Chậm giải phóng mặt bằng 3,2km để thi công nâng cấp QL25
Ông Phan Tất Thắng, Trưởng phòng điều hành dự án 4 thuộc Ban Quản lý dự án 6 (QLDA6) thuộc Bộ GTVT cho biết, vừa có văn bản hỏa tốc gửi đến Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, đề nghị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) 3,2km (Km28 đến Km31+200) để thi công dự án nâng cấp, mở rộng các đoạn xung yếu trên QL25 qua địa phận hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên.
Thời gian qua Ban QLDA6 đã có nhiều văn bản đề nghị hỗ trợ, nhưng đến nay UBND huyện Phú Hòa vẫn chưa bàn giao mặt bằng 3,2km còn lại cho đơn vị thi công nên chưa thể giải ngân.
Trong khi đó thời gian thi công gói thầu chỉ còn hơn hai tháng, khối lượng xây lắp còn lại rất lớn, nhưng do địa phương chưa GPMB nên nhà thầu thi công phải nằm chờ. Ban QLDA6 đề nghị huyện Phú Hòa chỉ đạo và tổ chức xây dựng kế hoạch giải ngân kinh phí bồi thường trước ngày 15/10, đồng thời bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 31/10.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, dự án cải tạo nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25 qua huyện Phú Hòa ảnh hưởng đất đai, công trình nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng của 565 hộ gia đình, tổ chức ở thị trấn Phú Hòa và 2 xã Hòa An, Hòa Hội.
UBND huyện Phú Hòa đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 374 hộ gia đình, tổ chức trong dự án ở thị trấn Phú Hòa và xã Hòa An với tổng số tiền gần 131,5 tỷ đồng. Trong đó, có 35 trường hợp đủ điều kiện giao đất tái định cư (TĐC).
Tuy nhiên đến ngày 8/10, vẫn còn 40 hộ gia đình chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ với các lý do không được bồi thường về đất, không đồng ý bồi thường theo giá đất vườn mà đòi giải quyết theo đất ở, đòi giao đất TĐC, đòi đền bù theo loại đất ghi nhận trong chứng thư kiến điền…
Riêng đoạn qua xã Hòa Hội, huyện đã phối hợp xã kiểm kê hiện trạng tại 180/191 hộ gia đình và đã vấp phải vướng mắc là nhiều diện tích đất người dân đang sử dụng nhưng sổ mục kê địa chính xã Hòa Hội ghi nhận là đất giao thông.
Mặt khác, UBND huyện Phú Hòa chưa xác định được phương pháp, cách tính để xác định “giá trị hiện có” của vườn cây theo quyết định số 56/2019/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 và hướng dẫn tại công văn số 4462/UBND-KT ngày 24/9/2021 của UBND tỉnh Phú Yên, nên ngày 1/10, đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT Phú Yên hướng dẫn cụ thể từng loại cây trồng lâu năm, cây rừng, cây trồng thường niên để có căn cứ bồi thường cho người dân. Nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi nên huyện và xã chỉ mới vận động người dân bàn giao mặt bằng được gần 1,2km.
“Dự án triển khai cuối tháng 6/2021 là thời điểm dịch COVID-19 khởi phát ở Phú Yên hơn 3 tháng qua, nhưng huyện và xã đã nỗ lực vận động người dân, trong đó có một số trường hợp đã và đang cưỡng chế. Chúng tôi cũng đã giải thích cho nhiều người rằng hiện trạng thực tế về tài sản, cây trồng, đất đai của họ đã được kiểm kê, ghi nhận đầy đủ trong biên bản, đó là chứng cứ để họ cung cấp cho tòa án nếu có yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường dân sự, song trước mắt phải có trách nhiệm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án vì lợi ích chung. Tuy nhiên, do những trở ngại nêu trên nên khó có thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 31/10”, ông Tường cho biết thêm.
Được biết, dự án nâng cấp, mở rộng các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25 qua địa phận hai tỉnh Gia Lai, Phú Yên có tổng chiều dài gần 50km, với tổng vốn đầu tư hơn 730 tỷ đồng, bao gồm chi phí GPMB, xây dựng, quản lý dự án, dự phòng…
Trong đó đoạn qua Phú Yên có tổng chiều dài hơn 18km và cầu mới Trần Hưng Đạo có tổng vốn đầu tư gần 360 tỷ đồng. Mặt bằng các đoạn đi qua TP Tuy Hòa, huyện Sơn Hòa và một phần của huyện Phú Hòa đã được bàn giao cho nhà thầu thi công, chỉ còn lại 3,2km ở huyện Phú Hòa vấp phải trở ngại cần được UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo tháo gỡ để dự án hoàn thành trước ngày 31/12.