Sôi động trên các công trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc
Cùng với khí thế thi đua sôi nổi của toàn Đảng, toàn dân hướng đến kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, trên các công trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc, không khí thi đua lao động đang diễn ra sôi động, khẩn trương, quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ các công trình, dự án.
Đẩy nhanh tiến độ để về đích đúng hạn
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là chủ trương lớn của Vĩnh Phúc nhằm hiện thực hóa các nội dung Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời đại mới.
Với quan điểm “Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh”, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu thông qua các chính sách đặc thù sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, chú trọng phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc với cơ sở vật chất đồng bộ hiện đại; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng thương mại dịch vụ hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, để nông thôn Vĩnh Phúc trở thành những miền quê đáng sống.
Theo chương trình, trong giai đoạn I, toàn tỉnh sẽ thí điểm xây dựng 30 Làng văn hóa kiểu mẫu ở các huyện, thành phố; giai đoạn II tiếp tục xây dựng thêm 30 làng, tiến tới tất cả các xã, phường, thị trấn đều xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Việc triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ bao gồm 14 tiêu chí và 16 chính sách hỗ trợ đặc thù. Trong đó, đầu tư xây dựng khu thiết chế văn hóa thể thao là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đến nay, 100% thôn, tổ dân phố xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đã khởi công xây dựng khu thiết chế văn hóa, thể thao.
Tại công trình khu thiết chế văn hóa, thể thao Man Để, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, hàng chục công nhân Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu CIEZA Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan đang gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để khánh thành, đưa công trình vào sử dụng dịp Quốc khánh 2/9.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Hồng Chu Văn Tiến hồ hởi chia sẻ: “Chỉ trong thời gian hơn 2 tháng với sự tập trung cao độ của chính quyền địa phương, nhà thầu thi công và chủ đầu tư, công trình đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt, công trình được hoàn thành đúng dịp Quốc khánh 2/9 nên càng mang nhiều ý nghĩa hơn. Công trình đã mang lại một diện mạo mới cho khu dân cư nên người dân rất vui mừng, phấn khởi, mong đợi công trình sớm được đưa vào sử dụng. Với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kiến trúc cảnh quan, không gian thoáng mát, đây chắc chắn sẽ là địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao yêu thích của người dân trong tương lai, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân”.
Theo UBND huyện Yên Lạc, xác định xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện Yên Lạc đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu giai đoạn 2023-2030, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên từ huyện đến các xã, thị trấn để chủ động, tích cực tham mưu triển khai, thực hiện. UBND huyện, các phòng, ban, ngành của huyện xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ, giải pháp, thời gian, tiến độ thực hiện từng tiêu chí trong nghị quyết. Tổ chức tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân trong huyện về ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương thực hiện Làng văn hóa kiểu mẫu. Qua đó, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, đổi mới, sáng tạo và thực sự có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với sự nghiệp văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ đó, đã tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân thi đua hưởng ứng tham gia. Đến nay, các thiết chế văn hóa kiểu mẫu về kiến trúc, cảnh quan của “Làng văn hóa kiểu mẫu” đang dần hoàn thành như nhà văn hóa, khu thể dục thể thao, khu công viên, vườn hộ, cây xanh, đường dạo…
Đồng thời, huyện Yên Lạc đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách đặc thù hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại, tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ, phát huy các giá trị kiến trúc, phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống, nâng cao hiệu quả các thiết chế thể thao, quy tập mộ riêng lẻ về nghĩa trang nhân dân, vận động người dân tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư…
Cụ thể, các Làng văn hóa kiểu mẫu Chi Chỉ, xã Đồng Cương; làng Thụ Ích, xã Liên Châu; làng Man Để, thị trấn Tam Hồng, đã rà soát, hướng dẫn nhân dân đăng ký 12 chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh. Làng Man Để đã thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ cho 18 hộ phát triển kinh tế với số tiền 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ 34 hộ tự nguyện dừng chăn nuôi trong khu dân cư.
Nhân dân làng Thụ Ích hiến 5.000 m2 đất để mở rộng khuôn viên vui chơi của làng, ủng hộ 400 triệu đồng lắp camera an ninh, lắp biển tên đường, số nhà; 300 triệu đồng xây dựng, sơn bàn ghế, loa hội trường.
Với tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các chi bộ, thiết chế “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn huyện Yên Lạc đã và đang hoàn thành.
