Di cư tự do và giấc mộng tan vỡ nơi xứ người

Kỳ 1: Long đong những phận đời di cư

Thứ Ba, 11/06/2024, 07:48

Trong 12 dân tộc anh em sinh sống tại tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 15% dân số và thường sống tại các xã vùng núi cao, biên giới của tỉnh. Những năm qua, bên cạnh đa số người dân yên tâm lao động sản xuất, góp phần xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc, một bộ phận vẫn du canh, du cư, vượt biên trái pháp luật, ảo tưởng cuộc sống sung sướng nơi xứ người…

Hệ lụy từ những luận điệu viển vông

Tập quán du canh, du cư có từ lâu đời trong đồng bào dân tộc Mông. Giai đoạn 2010-2011, một số bộ phận bà con người Mông râm ran kháo nhau sau khi thành lập Vương quốc Mông thì sẽ được người Mông ở Mỹ, Thái Lan, Myanmar và cả ở Trung Quốc trợ giúp, đi theo Vàng Chứ (là ông vua của người Mông được trời cử xuống) thì sẽ có nhà cao cửa rộng, sẽ không phải làm mà cũng có ăn, rồi tha hồ được đi Thái Lan, đi cả Mỹ. Thậm chí nói rằng đi theo Vàng Chứ sẽ trở thành người giời, biết bay…, nhưng vua Mông (Vàng Chứ) là ai thì không biết.

Kỳ 1 : Long đong những phận đời di cư -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an cơ sở thăm hỏi, động viên gia đình ông Giàng Sộng Sa, bản Trả Lảy, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã.

Và thế là, trên địa bàn tỉnh Sơn La, một số bộ phận người Mông đã xảy ra hiện tượng di cư ồ ạt đi huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cuộc di cư đã khiến xảy ra vụ bạo loạn với hàng chục đối tượng chủ mưu lôi kéo cả ngàn người Mông các tỉnh tập trung chống phá, âm mưu “ly khai, lập quốc” ở Mường Nhé. Dù vụ bạo loạn được giải quyết êm thấm song vẫn để lại những hậu quả, dân số của huyện Mường Nhé tăng nhanh, người dân di cư chặt phá rừng làm nương trái phép, những cánh rừng của huyện bị tàn phá nặng nề...

Giai đoạn 2016-2019, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng di cư đi các tỉnh Tây Nguyên, khiến quỹ đất ở và đất sản xuất bố trí cho người dân gặp rất nhiều khó khăn, gây mất ANTT các vùng di cư đến, khó khăn cho công tác quản lý và an sinh xã hội.

Năm 2019, hai vợ chồng anh Và A Dia (bản Chả Lạy A, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu) được rủ rê vào huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk sinh sống; hứa hẹn có người đón, cho đất ở làm nhà và sản xuất, vào đây làm ăn thuận lợi. Dia đã cùng mấy gia đình trong bản di chuyển vào huyện Ea Súp. Khi vào đến nơi thì những lời hứa hẹn chỉ là con số không, nếu muốn sống được ở đây Dia phải mua đất làm nhà, mua nương rẫy chứ chẳng ai cho không thứ gì nơi đất khách quê người.

Dia nghẹn ngào kể lại: Tròn 20 ngày lang thang trong đó, số tiền mang theo đã gần hết, không thể định cư nơi ở mới, nhận thấy mảnh đất quê hương mới chính là nơi giúp mọi người cơm ăn, áo mặc, gắn bó họ hàng, anh em, tôi và mấy gia đình khác đã quyết định trở về quê cũ.

