Hải quan Cao Bằng lần đầu tiên thu ngân sách đạt 2.508 tỷ đồng

Thứ Tư, 16/11/2022, 17:55

Từ đầu năm đến 23/10, Cục Hải quan Cao Bằng thu ngân sách được 2.508 tỷ đồng, bằng 1.112,81% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.045,02% chỉ tiêu cả năm và 964,64% chỉ tiêu phấn đấu cả năm. Có thể thấy, kết quả thu của Hải quan Cao Bằng đạt cao nhất từ trước đến nay và đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nói chung của tỉnh Cao Bằng.

Tăng thu kỷ lục nhờ nhập khẩu ô tô

Lý giải về số thu tăng đột biến này, Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng Lê Viết Phong cho biết, có thể thấy, số thu của Hải quan Cao Bằng đạt được trong 10 tháng qua là con số kỷ lục, số thu thuế tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái cũng như so với các chỉ tiêu được giao. Trong đó, nguồn thu tăng mạnh là do mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là mặt hàng có sự gia tăng mạnh về giá trị nhập khẩu và có thuế suất cao đồng thời cũng là mặt hàng mới phát sinh tại đơn vị từ cuối năm 2021 và có nhiều yếu tố không bền vững.

0548_img_0408.jpeg -0
Ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng.

Trên thực tế, trước đây mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ ở biên giới phía Bắc chủ yếu làm thủ tục tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 do ảnh hưởng của chính sách kiểm soát dịch COVID-19 của phía Trung Quốc, việc xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị gặp khó khăn, do đó doanh nghiệp chuyển việc nhập khẩu ô tô về cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số thu ngân sách của Hải quan Cao Bằng tăng đột biến trong những tháng đầu năm.

Theo đó, tính đến 31/10/2022, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng, Cục Hải quan Cao Bằng đạt 10.351 xe. Trong đó, tháng có lượng ô tô nhập khẩu lớn nhất là tháng 5 với 3.335 xe. Ngoài ra, còn 2 tháng có lượng xe nhập khẩu từ 1.000 chiếc trở lên gồm: Tháng 4 với 3.078 xe và tháng 6 với 1.360 xe; 3 tháng còn lại có lượng xe nhập khẩu dưới 1.000 xe gồm: Tháng 7 với 679 xe, tháng 8 với 633 xe và tháng 3 với 445 xe. Riêng mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đóng góp trên 2000 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số thu ngân sách của Hải quan Cao Bằng tăng đột biến trong 10 tháng năm 2022.

Ông Lê Văn Hậu, Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng cho biết, 7 tháng đầu năm riêng số thu từ mặt hàng ô tô nguyên chiếc lên đến 1.953 tỷ đồng. Trong khi đó, các mặt hàng truyền thống như than cốc, hồ điện cực, máy móc thiết bị, ván bóc… chỉ thu được hơn 50 tỷ đồng.

Về hoạt động xuất nhập khẩu tại đơn vị, Cục Hải quan Cao Bằng cho biết, tháng 10, (kỳ 16/9-15/10) có 87 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục xuất nhập khẩu (lũy kế từ đầu năm có 305 doanh nghiệp), với tổng kim ngạch đạt 63,11 triệu USD tăng 6,4% so với tháng trước (luỹ kế từ đầu năm đạt 669,6 triệu USD tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 44,7 triệu USD tăng 14% so với tháng trước, luỹ kế từ đầu năm 551,11 triệu USD đạt 393% so cùng kỳ; xuất khẩu đạt 18,3 triệu USD giảm 9% so với tháng trước, luỹ kế đầu năm 118,56 triệu USD giảm 58% so với cùng kỳ.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng là: rau quả đạt 0,405 triệu USD tăng 5% so với tháng trước; hạt điều đạt 4,9 triệu USD giảm 22%; hạt tiêu đạt 2,7 triệu USD giảm 29%; gỗ đạt 0,381 triệu USD tăng 39%; kim loại thường và sản phẩm đạt 4 triệu USD tăng 8%...

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: than các loại đạt 0,492 triệu USD giảm 60%; vải các loại đạt 7,4 triệu USD tăng 15%; máy móc thiết bị phụ tùng khác đạt 1,4 triệu USD giảm 78%; ô tô vận tải đạt 3,8 triệu USD tăng nhiều lần (tháng trước chỉ đạt 0,005 triệu USD); ô tô tải tự đổ đạt 15,4 triệu USD tăng 15%...

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hoá Hải quan

Kết quả thu ngân sách không chỉ cho thấy Hải quan Cao Bằng đã hoàn thành sớm và vượt chỉ tiêu cả năm được giao mà còn đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nói chung của tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả này, Tổng cục Hải quan đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu thu cho Cục Hải quan Cao Bằng trong năm 2022 từ 260 tỷ đồng lên mức 2.600 tỷ đồng.

1836_7-750-x-488.jpeg -0

Từ nay đến hết năm dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ thuận lợi do tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc được cải thiện, hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tại Cao Bằng cũng như tại các tỉnh lân cận sẽ thông thoáng. Từ đó một số mặt hàng có số thu lớn như ô tô các loại có khả năng chuyển đến các cửa khẩu tại các tỉnh khác làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến số thu những tháng cuối năm. Do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cục Hải quan Cao Bằng tập trung thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục quản lý thuế. Các đơn vị kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ của các các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn tại cơ sở.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền chính sách, thủ tục hành chính, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các khâu, bộ phận, lĩnh vực. Qua đó, nỗ lực thu hút và giữ chân doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại địa bàn.

Cùng với đó, Hải quan Cao Bằng công khai thủ tục hành chính, các chính sách liên quan đến người dân, doanh nghiệp tại các địa điểm làm thủ tục hải quan. Các thiết bị công nghệ, kỹ thuật phục vụ chuyên môn được vận hành hiệu quả, chủ động đề xuất trang bị các thiết bị cần thiết để phục vụ doanh nghiệp, người dân. Hệ thống công sở tiếp tục được tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với chương trình hiện đại hoá trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến được kịp thời, hiệu quả, phục vụ tốt cho doanh nghiệp, người dân. Kết quả, đến nay đã giải quyết 33 hồ sơ với 4 loại thủ tục, luỹ kế từ đầu năm giải quyết 404 hồ sơ với 12 thủ tục.

Cục trưởng Lê Viết Phong cho biết, Cục Hải quan Cao Bằng xác định tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, trọng tâm là tập trung thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm với Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thu hút đầu tư, du lịch; vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường hoạt động xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu; đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…

Lưu Hiệp
.
.
.