Khẩn trương đối phó dịch bệnh phức tạp trở lại
Nhiều ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, 50% số ca mắc mới nằm ở các khu công nghiệp nhất là tại các địa bàn Nhà Bè, Hóc Môn. Trước tình hình trên, ban ngành thành phố Hồ Chí Minh đã phải nhanh chóng có một số giải pháp khẩn trương nhằm ngăn chặn khống chế.
Chủ quan, lơi lỏng phòng chống dịch khiến diễn biến phức tạp trở lại
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, số ca mới mắc COVID-19 và số ca nhập viện ở các bệnh viện tầng 2 tại thành phố đang tăng nhẹ. Độ phủ vaccine của thành phố đã tương đối cao, tuy nhiên hiện rất nhiều người từ các tỉnh trở lại thành phố làm việc nhưng chưa được tiêm vaccine nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm vẫn khá cao. Đặc biệt, một số người quan niệm tiêm 2 mũi vaccine sẽ không mắc bệnh nên chủ quan.
Riêng ngày 12/11, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố công bố là 1.388 ca, tăng 203 ca so với ngày hôm trước. Có 5 quận huyện có số ca tăng cao là: Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức và quận 12.
Thành phố đã chính thức ra mắt đội đặc nhiệm phản ứng nhanh đối phó với tình hình phòng chống dịch. Sở Y tế cũng kịp thời cử những đội y tế lưu động hỗ trợ phòng chống dịch tại các “điểm nóng”, kịp thời phát hiện ra những ổ dịch mới cũng như bóc tách khỏi cộng đồng các trường hợp F0. Các trường hợp nhập viện tiếp tục được theo dõi sát, nhất là những ca nặng.
Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 6 cho biết, trong ngày 12/11, BV này đã có 658 ca COVID-19 nhập viện từ các nơi chuyển về. Số ca có dấu hiệu tăng dần. BV tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ quận 1, thành phố Thủ Đức, quận 4, và Bình Thạnh. Ngoài ra còn tiếp nhận, điều phối bệnh nhân COVID-19 từ huyện Bình Chánh, và quận Tân Phú.
Làm khu cách ly quản lý F0 ngay tại công ty, xí nghiệp
Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, đây là kết quả tất yếu khi thành phố thực hiện mở cửa, nới lỏng giãn cách. Hiện thành phố đang có khoảng 1.800 trường hợp bệnh nhân COVID-19 phải thở oxy đang nằm tại các cơ sở chăm sóc. Số ca phải thở máy xâm lấn khoảng 200-250 trường hợp.
Trong số ca tử vong do COVID-19 từ đầu tháng 11 tới nay có nhiều bệnh nhân từ tỉnh chuyển lên nhưng do tới nơi đã quá nặng nên không thể cứu. Ngày 10/11 có 5 ca tử vong là chuyển về từ Long An và Bến tre.
Ngày 11/11 trong 38 ca tử vong có 3 ca từ Long An, sóc Trăng, và Bạc Liêu chuyển tới. Trong 38 ca tử vong này có 34 là bệnh nặng, 4 là có bệnh nền. Số ca tử vong từ 18-50 tuổi chỉ có 2 ca. Có 15 ca từ 51 tới 65 tuổi.
Trên 65 tuổi có 21 ca. Có 20 ca tử vong chưa tiêm vaccine. Có 10 ca tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn tử vong, nhưng các trường hợp này đều trên 50 tuổi và có bệnh nền. Như vậy nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh và tử vong vẫn nằm ở nhóm người mắc bệnh nền và cao tuổi.
Các khu công nghiệp, các công nhân vào làm việc, doanh nghiệp đều tổ chức xét nghiệm nhưng không quản lý, để các ca F0 tự trở về địa phương. Công nhân lưu trú tại các khu nhà trọ do ở chật hẹp nên lây nhiễm nhanh. Huyện Nhà Bè từ ngày 5/11 đến 9/11 huyện có 543 ca F0, trong đó, nguồn lây chủ yếu từ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có 250 ca. Tại khu công nghiệp Hiệp Phước số ca mắc chiếm 21%, khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) 26%, khu công nghiệp Long Hậu (Long An) 37% và các đơn vị ngoài chiếm 15%.
Tại huyện Hóc Môn có số ca F0 đang cách ly tại nhà là 6.471 người. Gần đây, phát hiện trên địa bàn có nhiều ca F0 “lang thang” đi lại không ai quản lý. Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Hóc Môn là một nơi đông dân, có nhiều phòng trọ. Tại xã Thới Tam Thôn có trên 86.000 dân.
Nhân lực quá mỏng, lực lượng y tế Trung ương hỗ trợ rút quân, Y tế tại địa phương không quản lý được số ca F0 tại nhà khi họ tự test và phát hiện dương tính. Tại các công ty, chủ doanh nghiệp lại chưa kịp chuẩn bị các khu cách ly tạm thời với F0. Những người nhiễm về nhà trọ và làm lây ra cộng đồng. Hiện, nhờ hỗ trợ của HCDC mà huyện đã tạm thời khống chế được 25 ổ dịch trong cộng đồng.
Việc quản lý các F0 đã được các trạm y tế lưu động quản lý. Tuy nhiên, Hóc Môn không có BV riêng điều trị COVID-19, cũng như không có khu vực nhà nghỉ, khách sạn phù hợp để làm khu cách ly các F0. Do đó, cần có ngay một BVDC qui mô khoảng 300 giường cho huyện Hóc Môn.
Tại Nhà Bè, Khu công nghiệp Long Hậu đã thiết lập đường dây nóng để phối hợp thông tin giữa các đơn vị, nếu phát hiện F0 sẽ kịp thời thông báo để nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, phong tỏa khi F0 trở về địa phương. Trường hợp F0 nếu đủ điều kiện sẽ cho cách ly tại nhà, nếu không đủ điều kiện, F0 sẽ được chuyển đến khu cách ly tập trung của huyện.
Cũng tại cuộc họp giao ban mới đây, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị, các ban ngành phối hợp với địa phương có ngay các giải pháp tuyên truyền tới tận nơi. Các khu lao động, tập trung đông nhà trọ cần treo băng rôn, áp phích, pano nhằm chuyển tải thông điệp của ngành y tế, tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức người dân không được chủ quan. Những vùng sâu xa còn cần có truyền thanh lưu động.