Cùng với di cư tự do, vượt biên trái phép cũng diễn biến phức tạp. Từ năm 2019 đến năm 2023, qua công tác rà soát, nắm tình hình trên địa bàn tỉnh, Công an Sơn La phát hiện 119 hộ/638 khẩu người dân tộc Mông di cư tự do trong nội tỉnh, tỉnh khác và sang Lào, Myanmar, Thái Lan…

Thượng tá Trần Văn Hùng, Trưởng phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Sơn La, cho biết: Các đối tượng xấu lợi dụng triệt để Facebook, Zalo, YouTube để đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung lôi kéo người dân tộc Mông di cư, xuất cảnh trái phép. Đồng thời, lợi dụng trình độ nhận thức còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc Mông để xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời, những luận điệu: “Vua Mông” sắp về Lào để thành lập “Nhà nước Mông”; “Sắp có chiến tranh xảy ra”; “Lào, Myanmar đất rộng, người thưa, nhiều rừng, nhiều con thú để săn bắn…”, nhằm kích động, dụ dỗ, người Mông đi sang Lào để có cuộc sống sung sướng…

Hệ lụy của việc di cư tự do là rõ ràng, không ít người lâm vào cuộc sống ngày càng khốn khó hơn, không mang lại cuộc sống ấm no, mà thực tế, rất nhiều người đã phải quay trở về tay trắng. Đó là chưa kể nơi đất khách quê người phải sống chui lủi vì không có giấy tờ tùy thân, bệnh tật vì không có thuốc men chăm sóc, thậm chí còn bị kẻ xấu lợi dụng tiếp tay cho các loại tội phạm. Khối đại đoàn kết toàn dân bị ảnh hưởng, phá hoại, chia rẽ, là mầm mống gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội tại nhiều địa phương.

Kỳ 1 : Long đong những phận đời di cư -0
Lực lượng chức năng giúp đỡ gia đình anh Giàng A Sị, bản Huổi Men lợp mái che khu vực để củi.

Cái giá của sự mê muội, cả tin

Vượt qua 150km từ thành phố Sơn La về xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tiếp tục đi thêm 10km đường dốc đến bản Trả Lảy, trời mưa từ ngày hôm trước khiến con đường dẫn vào bản ngập bùn, đường đi trở nên khó khăn. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tới bản, nơi có 30% số hộ là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Giàng Sộng Sa, qua câu chuyện kể của ông Sa năm 2019, ông Sa truy cập vào mạng xã hội Facebook, TikTok thấy nhiều đối tượng khoe rằng ở nước ngoài làm được nhiều tiền, sướng lắm. Tin vào sự viển vông đó, ông bàn bạc với vợ bán hết nhà cửa, cùng 2 đứa con vượt biên tìm đường làm ăn. Sang đến Lào, cuộc sống ở đây không như những gì mà các đối tượng nói trước đó. Không quen biết ai, không biết tiếng, số tiền 70 triệu đồng từ tiền bán nhà, bán ruộng, tiền thuê xe và ăn tiêu chẳng mấy chốc hết sạch, gia đình ông đã vỡ mộng.

Vừa kể, ông Giàng Sộng Sa và vợ vẫn chưa hết đắng cay sau những năm tháng sống chui lủi nơi đất khách, quê người. Ông Sa ấm ức: Tôi và vợ xin làm thuê, chủ ở đó cho mảnh đất trồng cây chuối, trồng cao su, gia đình dựng lán tạm có chỗ chui ra chui vào, điều kiện sống vô cùng thiếu thốn, cộng thêm không còn tiền, mỗi tháng phải ứng 1,2 triệu đồng tiền ăn, sau một năm chăm sóc cây, bán trả nợ tiền ăn cho chủ chỉ mang về được 2-3 triệu đồng. Lúc nào sống cũng nơm nớp lo sợ, trốn tránh vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp, vợ cùng hai đứa con cứ khóc, đòi về Việt nam. Lúc đó trong tâm muốn trở về quê nhà nhưng cũng không dễ, bởi không có tiền thì không thể về được. Nên lại phải tiếp tục ở lại kiếm tiền hy vọng một ngày nào đó có thể trở về Việt Nam.

Chúng tôi đến huyện Sốp Cộp để tìm hiểu thêm về thực trạng di cư tự do tại đây. Được lực lượng Công an và Biên phòng xã Mường Lạn dẫn đoàn và hẹn từ trước, chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Sị, ở bản Huổi Men. Khi thấy đoàn công tác đến thăm, hỏi chuyện, 2 đứa con anh Sị không biết nói tiếng phổ thông, khuôn mặt ngơ ngác ngây thơ nép sau cánh cửa, bởi sau nhiều năm lưu lạc cùng bố mẹ nơi xứ người các em không được đi học đàng hoàng.

