Bản đồ du lịch Đồ Sơn nham nhở do nhiều vị trí “đất vàng” bị cát cứ
Trong thời kinh tế tập trung, bao cấp, Đồ Sơn (Hải Phòng) trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng, nhiều bộ, ngành Trung ương được giao đất để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ dưỡng, nhà khách (cơ sở lưu trú)… phục vụ nhu cầu nội ngành.
Tuy nhiên, đến nay hầu hết các công trình trên do được xây dựng đã lâu đều lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng, có không ít công trình đã phải dừng hoạt động, để hoang hóa, khiến bộ mặt cơ sở hạ tầng du lịch của Đồ Sơn thành bức tranh… nham nhở.
Có thể dễ dàng nhận thấy các cơ sở lưu trú này sử dụng diện tích đất rất lớn, nằm ở những vị trí đắc địa, để hoang hóa rất hoang phí tài nguyên và thực sự là nút nghẽn trong tiến trình phát triển của quận Đồ Sơn nói riêng và TP Hải Phòng nói chung. Nhất là khi du lịch được Hải Phòng xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo thống kê của UBND quận Đồ Sơn, trên địa bàn quận hiện có 134 cơ sở lưu trú du lịch, chiếm phần lớn trong số đó thuộc quản lý của 11 cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành Trung ương với tổng diện tích là 134.524m2. Đồng thời, có 15 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang sử dụng đất diện tích 489.067m2, làm nhà điều dưỡng và liên kết đầu tư dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ. Tất cả các khu đất này đều nằm ở những vị trí đắc địa, chạy dọc khu vực bờ biển.
Có thể kể như khu đất của Bộ Xây dựng (khu I, phường Hải Sơn) rộng 8.555m2, gồm 1 khối nhà nhiều dãy từ 1 đến 4 tầng được xây dựng từ năm 1977, đã xuống cấp nghiêm trọng và bị bỏ hoang nhiều năm. Gần đó cũng thuộc phường Hải Sơn là Trung tâm Hội nghị và Đào tạo cán bộ công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với diện tích 26.250m2, gồm 2 khu A và B, có nhiều dãy nhà từ 1 đến 4 tầng được xây dựng từ thập kỷ 80 thế kỷ trước, hiện cũng để cây cối tự do mọc um tùm, chưa kể tại khu đất này có một diện tích không nhỏ chưa từng được khai thác sử dụng từ ngày được giao đến nay.
Không chỉ có diện tích mênh mông “đất vàng” để hoang phí do các bộ, ngành Trung ương đang chiếm hữu, mà kể cả các khu đất được giao cho những ban, ngành tại Hải Phòng với công năng tương tự cũng lâm vào tình trạng kém hiệu quả. Điển hình là khu đất thuộc quản lý của Văn phòng Thành ủy Hải Phòng có khách sạn Hoa Biển, các nhà hàng Vạn Phong, Vạn Vân, Vạn Hoa… nhưng đều trong tình trạng xập xệ.
Thậm chí nhà hàng Vạn Vân còn được căng dây cảnh báo nguy hiểm, không cho người ngoài vào vì ngói, trần nhà rơi từng mảng. Nhà hàng Vạn Hoa chỉ để lại 1/10 diện tích tận dụng làm khu massage, tắm hơi… còn lại cũng bỏ hoang. Và tại phường Vạn Hương, khu đất gần di tích lịch sử Bến Nghiêng thuộc của Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng cũng có tới 10 nhà nghỉ, khách sạn hạng nhỏ, cơ bản đều đã dừng hoạt động.
Đại diện UBND quận Đồ Sơn cho biết, tính chung hiện các dự án, công trình được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng hoặc chậm tiến độ trên địa bàn quận có tổng diện tích lên tới 866.437m2. Trong khi đó, với tiềm năng trời phú không thể phủ nhận, có nhiều nhà đầu tư muốn đổ tiền vào phát triển du lịch Đồ Sơn, nhưng những vị trí mà họ mong muốn lại không thể được, vì “nút nghẽn” tồn đọng từ thời bao cấp để lại.
Một thực tế éo le đang diễn ra, khi quỹ đất để khai thác du lịch ở Đồ Sơn không nhiều, thì phần lớn “đất vàng” đang bị “cát cứ” mà thẩm quyền giải quyết không thuộc về chính quyền địa phương. Chưa kể địa phương cũng gặp vướng, không thể đề xuất lập quy hoạch tổng thể phát triển, từ đó không thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.
Mặt khác, thực trạng buồn này cũng làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch, không đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn cho biết thêm, thành phố Hải Phòng đã nhiều lần đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chuyển giao nguồn tài nguyên đất và tài sản liên quan để địa phương quản lý và có hướng đầu tư, phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Để giải quyết điểm nghẽn tồn tại suốt nhiều năm qua, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu vừa có chỉ đạo các ban, ngành chức năng của thành phố Hải Phòng và quận Đồ Sơn khẩn trương rà soát lại toàn bộ các dự án, khu nghỉ dưỡng của các bộ, ngành Trung ương.
Sau đó sẽ phải làm việc cụ thể với từng cơ quan chủ quản để có phương án khai thác phù hợp, hiệu quả. “Khi đã tháo gỡ được các vướng mắc trong việc quản lý và khai thác các công trình này thì sẽ thu lại được nguồn lợi vô cùng lớn”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh.