Gỡ khó trong thực hiện Đề án 06 ở huyện miền núi Sơn La
Cùng với các địa phương trên cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Bất kể khung giờ nào trong ngày, trụ sở Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La luôn có cán bộ ứng trực sẵn sàng phục vụ người dân tới làm CCCD và kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Nhiều người dân đi học tập, làm ăn xa cũng tranh thủ về làm thủ tục cấp CCCD. Anh Quàng Văn Thảo, bản Thống Nhất B, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu chia sẻ: Tôi đi làm ăn ở trong miền Nam được 2 năm, công ty người ta yêu cầu cần phải có CCCD thì tôi quay về địa phương để làm CCCD để thuận tiện cho công việc sau này.
Thuận Châu là huyện miền núi có địa bàn rộng, dân số hơn 175.470 người, trong đó dân tộc Thái chiếm 73%, giao thông đi lại khó khăn. Huyện có 28 xã và 1 thị trấn, trong đó 24 xã vùng III, 2 xã vùng II, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao nên có nhiều người dân rời khỏi địa phương đi làm ăn xa.
Chính vì vậy việc thu thập, cập nhật thông tin của những người này gặp nhiều khó khăn. Đại úy Cầm Mạnh Hùng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Thuận Châu cho biết: Số công dân chưa làm CCCD là những người già yếu, tàn tật, đi làm ăn xa, đi học, đi nghĩa vụ.
Bên cạnh đó do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, một bộ phận không nhỏ người dân chưa có số điện thoại cũng như điện thoại thông minh, khả năng sử dụng, cập nhật internet thấp… là những khó khăn đối với lực lượng chức năng trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, Công an huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tập trung tuyên truyền, vận động 100% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tham gia đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử; duy trì 29/29 mô hình điểm về đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thành lập tổ lưu động đến tận nhà dân để làm CCCD và hướng dẫn cài đặt ứng dụng VneID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; tổ chức cấp CCCD và định danh điện tử cho các em học sinh phục vụ các kỳ thi trong năm 2023.
Chị Lò Thị Nga, bản Thống Nhất B, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu hồ hởi: Khi nghe chính quyền tuyên truyền đến để tích hợp điện tử phần mềm VNeID cài vào điện thoại, tôi cùng với người dân trong bản đến đây để tích hợp phần mềm, ngoài ra tôi cũng giúp đỡ mọi người cài đặt, đăng ký tài khoản định danh điện tử.
Cài phần mềm này tôi thấy rất thuận tiện cho việc đi lại của mình và sau này sẽ không phải dùng nhiều giấy tờ để đi photo công chứng nữa.
Đến thời điểm hiện tại Công an huyện đã thu nhận 17.460/61.284 tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2; 3.487/8.496 hồ sơ CCCD. Đó là kết quả của rất quan trọng ở một huyện miền núi như Thuận Châu trong triển khai Đề án 06, là tiền đề để địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án theo lộ trình, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Trung tá Phạm Đình Tuyên, Phó Trưởng Công an huyện Thuận Châu cho biết: Công an huyện Thuận Châu đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thu nhận hồ sơ CCCD và tài khoản định danh điện tử; nêu gương vai trò tiên phong của cán bộ đảng viên trong việc thực hiện tích hợp và tạo tài khoản định danh điện tử sau đó là vận động người thân, gia đình cùng thực hiện.
Gắn trách nhiệm, giao chỉ tiêu hàng ngày cho từng tổ công tác Đề án 06, không kể ngày nghỉ, ngày lễ đến từng bản vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn để phục vụ nhân dân. Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Thuận Châu, trong đó lực lượng Công an là chủ công, nòng cốt việc thực hiện Đề án 06 ở địa bàn này sẽ thu được những kết quả tích cực, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Hoàn thành thủ tục cấp căn cước công dân cho 1.032 công dân Hà Nam xa quê
Chỉ trong 3 ngày đầu "chiến dịch" triển khai các tổ công tác lưu động lên đường đến các tỉnh, thành phố để làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp cho công dân người Hà Nam đang sinh sống xa quê (6 -8/4), đã có 1.032 công dân người Hà Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các tỉnh, thành phố đã được làm thủ tục cấp CCCD gắn chip.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân người Hà Nam làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, 11 tổ công tác lưu động với 45 CBCS thuộc Công an các đơn vị, địa phương của Công an tỉnh Hà Nam đã không quản khó khăn, vất vả, vượt qua quãng đường hàng ngàn kilômét đến các tỉnh, thành trên cả nước để làm thủ tục thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip cho công dân người Hà Nam. Đặc biệt, có những tổ công tác đã vượt nắng mưa, đi từng ngõ, gõ từng nhà để làm thủ tục cấp CCCD cho người già yếu, người tàn tật.
Việc các tổ công tác lưu động trực tiếp lên đường tới các tỉnh, thành để trực tiếp thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip cho bà con người Hà Nam xa quê đã giúp bà con không bị gián đoạn công việc, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Theo đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam, những kết quả bước đầu mà 11 tổ công tác lưu động Công an tỉnh Hà Nam đã đạt được trong 3 ngày đầu "chiến dịch" trên cho thấy, đây là chủ trương rất "đúng và trúng" mà Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã đề ra; được quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ, nhất là những người dân Hà Nam đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê, chưa có điều kiện để trở về quê để làm thủ tục cấp CCCD gắn chip.
Tiếp tục triển khai chiến dịch đặc biệt này, hôm nay (10/4), 11 tổ công tác lưu động Công an tỉnh Hà Nam đã tiếp tục luân chuyển địa điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp cho công dân người Hà Nam sang các địa bàn khác.
Trong đó, tại Hà Nội, tiếp nhận làm thủ tục cấp CCCD cho công dân người Hà Nam tại 2 địa điểm gồm: Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận Đống Đa (ở 44 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội) và Công an quận Hà Đông (ở km15, quốc lộ 6 Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội).
Còn tại TP Hồ Chí Minh cũng triển khai thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp cho bà con người Hà Nam tại 2 địa điểm gồm: Công an quận 1 (số 258 Nguyễn Trãi, quận 1) và Công an phường Tam Bình (số 707 Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức). Còn 7 tổ công tác ở các tỉnh, thành khác: Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đăk Lăk; Vũng Tàu và Đồng Nai. (Hà Anh)