Bài học về quản lý, bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông
Nằm trên dãy Trường Sơn về phía Đông - Nam huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông không chỉ có giá trị đặc biệt bởi tài nguyên rừng phong phú, quý hiếm, mà còn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong giảm thiểu thiên tai mưa lũ đầu nguồn, góp phần điều tiết, cân bằng môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, kể từ sau năm 2018 với việc cho phép mở đường thi công dự án thuỷ điện nằm trong khu bảo tồn này, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Đakrông, tình trạng này trước đó diễn ra nhưng âm ỉ, với chủ yếu 3 hình thức, gồm khai thác gỗ rừng trái phép; chặt phá rừng, xâm lấn đất rừng để trồng rừng sản xuất; săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã và khai thác thực vật quý hiếm. Sau khi chủ đầu tư dự án thuỷ điện La Tó thực hiện việc mở đường xuyên núi rừng này để phục vụ việc thi công công trình nói trên, tình trạng phá rừng ở đây đã diễn ra theo chiều hướng phức tạp và có thời điểm đã trở thành “điểm nóng”.
Năm 2020, đơn vị được giao chịu trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ rừng ở đây. Từ đó, nhiệm vụ này được triển khai thực hiện theo hai hình thức cụ thể. “Một mặt trực tiếp nắm bắt tình hình thực tế để chủ động thực hiện các phần việc của mình, mặt khác, chúng tôi căn cứ vào sự lãnh, chỉ đạo của Sở NN&PTNT tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh; vừa tranh thủ ý kiến đóng góp, tham mưu của các cơ quan chức năng trên địa bàn và chính quyền cơ sở để xây dựng, thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân; vận động người dân cùng tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Công tác này được tiến hành qua nhiều hình thức phong phú, như lồng ghép với họp dân, tuyên truyền lưu động qua loa phóng thanh; treo, dán băng rôn, áp phích và cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Riêng với tuyên truyền lưu động, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã phối hợp chính quyền cơ sở, thực hiện trên 200 lượt”, ông Trung cho biết.
Cùng với đó, trong gần 2 năm qua, Ban quản lý Khu BTTN Đakrông đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho từng hộ và nhóm hộ gia đình trên địa bàn mình quản lý, với các cam kết cụ thể. Trong đó, nguồn kinh phí trả cho người dân được trích từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng do các cơ sở sản xuất thuỷ điện trên địa bàn chi trả cho đơn vị này. Kết quả đến nay, việc làm này đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Từ chỗ nhiều cá nhân trước đây là “lâm tặc”, thời gian qua họ không chỉ làm tốt phần việc của mình trong nhận khoán bảo vệ rừng, mà còn tích cực chia sẻ, tuyên truyền tất cả người dân khác trong bản cùng chung tay làm tốt nhất công việc này.
Hiện ở Đakrông, người dân đều biết đến Hồ Văn Dũng, Hồ Văn Chương, Hồ Văn Long, Hồ Văn Thợ ở xã Tà Long; Hồ Văn Khoa, Hồ Văn Mưm, Hồ Thị Thêu, Hồ Văn Thảo, Hồ Thị Mèn, Hồ Văn Lâm ở xã A Bung. Cách đây chỉ 3 năm về trước, họ chính là những “lâm tặc” có “số má” ở vùng rừng núi này nhưng nay đều đã trở thành những thành viên trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng rất tích cực cho Ban quản lý Khu BTTN Đakrông. Trong đó, nhóm hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng này ở thôn trại cá, xã Tà Long do chính Hồ Văn Dũng làm nhóm trưởng.
Ở thôn Tà Lao, A Bung do Hồ Văn Khoa làm nhóm trưởng. Còn ở thôn La Tó, A Bung do Hồ Văn Lâm vừa làm Phó thôn vừa làm nhóm trưởng. Già làng Hồ Văn Bình, thôn La Tó kể lại rằng, chỉ mấy năm trước, người trong thôn không dám nhìn mặt Lâm, vì thanh niên này sẵn tính bặm trợn, lại thường giao lưu với bọn xấu, nên sẵn sàng làm những việc xấu mà không một chút nghe lời chỉ bảo, khuyên nhủ của người lớn tuổi. Nhưng sau khi được Công an xã gọi hỏi, răn đe, giáo dục nhiều lần, rồi được cán bộ Ban quản lý Khu BTTN vận động, đặt vấn đề làm bảo vệ rừng, Lâm đã dần nghe lời. Với những cố gắng thay đổi và việc làm tốt đạt được, người dân trong thôn đã tin tưởng, mạnh dạn giao cho Lâm nhiệm vụ Phó thôn. Cùng với chức vị này, công việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng ở đây đều được anh làm rất tốt qua từng ngày.
Trong gần 2 năm qua, Ban quản lý Khu BTTN Đakrông đã phối hợp Hạt Kiểm lâm khu này và các hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn xây dựng, duy trì hoạt động thường xuyên (kể cả mưa bão) 17 tổ chốt kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại các cửa ngõ rừng và các điểm “nóng” về khai thác, chặt phá rừng trái phép. Phối hợp Kiểm lâm địa bàn sử dụng công nghệ ảnh viễn thám có độ phân giải cao và flycam nhằm phát hiện sớm các điểm biến động rừng trong khu vực được giao quản lý để rà soát và theo dõi biễn biến rừng.
Đặc biệt, đặt 3 bẫy ảnh để xác minh đối tượng khai thác trái phép tại Tiểu khu rừng 745B. Phối hợp Công an xã Tà Long xử lý các đối tượng gây rối trật tự, cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm về khai thác rừng trái phép tại Tiểu khu 703, xã Tà Long. Phối hợp Công an các xã và các đơn vị chức năng khác nơi có rừng bảo tồn tiến hành 334 đợt tuần tra bảo vệ rừng trên 358 tuyến với gần 2.100 lượt người tham gia.
Qua đó, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 30 vụ, trong đó 11 vụ có đối tượng đã được xử lý, 19 vụ chưa xác minh được đối tượng. Trong số này chủ yếu vận chuyển lâm sản trái phép với 7 vụ; phá rừng và khai thác rừng trái pháp luật 6 vụ; tàng trữ gỗ 14 vụ. Cơ quan chức năng đã lập biên bản tịch thu để xử lý gần 52m3 gỗ quy tròn các loại; 3 cưa máy, 2 xe máy độ chế; phá huỷ tại rừng 5 máy tời gỗ có gắn động cơ; 8 lán trại và 800 bẫy thú…
Với những việc làm đầy quyết tâm trên, đến nay tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép ở Khu BTTN Đakrông đã được hạn chế rất đáng kể. Tuy nhiên, để điều này được duy trì, bảo đảm bền vững, nói như điều anh Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN này thường trăn trở: “Chúng ta nhất định phải tìm cách tạo sinh kế bền vững cho người dân sinh sống trên địa bàn này, bởi làm được như vậy, thì bà con mới yên tâm, tích cực tham gia cùng các ngành chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng ở đây. Và, chỉ đến khi đó thì rừng này mới thực sự được quản lý, bảo vệ bền vững!”.