Cặp vợ chồng làm nghề đào giếng hơn 110 lần hiến máu

Thứ Năm, 21/10/2021, 09:16

Phải mất rất nhiều cuộc gọi, anh Đào Thanh Hải và chị Nguyễn Thị Hồng Vân ở ấp 8, xã Lộc Thái, huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước mới đồng ý gặp vì không muốn lên báo. Anh chị được xem là cặp vợ chồng hiếm hoi có hơn 110 lần tình nguyện hiến máu.

Suốt 20 năm qua, cặp vợ chồng mưu sinh bằng nghề đào giếng, đều đặn hàng năm mỗi người cùng có 3 lần đi hiến máu nhân đạo với mong muốn mang cơ hội sống cho những người gặp bệnh hiểm nghèo.     

Hiến máu đến khi bác sĩ “chê”

Trước mắt chúng tôi là cặp vợ chồng nông dân chân đất chính hiệu, thế nhưng không ai tin nổi họ đã có liên tục 20 năm hiến máu tình nguyện. Anh là Đào Thanh Hải, nay 50 tuổi và chị Nguyễn Thị Hồng Vân, 47 tuổi. Anh chị cho biết, bắt đầu tham gia phong trào hiến máu tình nguyện từ năm 2001, đến nay cả hai đã có hơn 110 lần hiến máu cứu người.

hien mau.jpg -0
Vợ chồng anh Hải hạnh phúc bên nhau.

“Cách nay 20 năm thấy trong vùng có một số người đi hiến máu nên vợ chồng tôi bắt đầu tình nguyện tham gia hiến máu. Trừ năm đầu tiên (năm 2001), mỗi người chỉ hiến có 1 lần, còn từ năm sau đó (2002) đến nay, đều đặn mỗi năm, vợ chồng tôi mỗi người đều có 3 lần hiến máu, riêng có 1 năm, 2 vợ chồng mỗi người hiến đến 4 lần.

Tính ra sau 20 năm, chúng tôi đã có hơn 110 lần hiến máu. Lần đầu tiên đi hiến, cả 2 vợ chồng ai cũng sợ, sợ cây kim tiêm rồi sợ mất máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng sau đó cả hai chả sao, sức khỏe vẫn bình thường, hình như còn khỏe ra nữa. Hiến riết rồi quen, giờ cứ gần đến hẹn lại nhớ, lại ngóng được đi hiến. Năm nay 2 vợ chồng đã hiến 2 lần, sắp tới còn 1 lần nữa” – hai anh chị đưa ra một xấp giấy tờ dày cộm chứng nhận về những lần hiến máu rồi kể về hành động đẹp mà 2 người đã thực hiện suốt 20 năm qua.

Nhắc tới vợ chồng anh Hải, chị Vân, người dân trong vùng hay ai làm ở các cấp hội chữ thập đỏ ở huyện Lộc Ninh không ai không biết, mỗi khi chương trình hiến máu diễn ra, vợ chồng anh đều có mặt. Ở tuổi trung niên, trông cả hai đều rất khỏe mạnh và trẻ trung hơn so với tuổi vốn có.

“Tôi cũng như bà xã khỏe lắm, nhìn tướng tôi với bà xã thì biết rồi, khỏe vậy bởi vợ chồng tôi làm việc nặng nhọc quần quật suốt ngày ấy mà. Tôi và vợ hứa với nhau “còn sức khỏe thì còn hiến máu” – anh Hải nói. “Chúng tôi tính sẽ hiến máu đến khi nào các bác sĩ không dám nhận máu của chúng tôi nữa thì thôi” – chị Vân cho hay.

Sở dĩ có được những suy nghĩ nhân văn như thế là do vợ chồng anh Hải nhận ra rằng, máu không sản xuất được, chỉ cho và hiến tặng. Máu là vô giá, những lần đứng trước sự sống và cái chết của người bệnh đang cần máu để truyền, giành lại sự sống thì bản thân anh Hải, chị Vân nhận thấy rằng việc hiến máu rất đáng quý.

Với suy nghĩ “một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, anh chị luôn có tấm lòng hướng thiện, cứu người là trên hết. “Vợ chồng tôi nghĩ đơn giản, mình hiến tặng đi chút máu thì mình cũng không sao mà lại cứu được sự sống cho ai đó đang cần” – anh Hải chia sẻ.

