Khuyến khích tái chế, tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 23/12/2022, 07:02

“Khi nói đến sản phẩm thân thiện với môi trường thì có rất nhiều quan điểm, nhưng quan điểm cuối cùng cả thế giới đều chung tư tưởng đó là tái chế và kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, đây là vấn đề “nóng” của thế giới chứ không riêng Việt Nam”...

Tại Hội thảo “Xu hướng mới trong đóng gói, bao bì – thị trường nội địa và xuất khẩu” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức ngày 22/12 tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội tái chế Việt Nam khẳng định: “Khi nói đến sản phẩm thân thiện với môi trường thì có rất nhiều quan điểm, nhưng quan điểm cuối cùng cả thế giới đều chung tư tưởng đó là tái chế và kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, đây là vấn đề “nóng” của thế giới chứ không riêng Việt Nam”. Vấn đề “tự hủy” ở mỗi nước có những quan điểm khác nhau. Ví dụ như ở Việt Nam quy định túi phải tự hủy, trong khi đó một số nước như EU, Nhật... không dùng túi tự hủy. Nhìn chung, mặc dù có những quan điểm khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến có lợi cho môi trường.

“Vì vậy, tôi nghĩ tái chế và nền kinh tế tuần hoàn đó là việc mà tất cả các doanh nghiệp chúng ta phải dùng. Hiện nay ở Việt Nam, 1 năm có 10 tỷ gói mì ăn liền và tỷ lệ tái chế rất ít. Mỗi năm Việt Nam thải ra 480 ngàn tấn vỏ xe, lốp xe cao su các loại, và vấn đề tái chế toàn bộ số cao su này là một câu chuyện dài”, ông Trần Việt Anh nói.

Khuyến khích tái chế, tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường  -0
Sản phẩm nông sản sử dụng bao bì để tái chế được người tiêu dùng quan tâm.

Ông Nguyễn Như Khuê, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ hóa nhựa Bông Sen cho rằng, các trào lưu của thế giới là sử dụng bao bì sản phẩm có tính bền vững, tức là tiêu thụ tài nguyên ít nhất trong sản xuất, trong phân phối và tiêu dùng. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý, khi thế giới có quy định, có phong trào gì về môi trường chúng ta phải theo. Đối với nông sản, bao bì phải đáp ứng phát triển bền vững, nghĩa là tái sinh dễ dàng.

Hiện nay sản phẩm bao bì phối hợp nhiều nguyên liệu không được khuyến khích nữa do không tái sinh dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, nhà nghiên cứu về phát triển bền vững cũng khẳng định, “Xanh hóa bao bì để tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường”.

Bà Yến nêu một khảo sát: 44% người tiêu dùng thế giới, đặc biệt khu vực Đông Nam Á sẵn sàng muốn thay đổi cách sống của mình sau dịch COVID-19, tức là hướng tới lối sống thân thiện hơn. Trong đó, 23% thật sự thay đổi lối sống đó, 38% sẵn sàng tiêu dùng ít hơn, 33% sẵn sàng tiêu dùng ở những công ty bền vững hơn, có trách nhiệm xã hội.

Cũng theo ông Trần Việt Anh, dự kiến đầu năm 2023, sẽ có một hội đồng về phân bổ nguồn vốn tái chế của Chính phủ chính thức được thành lập, hội đồng này trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng này sẽ phân bổ ngân sách cho doanh nghiệp nào tái chế đúng quy trình, đúng công nghệ, nhằm khuyến khích cho hoạt động tái chế.

T.Hà
.
.
.