Di cư tự do và giấc mộng tan vỡ nơi xứ người

Kỳ cuối: Không đâu bằng quê hương

Thứ Tư, 12/06/2024, 07:53

Trải qua một thời gian “vỡ mộng ở miền đất hứa”, với chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, các trường hợp di cư tự do trở về Việt Nam đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong tỉnh tuyên truyền, giúp đỡ, nhiều hộ dân đã ổn định tư tưởng, cuộc sống, vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống no ấm trên chính mảnh đất quê hương.

Mở lối cho người lạc lối trở về

Hầu hết các hộ dân khi trở về đều không còn nhà cửa, ruộng đất vì đã bán hết khi ra đi tìm miền đất hứa. Với các trường hợp hồi cư trở về, cấp ủy chính quyền địa phương đã “dang rộng vòng tay”, quan tâm thăm hỏi, động viên, tháo gỡ vướng mắc tư tưởng, tâm lý, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định, hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ các nhu yếu phẩm ban đầu để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau. Đến nay, điều kiện sống của số dân cư hồi hương cơ bản ổn định, nhiều người được tạo điều kiện bảo đảm cuộc sống, được cấp giấy tờ tuỳ thân theo quy định, con em được đến trường, được anh em, bà con trong bản chia đất, giúp đỡ phương tiện sản xuất…

Tại Sốp Cộp, địa phương có đông đồng bào di cư tự do nhất tỉnh, từ năm 2022 đến hết tháng 4/2024, toàn huyện có 33 hộ, 204 khẩu di cư tự do, hầu hết di cư ra nước ngoài. Các hộ chủ yếu ở các xã Mường Lạn, Mường Lèo, Nậm Lạnh, đây là các xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống chiếm tỷ lệ cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, phát hiện 5 hộ, 21 khẩu di cư ra nước ngoài quay trở về địa phương.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Đối với những hộ di cư nay hồi cư trở về địa phương sinh sống, trước mắt huyện giao Công an huyện chỉ đạo Công an xã nghiên cứu xem xét, tạo kiều kiện giải quyết các thủ tục nhập khẩu, đăng ký thường trú, tạm trú cho các hộ. UBND xã tuyên truyền ban quản lý bản, anh em người thân các hộ gia đình người di cư có phương án hỗ trợ, giúp đỡ nơi ở, chia đất sản xuất, dựng nhà cho các hộ; hỗ trợ các vật dụng thiết yếu chăn màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt để các hộ ổn định cuộc sống. Về lâu dài, huyện Sốp Cộp tập trung nguồn lực, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho bà con.

Thượng tá Lù Văn Lịch, Trưởng Công an huyện Sốp Cộp, cho biết: Qua nắm tình hình từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 18 hộ, 127 nhân khẩu có ý định di cư, Công an huyện đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động, đến nay các hộ có ý định di cư ổn định tư tưởng, ổn định nơi cư trú, không di cư tự do nữa.

Chúng tôi cùng một số CBCS Công an huyện Sốp Cộp và Biên phòng trở lại thăm các hộ dân hồi cư ở xã Mường Lèo, Mường Lạn. Dọc các sườn đồi, không khí tấp nập, sôi nổi của người dân đi vỡ đất, làm cỏ, xuống giống; từng đàn trâu, bò, dê, ngựa nhẩn nhơ gặm cỏ, lũ trẻ hồn nhiên vui chơi bên hiên nhà, cảm nhận rõ sự yên bình.

Trong căn nhà sàn gỗ mới dựng giữa bản của gia đình anh Giàng A Sị, bản Huổi Men, đoàn công tác trò chuyện, thăm hỏi động viên vợ chồng anh. Rồi ai nấy mỗi người một việc giúp anh Sị lợp mái che khu vực để củi, chia sẻ cách phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Anh Sị xúc động: Trở về quê hương, vợ chồng tôi may mắn hơn các hộ khác khi có anh trai cả quan tâm giúp đỡ, anh đã chia đất ở, cộng với số tiền cầm về tích cóp ít ỏi bao năm mua được nhà sàn cũ và mua 2 con bò để tập trung phát triển kinh tế. Hôm dựng nhà, bà con trong bản ai cũng giúp đỡ, tôi vui lắm, 2 đứa con tôi ở bên đó bao nhiêu năm không được học hành, không biết chữ, giờ cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học trở lại.

Còn với ông Giàng Sộng Sa, ở bản Trả Lảy, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, sau nhiều năm cực khổ nơi xứ người, không biết tiếng, không có tiền trở về. Lay lắt sống bên đó được gần 4 năm thì bị Công an Lào khám xét, phát hiện không có giấy tờ nên trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên. Mặc dù đã bán hết đất đai nhưng khi trở về quê hương, vợ chồng ông còn có con trai cả để nương tựa. May mắn con trai ông ở lại Việt Nam không đi cùng vợ chồng ông năm đó. Hiện giờ, vợ chồng ông Sa đang ở nhà trông các cháu cho 2 vợ chồng con trai cả đi làm thuê ở Hà Nội, mỗi tháng họ cũng gửi về nhà hơn chục triệu đồng cho ông bà chăm cháu và tiết kiệm.

Bồng cháu nhỏ trên tay, ông Sa thật thà: Đầu năm họp bản có hỗ trợ đề nghị xây nhà đại đoàn kết nhưng gia đình tôi chưa có vốn đối ứng. Sang năm, con trai, con dâu đi làm tích cóp được tiền cộng thêm tiền hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ xây nhà. Tôi ơn Nhà nước nhiều lắm, sẽ bảo ban con cháu lao động sản xuất ở quê hương mình thôi.

Nỗ lực ổn định đời sống và tâm tư của đồng bào

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La thường xuyên quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc. Nhờ đó, nhiều công trình giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng đã được triển khai xây dựng phục vụ thiết thực cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Chính quyền địa phương cùng các ban, ngành chức năng tập trung cử cán bộ hướng dẫn nhân dân chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Ở nhiều nơi, trên triền đồi, sườn núi bạt ngàn cây ăn quả trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống nhân dân trên địa bàn đã được nâng lên, cải thiện rõ rệt, cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm giảm 3%/năm…

Kỳ cuối: Không đâu bằng quê hương -0
Vợ chồng ông Giàng Sộng Sa, bản Trả Lảy, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã chăm sóc đàn bò, ổn định cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Tiếp tục chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Phấn đấu năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020; hằng năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo các xã đặc biệt khó khăn…

Với lực lượng CAND có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng di cư tự do trên địa bàn tỉnh. Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Công an tỉnh tiếp tục tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện tốt chính sách dân tộc, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để đảm bảo ANTT; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ chủ quyền biên giới, về hậu quả, tác hại của việc di cư tự do, xuất cảnh trái phép, nhất là quy chế biên giới giữa 2 nước Việt Nam - Lào, nâng cao cảnh giác, không nghe, không tin theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Cũng như người Kinh quan niệm “An cư mới lạc nghiệp”, đồng bào Mông có câu: “Giàu đi nhiều sẽ nghèo, nghèo đi nhiều sẽ chết”. Đâu đó trong tâm khảm của mỗi người Mông nơi đây lại văng vẳng những giai điệu, câu hát “Người Mèo ơn Đảng”, “Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát/Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng/ Bao đời nay sống nghèo lam lũ/ Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi…/ Nhớ ơn Đảng đưa tới/ Ta từ nay ấm no, không bỏ rẫy đốt nhà mà lang thang nghèo suốt đời…”. Không có cuộc sống giàu sang nào nơi miền đất hứa, không làm cũng có ăn, “làm một mà được ăn mười” cả. Mọi của cải có được phải bằng chính sức lao động của mình và không đâu bằng quê hương, Tổ quốc Việt Nam mình!

Phong Ngân
.
.
.