Người thầy thuốc ân nhân của những cặp vợ chồng hiếm muộn

Thứ Ba, 28/02/2023, 04:55

Vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở những phụ nữ lớn tuổi, việc tìm kiếm mụn con lại khó khăn gấp bội. Nhiều phụ nữ hiếm muộn hơn 10 năm chạy chữa khắp các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc đều thất bại, khi đến với BS Phạm Văn Hưởng, Trưởng khoa Khám bệnh, kiêm Phó Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, họ đã may mắn có được trái ngọt là những đứa con đáng yêu.

15 năm vô sinh mới có trái ngọt

Gặp BS Phạm Văn Hưởng tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chúng tôi luôn thấy anh bận rộn với lượng bệnh nhân đang chờ khám, chờ chọc trứng và chờ chuyển phôi rất đông. Anh chia sẻ, với mỗi bác sĩ công tác trong lĩnh vực hiếm muộn, khi tiếp nhận bệnh nhân đều phải xác định ngay từ đâu rằng đây là ca bệnh khó.

bs cki phạm văn hưởng chọc trứng.jpg -0
Bác sĩ Phạm Văn Hưởng (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp thực hiện kĩ thuật điều trị hiếm muộn.

Với mình, cái khó là khi mình chưa đi đúng và chưa tìm con đường tới đích ngắn nhất cho bệnh nhân về cả thời gian, kinh tế, hiệu quả. Bác sĩ phải có vai trò vạch ra chiến lược tốt, hiểu bệnh nhân để cá thể hóa điều trị cho mỗi người. Từ đó, dựa vào kinh nghiệm điều trị, với phác đồ điều trị hợp lý cho người bệnh.

12 năm “bén duyên” với chuyên ngành hiếm muộn, BS Hưởng đã gặp rất nhiều ca bệnh khó, vô sinh nhiều năm, chạy chữa khắp các bệnh viện không thành công. Khi họ tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn là “đường cùng”, vào đây với tia hy vọng mong manh có được một phần nhỏ may mắn.

BS Hưởng vẫn nhớ như in buổi sáng cách đây 3 năm, nữ bệnh nhân N.T.K (SN 1986, Nha Trang) bước vào phòng khám, vừa nói được hai câu, chị đã bật khóc. Lập gia đình hơn 10 năm, mang thai 1 lần duy nhất rồi không may bị hỏng, cho dù đi khám cả hai vợ chồng sức khỏe đều bình thường, nhưng mãi chưa có con. Chị đã can thiệp hỗ trợ sinh sản khắp các bệnh viện ở cả 3 miền, tổng kích trứng 7 lần và 2 lần xin trứng. Số lần chuyển phôi rất nhiều nhưng đều không đậu thai.

Đây là ca bệnh cực kỳ khó vì người bệnh đã can thiệp ở các bệnh viện đầu ngành về sản khoa. Nghiên cứu hồ sơ, rất nhiều câu hỏi đặt ra cho vị BS trẻ, “tại sao trước đó bệnh nhân chuyển phôi nhiều lần không đậu; liệu có tiếp tục kích trứng khi chị sức khoẻ của chị đã bị ảnh hưởng rất lớn do trước đó đã làm nhiều lần; hay khuyến khích bệnh nhân đi xin trứng; lấy trứng, tạo phôi thành công nhưng liệu phôi phân chia có bất thường không; kế hoạch mổ nội soi xem tử cung khảo sát có vướng mắc gì không?….”.

Từng ấy “chiến lược” vạch ra cho người bệnh, BS Hưởng quyết định phác đồ kích trứng với liều trung bình, thu được 7-8 trứng, theo dõi lên được 1 phôi khá và 1 phôi yếu hơn. Mổ nội soi phát hiện 1 bên vòi trứng ứ dịch, phải cắt. 1 tháng sau, tiến hành đặt phôi. May mắn, lần đầu chuyển phôi chị K đậu thai ngay. Thai phát triển an toàn, đủ 9 tháng 10 ngày thì hạ sinh bé trai. “Em bé giờ cũng gần hai tuổi. Bệnh nhân thỉnh thoảng vẫn nhắn tin hỏi thăm bác sĩ. Hạnh phúc với người làm nghề y là mang đến hạnh phúc, niềm vui cho người bệnh”, BS Hưởng vui vẻ chia sẻ.

Một ca bệnh hiếm muộn 15 năm khác mà BS Hưởng điều trị thành công là chị N.T.P (SN 1986, Điện Biên). Chị P có thai tự nhiên và lưu 2 lần, trẻ tuổi nhưng buồng trứng rất kém, nang dự chỉ 1-2 nang, tiệm cận suy buồng trứng. Quá trình chạy chữa đã kích trứng 6-7 lần, điều trị khắp các nơi không có kết quả, chị tới Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn để tìm cơ hội may mắn.

Tại đây, sau 3 lần kích trứng không được, chị P lại sang trung tâm hiếm muộn khác kích trứng vẫn không có kết quả. Tuyệt vọng, chị P đi xin trứng, tạo được rất nhiều phôi. Lần đầu chuyển phôi đậu 2 thai, nhưng lại lưu. “Trong hành trình đi tìm con, người phụ nữ vô cùng vất vả khi phải ngược từ Điên Biên đi Hà Nội và khắp các tỉnh chạy chữa. Vì vậy chúng tôi cố gắng hết mức, tìm phác đồ tối ưu nhất cho trường hợp này”, BS Hưởng nói.

