quá, đến khi nghe anh Năm Rí, Trưởng Công an huyện kể thêm, cùng với những gì tai nghe mắt thấy, chúng tôi mới mường tượng đầy đủ thực tế đau lòng.
Đều nghèo “rớt mồng tơi”, không cục đất chọi chim, lại nợ nần, nên hàng chục hộ dân lần lượt đùm túm, dắt díu đến đây thuê đất lại của… người thuê đất rừng. Trong cuộc mưu sinh, lúc đầu, bà con còn chịu đựng, ngậm đắng, nuốt cay. Nhưng càng ngày càng lún sâu vào sự túng quẫn, làm ra bao nhiêu bị vơ vét hết bấy nhiêu, thiên tai, địch họa, mùa vụ trúng - thất thế nào vẫn bị “ông chủ ngồi không ăn bát vàng” buộc phải “chung đủ”, nên bà con “tức nước vỡ bờ”. Đỉnh điểm nhất là khi bị áp đặt quy định bất thành văn, trong đó không được giăng câu, lưới bắt cá dưới ruộng, dưới kênh. Nếu bắt quả tang, sẽ bị phạt bằng lúa. Vậy là “điểm nóng” hình thành.
“Hầu hết dân mình, nhất là dân U Minh rất tốt, cần cù, chịu khó, luôn một mực thuỷ chung, tin Đảng, tin chính quyền”. Đồng quan điểm với chúng tôi, một lãnh đạo tỉnh sau mấy cuộc điện thoại kiểm tra nhanh, đã xác nhận sự thật, bà con bức xúc chính là do địa phương chậm nắm bắt sự việc, khiến ai cũng thấy như bị bỏ rơi; thậm chí bà con còn nghi có người thoả hiệp với sự lộng hành đến quên cả tình người của “chủ đất”.
Sau cuộc làm việc với chúng tôi, tỉnh cho thanh tra vào cuộc, phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong giao đất, sử dụng đất lâm phần tại một số địa phương, nhất là cho thuê nhiều tầng nấc, sai phạm quy định.
Chẳng bao lâu sau đó, dự án tái định cư, bố trí sản xuất tuyến kênh T29-89 ra đời. Vùng đất điển hình của tình trạng “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” được đầu tư hàng chục tỷ đồng, đặt nền móng cơ bản của một làng quê mới. Hàng chục, rồi hàng trăm hộ dân được cấp đất ở, đất sản xuất, được hỗ trợ mái ấm lành lặn và vươn lên trong cuộc sống. Tiếp đó, chính quyền ban hành một dự án tổng thể hơn – Bố trí lại sản xuất và sắp xếp dân cư khu vực rừng tràm U Minh Hạ. Cơ chế giữ rừng tràm, nhất là việc trữ nước tự nhiên trên diện rộng nhiều tháng trời để chống cháy rừng, linh hoạt, hợp lý hơn, không gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa của hàng nghìn hộ dân như trước đây.
Phấn khởi nhất là số hộ dân trên lâm phần U Minh Hạ thoát nghèo tăng liên tục. Tình trạng hộ dân bị thiếu đói vào thời điểm giáp hạt, phải vật vã “một bữa rau, hai ba bữa cháo” không còn. Và tất nhiên, món đặc sản mà tôi ăn liên tiếp 3 ngày liền, đã thành chuyện của quá khứ…