Tháng 12/2016, anh Sị nghe người dân trong bản xì xầm việc đi làm thuê ở Lào được trả tiền công rất cao, công việc đơn giản, nhẹ nhàng nên đã quyết định đưa vợ cùng hai con nhỏ di cư sang Lào, đến sinh sống tại huyện Nậm Tha, tỉnh Bò Kẹo để làm thuê chăm sóc vườn chuối cho một Công ty. Nhớ lại những ngày lam lũ, vất vả, anh Sị trải lòng: Do tiền công thấp, cuộc sống khó khăn, vất vả, tôi đã đưa gia  đình di cư đến nhiều nơi ở các tỉnh Bèo Kẹo, Borikhamxay, Hủa Phăn, để tìm công việc ổn định mong có cuộc sống tốt hơn. Nhưng vẫn là những tháng ngày sống chui lủi, vất vả mưu sinh, con cái không có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân nên không được đi học, con cái lớn hết rồi nhưng không biết chữ, nếu như ở Việt Nam thì con tôi đã học đến lớp 4, 5 rồi. Tương tự như câu chuyện buồn của anh Giàng A Sị, còn có một số gia đình khác, như nhà anh Giàng A Ly ở bản Pá Khoang, xã Mường Lèo di cư sang Myanmar, gặp bao gian truân rồi cũng phải trở về quê cũ…

Nhắc lại chuyện buồn, trưởng bản Pá Khoang, anh Sồng A Dua thở dài: Cả bản hiện có 55 hộ, 319 nhân khẩu 100% người Mông. Từ năm 2018 đến nay, bản có 7 hộ đi di cư sang Myanmar. Thương nhất là sang bên đấy những đứa trẻ phải bỏ học, bản có 2 người mắc nghiện, 1 người chết không được làm thủ tục ma chay đầy đủ như ở quê hương. Mong sao với những trường hợp trở về như anh Ly, là minh chứng để bà con sớm nhận ra, không mắc mưu kẻ xấu, nhanh chóng trở về với làng bản mình.

Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La, cho biết: “Tình trạng di cư trái phép trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều năm và đến nay vẫn chưa chấm dứt, số vụ di cư trái phép có giảm song tình trạng di dịch cư trái phép đã và đang gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy cho chính gia đình người di cư và chính quyền địa phương, ảnh hưởng tới tình hình ANTT, khó khăn trong quản lý nhân khẩu, còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách dân tộc, thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương”.

Hệ lụy của việc di cư tự do đã rõ ràng, câu chuyện về cuộc sống vất vả nơi xứ người của những người di cư trở về vẫn được truyền tai nhau, nhưng đáng tiếc, vẫn còn những người mê muội, mù quáng và hy vọng về cuộc sống giàu sang ở “miền đất hứa”.

Dân tộc Mông ở tỉnh Sơn La có 4 ngành, đó là: Mông Đỏ, Mông Hoa, Mông Trắng và Mông Đen với 19 dòng họ là: Thào, Giàng, Sùng, Vàng, Mùa, Hờ, Ly, Tráng, Vừ, Lầu, Hạng, Vì, Phá, Phàng, Dừ, Pùa, Cứ, Lù, Tếnh. Trong đó các dòng họ lớn là họ Thào, Sùng, Giàng, Vàng, Tráng có vị trí, vai trò ảnh hưởng trong cộng đồng dân tộc Mông ở tỉnh Sơn La. Dân tộc Mông tỉnh Sơn La cư trú ở 552 bản (trong đó 455 bản 100% là người dân tộc Mông; 97 bản người Mông sống xen ghép với các dân tộc khác) 53 bản giáp biên giới tại 140 xã, phường, thị trấn (8 xã 100% người dân tộc Mông; 132 xã, phường, thị trấn xen ghép với các dân tộc khác) thuộc 12/12 huyện, thành phố, có 6 huyện, 17 xã biên giới giáp với nước CHDCND Lào.

Phong Ngân
.
.
.