Trong khi đó, tại huyện Sông Lô, xã Quang Yên cũng đang nỗ lực xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Bí thư Đảng ủy xã Quang Yên Nguyễn Tiến Toàn cho biết, ngay sau khi được chọn làm điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, xã Quang Yên đã triển khai các văn bản của tỉnh, huyện, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Để thực hiện hiệu quả đề án, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức họp, quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng, lợi ích của đề án. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực xã hội dựng lại một số nhà sàn, giữ gìn các trang phục truyền thống dân tộc Cao Lan.
Là khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân, mà còn bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc nên đã tạo được sự đồng thuận cao từ nhân dân.
Thôn Đồng Dong, xã Quang Yên có hơn 200 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu thì có đến 95% dân số là người dân tộc Cao Lan. Những năm qua, người dân địa phương luôn ý thức giữ gìn phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngoài Lễ hội xuống đồng được tổ chức quy mô, người dân còn tổ chức múa hát, tái hiện cảnh lao động, sinh hoạt hằng ngày của bà con như hát Sình ca, hát đối giao duyên, múa lên nương, phát rẫy, cầu mùa; tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ, chọi dê… vào các dịp đặc biệt trong năm.
Theo đề án, các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ được trưng bày, giới thiệu và bán tại nhà văn hóa thôn. Xã Quang Yên còn chỉ đạo thôn Đồng Dong tích cực sản xuất rượu men lá, sản xuất rau sạch, chăn nuôi dê, thỏ, lợn mán; bảo tồn các dụng cụ chiêng trống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại nhà văn hóa thôn. Tính đến thời điểm ngày 17/8, căn cứ Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh, UBND xã tiến hành kiểm tra, rà soát và đánh giá kết quả đạt được 2/14 tiêu chí. Giải phóng mặt bằng được gần 7.000 m2 và bàn giao cho đơn vị thi công tiến hành khởi công xây dựng công trình, nâng tổng diện tích xây dựng khu thiết chế văn hóa lên hơn 11.000 m2. Hạng mục nhà văn hóa được khởi công xây dựng ngày 24/4, đến nay khối lượng hoàn thành 25%, đang thi công phần cột, tường nhà; hạng mục san nền, kè đá, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 70%.
Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, toàn thôn đã đăng ký 6 mô hình hỗ trợ kinh doanh dịch vụ thương mại. UBND xã đã phối hợp với Viện Quy hoạch, Viện Dân tộc học Việt Nam tiến hành khảo sát xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng tại xã Quang Yên. Tập trung rà soát, tổng hợp, lập danh sách, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình đề nghị phê duyệt 8 mô hình vườn sản xuất. Thực hiện việc hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến nay đã giải ngân được 2,4 tỷ đồng cho 12 hộ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, địa phương đã đăng ký 5 nhà để hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà có giá trị kiến trúc; lập tờ trình thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Đồng Dong; chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa huyện Sông Lô hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận đình Đồng Dong được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh… Để mở rộng các tuyến đường trên địa bàn thôn, Đồng Dong đã tiến hành họp lấy ý kiến của người dân về giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường. Ngày 15/8, nhân dân thôn Đồng Dong tổ chức chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, đồng loạt phá bỏ tường rào để mở rộng đường, tiến hành trồng cây xanh để làm hàng rào.
Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cùng các sở ngành, địa phương, đến nay, tiến độ hầu hết các công trình đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, 2 công trình dự kiến sẽ khánh thành vào cuối tháng 8 là khu thiết chế văn hóa, thể thao thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc và khu thiết chế văn hóa, thể thao tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên. Dự kiến, làng Thụ Ích, xã Liên Châu tổ chức khánh thành vào ngày 27/8 nhân dịp kỷ niệm 78 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Làng Chi Chỉ, xã Đồng Cương, và làng Man Để, thị trấn Tam Hồng dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2023.
Trong tháng 9 sẽ có thêm 6 công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng là các công trình ở thôn Man Để, thị trấn Tam Hồng và thôn Chi Chỉ, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc; thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường; thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, thôn Vân Nam, xã Vân Trục và thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch.
Dự kiến đến cuối tháng 11, 100% công trình khu thiết chế văn hóa, thể thao ở các Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân, làm tiền đề, động lực để triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là chủ trương lớn của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao đời sống toàn diện cho người dân, để mọi người dân thực sự được thụ hưởng thành quả phát triển của tỉnh. Do vậy, yêu cầu các ngành, đoàn thể, địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để triển khai thực hiện. Chậm nhất trong tháng 11, phải hoàn thành 100% các công trình thiết chế văn hóa, thể thao. Đồng thời, ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện đồng bộ 14 nhiệm vụ, 16 chính sách hỗ trợ, để Làng văn hóa kiểu mẫu thực sự mang lại lợi ích cho người dân cả về vật chất và tinh thần, cũng như phát triển, nâng cao đời sống văn hóa.
Phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu
Với quan điểm lấy người dân làm chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền và MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng phát huy vai trò của người dân trong đóng góp ý kiến, giám sát thực hiện các tiêu chí trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Từ đó, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong nhân dân.
Triển khai tiêu chí về xây dựng thiết chế văn hóa trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, chính quyền và nhân dân địa phương thường xuyên tham gia giám sát và đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, thi công khu thiết chế văn hóa thôn.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh Nguyễn Phùng Xuân cho biết, trước khi thực hiện các hạng mục trong xây dựng khu thiết chế văn hóa nói riêng và các tiêu chí trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại địa phương nói chung, xã đều triển khai các cuộc họp để thông tin, lấy ý kiến đóng góp từ cấp ủy, chính quyền xã đến chi bộ và thôn, xóm. Trong quá trình thực hiện, người dân cũng cử người đại diện trực tiếp tham gia giám sát thi công tại công trình để vừa theo dõi tiến độ, vừa đảm bảo có đóng góp điều chỉnh kịp thời khi cần thiết. Mới đây, trong quá trình thi công hạng mục rãnh thoát nước thải và sân khấu của khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao của thôn, qua quá trình theo dõi, giám sát, chính quyền xã và nhân dân trong thôn Hệ đã đề nghị nhà thầu chỉnh sửa, nâng độ cao của rãnh thoát nước thải so với mặt đường, điều chỉnh thiết kế của sân khấu. Sau khi bàn bạc, nhà thầu đã thống nhất chỉnh sửa theo đề nghị của thôn để vừa đảm bảo chất lượng công trình, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khu thiết chế văn hóa thôn Hệ có diện tích 10.000 m2, đến nay đã hoàn thiện 50% tiến độ xây dựng và đang triển khai thi công, san lấp mặt bằng sân, trồng cây xanh, xây dựng sân thể thao…
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Gia Khánh Trịnh Hồng Đoàn cho biết,công trình Làng văn hóa kiểu mẫu tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, cấp ủy, chính quyền thị trấn Gia Khánh cùng Ban Giám sát cộng đồng tổ dân phố Tam Quang thường xuyên có mặt để nắm tiến độ, đôn đốc nhà thầu thi công hạng mục công trình Làng văn hóa kiểu mẫu. Trong suốt quá trình thi công hạng mục khu trung tâm văn hóa, các thành viên của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của thị trấn gồm 9 thành viên, trong đó có đại diện người dân tổ dân phố Tam Quang luôn có mặt tại công trình để theo dõi, giám sát công tác thi công, đảm bảo chất lượng công trình. Không chỉ theo dõi, giám sát các hạng mục thi công khu trung tâm văn hóa, người dân còn phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng LVHKM khi luôn đồng tình, ủng hộ và sẵn sàng góp công, góp của để vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; trồng hoa, cây xanh; hiến đất để xây dựng nhà văn hóa…”.
Với sự đồng tình, chung sức của chính quyền và nhân dân, Làng văn hóa kiểu mẫu tổ dân phố Tam Quang đang dần hiện hữu. Những ngày này, trong sự vui mừng, phấn khởi của nhân dân, chính quyền địa phương, công trình nhà văn hóa tổ dân phố đang được gấp rút thi công để hoàn thiện theo đúng kế hoạch, khánh thành vào dịp Quốc khánh 2/9.
Ông Lê Xuân Hữu, người dân tổ dân phố Tam Quang chia sẻ, trước đây, nhà văn hóa của tổ dân phố nhỏ nên phần nào làm hạn chế các hoạt động sinh hoạt chung, hoạt động văn nghệ, thể thao. Bây giờ nhìn công trình mới đang dần hoàn thiện, to đẹp, khang trang, lại có sự góp công, góp sức của người dân địa phương, chúng tôi thấy rất vui và phấn khởi.
Bí thư Đảng ủy xã Quang Yên Nguyễn Tiến Toàn nhấn mạnh, với những ý nghĩa nhân văn, thiết thực từ Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo để việc triển khai xây dựng các công trình, hạng mục đúng tiến độ đề ra. Sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Đồng Dong được hình thành sẽ góp phần hoàn thiện các thiết chế văn hóa, sinh hoạt cộng đồng nơi đây. Đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, cải thiện thu nhập của người dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Được khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là động lực, đòn bẩy để tăng niềm tin, nâng cao sự tự giác tham gia của người dân vào thực hiện các tiêu chí. Với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân, các Làng văn hóa kiểu mẫu đang dần hiện hữu, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.