Dù nghèo mình vẫn giúp người

Cơ ngơi hai vợ chồng anh Hải là hơn 200 gốc cao su và căn nhà xây đơn sơ cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa rừng cao su. Câu chuyện về cuộc sống của hai người như những thước phim sống động, đầy màu sắc và đẹp lung linh.

Anh Hải cho biết, anh sinh ra ngoài Bắc, sau ngày thống nhất đất nước, gia đình chuyển vào Đồng Nai sinh sống. Năm 1988, anh Hải chuyển đến huyện biên giới Lộc Ninh lập nghiệp và gặp chị Vân. Sau hơn 2 năm hẹn hò, thấy tâm đầu ý hợp nên 2 người “lên xe hoa” và trở thành vợ chồng.

“Tôi đến đây sinh sống bằng nghề đào giếng. Cưới xong vợ cũng theo tôi đi đào giếng. Qua 30 năm vợ chồng tôi đã đào hàng ngàn cái giếng ở khắp huyện này, có khi ở xa nữa. Hồi ấy tích cóp được ít tiền, chúng tôi mua được nửa mẫu đất trồng cao su và cất căn nhà lên rồi ở đến nay” – anh Hải cho hay.

Với thân hình vạm vỡ, sức khỏe dẻo dai, đôi tay khéo léo, tiếng lành đồn xa nên anh Hải được người dân khắp nơi thuê đào, vét giếng. Hình ảnh người thợ với thân hình dính đầy bùn đất hì hục cùng chiếc xà beng và hình ảnh người phụ nữ loay hoay trên miệng giếng phụ chồng quay những ki đất dưới lòng đất lên đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

“Đào giếng tuy nặng nhọc nhưng làm riết rồi quen, làm nghề này sức khỏe tốt lắm. Thấy vậy chứ nghề này nay vẫn còn thịnh hành lắm. Hai vợ chồng tôi hết đào rồi đi vét giếng quanh năm, vậy nên cuộc sống cũng ổn định” - anh Hải bộc bạch.

Hiện cả hai vợ chồng anh Hải đều là những thành viên tích cực của phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện Lộc Ninh. 20 năm với hơn 110 lần hiến máu nhân đạo nhưng mỗi lần hiến máu, vợ chồng anh Hải vẫn cảm thấy vui như lần đầu tiên. Để nguồn máu hiến của mình được tốt, anh chị luôn tạo cho mình lối sống lành mạnh, thường xuyên lao động để giữ gìn, nâng cao sức khỏe.

Anh chị luôn dặn với lòng mình: Trước ngày đi hiến máu phải ngủ sớm, không sử dụng chất kích thích, sau khi lấy máu, phải giữ chặt chỗ lấy máu, nghỉ ngơi 15 phút mới được ra về; nhớ bồi bổ dinh dưỡng; khẩu phần ăn sau khi cho máu phải đầy đủ thịt cá, rau củ quả để nhanh lấy lại sức khỏe… cả hai đã thuộc nằm lòng.

“Chúng tôi tâm niệm người ta có nhiều tiền bạc thì người ta giúp đời bằng vật chất, còn vợ chồng tôi không giàu có gì nên chỉ có thể giúp người bằng chính những giọt máu của mình, vậy là vui rồi, là hạnh phúc rồi. Đại dịch COVID-19 nguy hiểm hiện nay chúng tôi đọc báo, xem tivi thấy nhiều bệnh nhân rất cần đến máu, mong rằng những giọt máu của vợ chồng tôi sẽ giúp nhiều người qua khỏi” – anh chị tâm sự.

Với tấm lòng nhân đạo hiến dâng suốt 20 năm qua, vợ chồng anh Hải đã được UBND huyện Lộc Ninh, UBND tỉnh Bình Phước, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều cấp ngành tuyên dương, khen thưởng. Và được công nhận “Gia đình tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện”.

Ông Vũ Đình Quý, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Thái cho biết: Vợ chồng anh Hải không chỉ tích cực tham gia mà còn là tấm gương, hình ảnh để vận động nhiều người cùng vào cuộc tham gia hiến máu. Hành động nhân đạo của hai anh chị khiến nhiều người khâm phục. Có thể nói, anh chị là cặp vợ chồng hiếm hoi tham gia hiến máu nhân đạo từ lúc khởi phát của phong trào cho đến hôm nay vẫn đều đặn hiến máu không sót một lần nào.

Đức Trí
.
.
.