Câu chuyện tâm tình

Thứ Sáu, 28/01/2022, 08:07

Chiều muộn. Tôi đang ăn cơm tối. Một mình một phòng, một mâm, tôi tự bầu mình là trưởng phòng kiêm “trưởng mâm” luôn. Chuông gọi cửa. Nhà có khách. Trời ơi! Khách là Đại tá, nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân (CAND)! Chúng tôi vồ vập ôm lấy nhau!

Anh mới đến thăm tôi hôm Tết. Lần này, anh còn mang theo số Báo CAND đặc biệt nhân kỷ niệm Ngày Báo tròn 75 tuổi (1/11/1946 – 1/11/2021) và một phong bì tình nghĩa tặng tôi. Cùng đi có một anh bạn phóng viên - anh Huy. Anh vừa đi công tác địa phương về. Trông anh khỏe mạnh. Tôi mừng. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện: Trên trời - Dưới biển - Không có dàn bài, đề cương gì cả… “Tùy bút” mà!

Chuyện làm báo

Làm báo là chuyện khó chứ không phải dễ. Đúng thế! Nếu bài này được đăng thì đây là lời chào kính trọng, biết ơn cuối đời của tôi đối với người thầy lớn tình nghĩa – Báo CAND.

Hôm đó… Anh Ngô Văn Lâm, Thư ký riêng của Bộ trưởng Phạm Hùng gọi điện bảo tôi: “Chiều nay hết giờ làm việc, anh lên gặp anh Hai” (tức đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng). Tôi giật mình - trống ngực lớn hơn trống làng. Chắc Báo CAND có gì sai to nên Bộ trưởng gọi lên quở trách… Đồng chí bảo vệ đưa tôi vào phòng khách. Đồng chí Bộ trưởng đang đọc báo. Với thái độ rất vui vẻ, Bộ trưởng bảo tôi: “Ông vào đây. Hết giờ làm việc ta nói chuyện làm báo. Làm báo khó chứ không phải dễ. Làm báo cho hay lại càng khó. Báo Công an ta ăn cơm nguội còn nhiều. Phải nghiên cứu. Nhất là nội dung. Việc chọn “tít” một bài báo cũng là một nghệ thuật. Hình thức tờ báo và cách trình bày bài báo cũng là một nghệ thuật. Các đồng chí được phân công phụ trách phải chú ý vấn đề này, phải học báo Đảng mà làm”.

Rồi Bộ trưởng trầm ngâm suy nghĩ: “Co chữ của Báo CAND mòn quá. Trong báo còn nhiều “cứt ruồi”. Phải mua “co” chữ mới. Anh em ở đơn vị cơ sở đèn đóm tù mù, có người văn hóa còn thấp làm sao đọc được”. Đúng là thời buổi bấy giờ, in báo là một khâu trần ai khổ hạnh. Quanh năm chỉ toàn giấy trắng mực đen. Nếu ngày lễ, ngày Tết muốn chơi sang in hai ba màu, thì máy in phải chạy hết lượt cả số báo một màu, rồi chạy suốt lượt màu hai… màu ba. Đến khi tổng hợp chẳng may bị lệch pha màu, phải chạy chữa thì khổ ơi là khổ. Chính vì vậy mà đích thân Bộ trưởng phải chủ trì cuộc họp bàn việc cho Báo CAND in offsette ở nhà in H18 của Bộ. Khi nhận được số báo in đẹp này, Bộ trưởng viết thư cho Tổng Biên tập Báo: “Các đồng chí mừng, tôi cũng mừng”. Bây giờ thì khác.

Câu chuyện tâm tình -0
Đại tá Trần Liêu, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND và Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND (16/1/2021).

Nghĩ phục “tài” anh Đặng Văn Lân (sau này là Đại tá, Phó Tổng Biên tập Báo CAND; hiện đã nghỉ hưu) làm ma két, đếm bài từng chữ, đo báo từng trang để đẽo chân cho vừa giày và chúng tôi đạp xe 10km từ tòa soạn đến nhà in ông Đồng, còng lưng trên máy in typo chữa morace, cắt bài; tay, mặt lọ lem, bụng đói meo, vì hồi đó Hà Nội đâu đã có mỳ tôm. Hiện nay, tổ chức mới đang vận hành, guồng máy đang vào cuộc. Đáng mừng nhưng cũng có chút lo: Ban Biên tập mỏng quá. Mấy mươi năm trước, tôi xin được giấy giới thiệu vào TP Hồ Chí Minh liên hệ với Trường Đại học Tổng hợp xin được 4 sinh viên Văn khoa tốt nghiệp xuất sắc để đào tạo thành phóng viên Báo CAND phía Nam. Nay còn lại anh Trần Kim Thẩm, Đại tá, Phó Tổng Biên tập Báo CAND. Ba người khác đã về hưu vì đến tuổi. Tôi trộm nghĩ phải bổ sung thêm Ban Biên tập.

Đang vui chuyện, anh Phạm Khải nhắc khéo tôi về bữa cơm đang dang dở. Nhưng không sao. Cứ để đấy. Chúng tôi “sang trang” kể sang chuyện khác.

Chuyện về Gạo

Các cụ ta có câu “To như đống rơm, không cơm cũng ngã”, lại có câu “Có thực mới vực được đạo”. Nhà thơ Xuân Diệu tặng thơ cho nhà thơ Tú Mỡ cũng có câu “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Đúng như vậy. Không có nhà thơ nào bụng đói, mình trần mà ngồi rung đùi sáng tác “mơ theo trăng lơ lửng cùng mây”, thế nên mới có lời so sánh: Hạt gạo quý hơn hạt vàng. Thời bao cấp, khi nghe được tin gạo sắp về kho là mừng hết lớn. Biết rằng có gạo ắt có ngô xay, bột mì kèm theo, như mật báo cho nhau, nào nón cời, thúng rách, xô thủng đáy… bí mật chen nhau “vật thay người” xếp thành hàng rồng rắn trước kho để giành chỗ. Lũ nhỏ cũng giành nhau, đá vật xếp hàng lộn tùng phèo. Người lớn quát mắng. Lũ nhỏ sợ im re. Biết đâu lũ nhỏ ngày ấy giờ đã thành ông bà, đã sinh được những công dân tốt, có người đã thành bác sỹ, thầy thuốc, nhiều người quên mình thay nhau chăm sóc những bệnh nhân đang nằm bệnh viện, nằm trong khu cách ly đang bị dịch COVID-19 đe dọa, hoành hành…

Đã qua rồi hồi bĩ cực. Bây giờ nước ta đã xuất khẩu được hàng triệu tấn gạo. Có loại gạo được bình chọn ngon nhất Việt Nam, có nhiều tấn được chuyển đi giúp đỡ bạn còn nghèo. Chúng ta đã tránh được những nắp hầm bột mỳ, những bữa cơm ghé ngô muối rát cổ… Bình tâm mà suy nghĩ. Biết ơn biết mấy những người có đầu óc sáng tạo, dám nghĩ dám làm; biết ơn những nông dân tay lấm, chân bùn; biết ơn những người “Đói nghèo trong rơm rạ”, rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Vinh quang thay những đoàn quân oai hùng, vững mạnh, cùng tiến lên dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng “Việt Nam ta vững bền!”. Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi dừng. Bài viết này cũng thế. Thời trai trẻ viết thư cho người yêu dài mấy cũng sợ thiếu. Bây giờ nghỉ hưu, viết dài sợ bạn đọc chê ông già này lẩm cẩm. Vậy nên xin mượn câu thơ này làm gậy chống để nâng hưng phấn bước đường dài:

“Những ngày tôi đang sống đây là ngày đẹp hơn tất cả

Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn …

Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ

Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé hôn môi”. (thơ Chế Lan Viên)

Kính chào

Đại tá Trần Liêu (Nguyên Tổng Biên tập Báo CAND)
.
.
.