Cần quyết liệt ngăn chặn bạo hành trẻ em
Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra những vụ bạo hành trẻ em gây phẫn nộ trong dư luận. Vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong ở TP Hồ Chí Minh chưa kịp lắng xuống lại tiếp tục xảy ra vụ bé gái 3 tuổi bị bạo hành với 9 chiếc đinh trong đầu tại Thạch Thất (Hà Nội).
Chúng ta đã có đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em, thế nhưng tại sao vẫn có những vụ việc đáng tiếc về bạo hành trẻ em xảy ra, và bạo hành trẻ em lại có xu hướng tăng lên trong thời gian qua? Làm sao để ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ em, xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
PV: 2 vụ bạo hành gây phẫn nộ dư luận chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, con số thống kê cho thấy, chỉ trong năm 2020 có đến 2.000 vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện. Ông nghĩ thế nào về việc này?
Ông Đặng Hoa Nam: Vấn đề chúng ta đặt ra hiện nay là mức độ phức tạp, nghiêm trọng càng ngày càng gia tăng. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải hành động. Có những ý kiến cho rằng nguyên nhân các vụ bạo hành trẻ em gia tăng thời gian qua là do COVID-19, do giãn cách xã hội, do trẻ em phải ở nhà học online… nhưng theo tôi các nguyên nhân cũng chỉ là một phần. Chúng ta phải nhìn nhận nguyên nhân gốc rễ dẫn đến vấn đề này nó căn cơ, sâu xa hơn và có những giải pháp cấp bách hơn. Bạo lực trẻ em sẽ còn gia tăng nếu chúng ta không nhìn nhận nó ở góc độ đạo đức xã hội, tâm lý xã hội.
PV: Ông đề cập đến việc chúng ta phải tìm ra những nguyên nhân gốc rễ của của tình trạng này, ông có thể nói rõ hơn về những nguyên nhân này?
Ông Đặng Hoa Nam: Theo tôi, chúng ta phải nhìn nhận nó từ góc độ giáo dục gia đình, giáo dục đạo đức kỹ năng sống cho học sinh và trẻ em. Chúng ta phải quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe, tâm thần cho người dân và có hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mang tính chất phòng ngừa phát hiện sớm hơn ở tất cả các cấp độ. Cùng với đó, sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng cần được đề cập đến. Phải làm sao để khi ai đó có ý định mắng chửi, bạo hành một đứa trẻ người ta nhận thức được đó là đang vi phạm quyền của trẻ em, đang vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em.
PV: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trung bình nhận được 30 nghìn cuộc gọi mỗi tháng. Trong thời gian giãn cách xã hội, hầu như trẻ em chỉ ở nhà, có tháng tổng đài đã nhận được đến 50 nghìn cuộc gọi. Các con số này cho thấy mức độ phức tạp của tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay. Ông đánh giá thế nào?
Ông Đặng Hoa Nam: Các số liệu này cho thấy một phần hiệu quả của dịch vụ đã được quy định trong Luật Trẻ em đã được Chính phủ thiết lập. Trung bình, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19, cao điểm cứ khoảng hơn 1 phút lại có một cuộc gọi đến tổng đài này. Có rất nhiều câu chuyện, những câu chuyện mà chúng nghe thấy qua báo chí, mạng xã hội nó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Chúng tôi không thể chia sẻ ở đây được vì nó liên quan đến bí mật đời tư của trẻ em nhưng nếu mọi người được tiếp cận thì sẽ hiểu hơn cái “phần chìm” của tình trạng này, nó còn ghê gớm hơn rất nhiều. Chúng ta phải nhận thức rõ rằng, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ, của gia đình, của nhà trường và của toàn xã hội. Trẻ càng nhỏ thì càng không có khả năng lên tiếng, tố cáo, do đó chúng ta phải nhấn mạnh trách nhiệm của xã hội, của những người xung quanh các em.
PV: Chúng ta hiện có thể nói đã đầy đủ các quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em. Hiến pháp cũng có quy định, cùng với đó chúng ta cũng đã có Luật Bảo vệ trẻ em và nhiều quy định khác. Không những thế theo tôi biết thì có đến 17 cơ quan, ban, ngành cùng có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em, thế nhưng tình trạng bạo hành trẻ em vẫn xảy ra và ngày càng phức tạp. Cơ chế, hệ thống bảo vệ trẻ em vẫn rất yếu, ông có nghĩ thế không?
Ông Đặng Hoa Nam: Luật Trẻ em đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan trong việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn diễn ra phức tạp, vậy chúng ta có thể đặt ra câu hỏi rằng hệ thống bảo vệ trẻ em này đã hiệu quả chưa. Các cơ quan đó đã có những kế hoạch cụ thể như thế nào, phân bổ nguồn lực ra sao, đã đầu tư cụ thể hay chưa? Trước hết tôi muốn nói đến câu chuyện quản lý nhà nước. Chẳng hạn cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề gia đình cần phải tăng cường giáo dục đạo đức về gia đình, duy trì thuần phong mỹ tục, tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình cả về mặt tryền thông, cả về thực thi pháp luật. Cơ quan quản lý về giáo dục cần phải tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng bảo vệ mình, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng dám lên tiếng khi các em gặp phải những tình huống như vậy. Ngành y tế, dù đang rất bận rộn với dịch COVID-19 nhưng cũng cần tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thầm cho mọi người dân, trong đó có trẻ em. Rồi ở đây còn trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Ở đây tôi muốn nói đến thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để chúng ta có một hệ thống bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp. Người đứng đầu ở các địa phương có vai trò rất quan trọng vì đây là những người được Luật Trẻ em giao, Nghị định 56 của Chính phủ giao chịu trách nhiệm điều hành, phòng ngừa và hỗ trợ can thiệp. Thế nhưng các địa phương đã quan tâm đúng mức hay chưa? Đã đến lúc chúng ta phải hành động để ngăn chặn nguy cơ từ trong trứng nước của tình trạng này. Khâu phòng ngừa là quan trọng nhất.
PV: Ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay quan trọng nhất phải là từ khâu phòng ngừa. Ông có cho rằng khâu phòng ngừa hiện nay chúng ta cũng chưa đạt được hiệu quả cao?
Ông Đặng Hoa Nam: Ở đây chúng ta phải nhìn nhận từ hai góc độ. Đầu tiên là tuyên truyền, giáo dục. Báo chí, rồi không gian mạng hiện nay đã đề cập chia sẻ rất nhiều về việc phòng ngừa, kiến thức kỹ năng cho cha mẹ, cho trẻ em và cộng đồng. Vậy nhưng đối với vùng sâu, vùng xa, đối với những người ít tiếp cận với truyền thông đại chúng, mạng xã hội thì sao, người ta không quan tâm đến những vấn đề này thì sao? Chúng ta phải đẩy mạnh truyền thông vấn đề này đến từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, từng trường học, lớp học. Những nỗ lực này phải đến từ chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội hoạt động ngay trong cộng đồng thì mới có hiệu quả. Góc độ thứ hai tôi muốn nói đến là thực thi pháp lý. Vừa rồi Chính phủ đã ban hành Nghị định 130 về xử lý vi phạm hành chính, chúng ta cần tăng cường xử lý pháp luật những hành vi không lên tiếng, không tố cáo những vi phạm pháp luật trong bảo vệ trẻ em.