Mở đường cho khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Thứ Hai, 14/02/2022, 11:45

Hiện nay, cả nước có 70 bộ, ngành, địa phương đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lấy mức độ 4. Chính phủ đặt ra mục tiêu trong năm 2022, tất cả các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thành mục tiêu này.

Tác động của dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp cũng như các giải pháp để nâng cao mức độ, hiệu quả của các dịch vụ công này đang là vấn đề cần bàn luận.

Để đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính được thông suốt ngay từ những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, cơ quan hành chính ở các địa phương đã nghiêm túc trở lại làm việc. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng được thực hiện nghiêm túc mang lại sự hài lòng cho người dân.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu của Chính phủ đặt ra. Cụ thể, biện pháp tin học hóa, biện pháp hành chính số là biện pháp cơ bản để vượt lên khỏi những thủ tục phức tạp mà các doanh nghiệp, những người dân hiện nay đang phải chịu. Thậm chí, sau một quá trình cải cách thủ tục hành chính khá dài, gần 15 năm, nhưng những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp, của người dân, của các hộ gia đình vẫn chưa được tháo gỡ một cách đầy đủ.

"Một trong những điểm quan trọng nhất của Chính phủ số là sự đối thoại giữa Chính phủ với người dân; sự đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp trên cơ sở online. Thực tế, tôi chưa cảm thấy thỏa đáng trong việc đối thoại này. Hơn nữa, với các thủ tục hành chính, các giao dịch cụ thể giữa Nhà nước với các doanh nghiệp ở các cấp mà mỗi một bộ có một cửa thì có bộ làm tốt, có nơi làm chưa tốt, chưa đẩy được việc này lên những bước phát triển quan trọng" - GS Đặng Hùng Võ nhận xét.

Mở đường cho khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công trực tuyến -0
Người dân tới bộ phận một cửa để giải quyết các thủ tục hành chính sau khi gửi yêu cầu qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Chuyển giao một phần dịch vụ công do Nhà nước quản lý sang khu vực tư nhân là một giải pháp khác để nâng cao mức độ cũng như hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến được ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập.

Đây cũng là một trong những giải pháp được đưa ra tại chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

“Hiện nay, đa số các cung cấp dịch vụ công vẫn do cơ quan nhà nước triển khai. Tuy nhiên, trong định hướng cũng như trong thực tế, việc này đã có sự tham gia của các doanh nghiệp. Ví dụ như dịch vụ công trực tuyến; các dịch vụ bưu chính công ích: Giúp người dân nhận hồ sơ nhà, sau đó chuyển cơ quan nhà nước xử lý cũng như khi có kết quả thì chuyển đến nhà dân; một số dịch vụ thuế, hải quan,… Như vậy người dân, doanh nghiệp có thể là thông qua các doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hành chính” - ông Nguyễn Phú Tuyến nhấn mạnh.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ nêu 3 tiêu chí mang tính giải pháp đột phá trong việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4.

Trước hết, phải lấy nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, cải cách là dẫn dắt và công nghệ là công cụ hỗ trợ, tập trung phát triển những nền tảng dùng chung. Đó là cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, nền tảng thanh toán trực tuyến, hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Thứ hai, cần khắc phục việc cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh do hai cơ quan phụ trách. Việc này sẽ phát sinh những chi phí đầu tư về nền tảng, sự đầu tư trùng lặp giữa hai hệ thống.

Thứ ba, phải thực hiện gắn số hóa với tái sử dụng kết quả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hình thành công chức điện tử; đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng cá nhân, tổ chức không phải cung cấp lại hồ sơ, giấy tờ điện tử đã được số hóa, có giá trị pháp lý.

PV( theo VOV)
.
.
.