Người thầy thuốc ân nhân của những cặp vợ chồng hiếm muộn -0
Bác sĩ Phạm Văn Hưởng cùng một gia đình điều trị hiếm muộn thành công.

May mắn, ở lần chuyển phôi tiếp theo, chị P đậu thai. Lần này chuyển 2 phôi, nhưng quá trình phân chia lại thành “tam thai”, được vài tuần 1 thai bị lưu. Quá khó khăn cho sinh nở, ngoài sử dụng các thuốc hỗ trợ, chị P gần như nằm ở viện tới tận lúc sinh. Thai được hơn 8 tháng, chị sinh đôi hai bé gái. “Bẵng đi một thời gian, điều kỳ diệu chị P mang bầu tự nhiên, sau đó sinh một bé trai khoẻ mạnh, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho gia đình, kết thúc hành trình dài tìm con”, BS Hưởng kể.

Mang lại niềm tin cho người bệnh

BS Hưởng chia sẻ, không phải ca hiếm muộn nào cũng điều trị thành công, anh và đồng nghiệp gặp rất nhiều trường hợp dù đã được can thiệp, điều trị nhưng bệnh nhân mãi chưa có tin vui. Có những người từng hỗ trợ sinh sản ở nơi này không được, nhưng vừa sang nơi khác lại có tin vui dù phác đồ điệu trị không khác nhau. Đó là điều đặc biệt, rất khó giải thích ở lĩnh vực hiếm muộn. Có lẽ, do duyên số và do may mắn của bệnh nhân. Nghĩa là đứa trẻ được chọn lựa đến với cuộc đời rất bất ngờ và đúng thời điểm.

Được đánh giá là “mát tay” trong điều trị hiếm muộn, để có thành quả là những em bé xinh xắn chào đời, BS Hưởng đã phải học hỏi và nỗ lực rất nhiều. Năm 2010, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, BS Hưởng về nhận công tác tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn, anh gần như phải tiếp cận lại từ đâu với chuyên ngành sản hiếm muộn. Kiến thức học trong trường chỉ là sản tổng quát, để đi sâu vào lĩnh vực hiếm muộn, anh phải vào TP Hồ Chí Minh tham gia các khoá đào tạo về thụ tinh ống nghiệm tại Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Ở thời điểm cách đây hơn 10 năm, đây là một ngành rất mới không chỉ với BS Hưởng mà còn với nhiều cơ sở y tế. Khi ra Hà Nội, anh tiếp tục nhận được sự hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp đi trước và được các thầy “cầm tay, chỉ việc”.

Người thầy có ảnh hưởng sâu sắc với anh là PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương “cầm tay chỉ việc” 20 ca đầu; thầy Trịnh Thế Sơn, Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y chuyển giao công nghệ. Được các thầy dẫn dắt cho đến khi tự chủ kỹ thuật, quy trình, năm 2013, BS Hưởng chính thức làm chọc trứng ca đầu tiên để chuyển thụ tinh ống nghiệm. Nhớ lại thời điểm đó, anh cho biết, mình khá hồi hộp. 4 ca đầu tiên đều đạt kết quả tốt, thu được số trứng như mong muốn.

Ở Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn, tiếp bước BS Lê Thị Thu Hiền, BS Phạm Văn Hưởng là những người đầu tiên đưa những kỹ thuật tiên tiến về thụ tinh trong ống nghiệm phát triển tại đây. Hơn 10 năm làm nghề, BS Hưởng đã phải “gỡ khó” cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Có những bệnh nhân sau nhiều năm chạy chữa không thành công, buồn khổ, tự ti, nhất là những ông chồng “tinh binh yếu”, BS Hưởng kiêm luôn nhiệm vụ động viên tâm lý, giải toả tinh thần để người bệnh tự tin bước vào quá trình điều trị. 10 năm qua, nhờ “sự mát tay” của BS Hưởng, biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn được đón nhận đứa con đầu đời sau nhiều năm chạy chữa. 

Theo vị bác sĩ trẻ, tỷ lệ hiếm muộn chiếm gần 8% người trong độ tuổi sinh đẻ, ngày càng có xu hướng tăng. Nhóm tuổi vô sinh trẻ có xu hướng tăng, chia đều cho nhóm nam và nữ. Nam do tinh trùng suy giảm và giảm chất lượng, nguy cơ do công việc, lối sống, ăn uống…

Nữ nguyên nhân viêm tắc vòi trứng, viêm phụ khoa, nạo hút thai không kiểm soát được về nhiễm khuẩn; nhóm chức năng buồng trứng suy giảm có xu hướng kém dần ở tuổi trẻ. Hiện nay có xu hướng trữ trứng, nhưng nhiều ở nhóm điều trị khối u, bệnh toàn thân và nhóm lớn tuổi. Theo khuyến cáo của BS Hưởng, phụ nữ có con trong độ tuổi sinh đẻ là tốt nhất. Nếu chưa sinh con thì trữ phôi là một giải pháp khá an toàn, tỷ lệ sống trên 95%.

Trần Hằng
.
.
.