F0 ở Hà Nội tăng cao, đáp ứng y tế ra sao?

Bài 1: Nhiều F0 điều trị tại nhà chưa tiếp cận được với y tế cơ sở

Thứ Hai, 03/01/2022, 08:49

Mỗi ngày Hà Nội ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm COVID-19, dịch chưa có dấu hiệu thuyên giảm, dự báo Thủ đô sẽ tăng lên khoảng 5.000-6.000 ca bệnh/ngày.

Trong 14 ngày gần đây, Thủ đô ghi nhận 23.606 ca mắc tại cộng đồng (tăng 5.774 ca so với 14 ngày trước đó); hiện có gần 28.000 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có khoảng 18.000 F0 điều trị tại nhà, chiếm khoảng 65% tổng số bệnh nhân; các trạm y tế lưu động, bệnh viện, nơi điều trị tầng 1 ở các quận, huyện cũng đang quá tải. Biến chủng mới Omircon đã xâm nhập vào nước ta, cùng với biến chủng Delta, dịch COVID-19 sẽ diễn biến hết sức phức tạp khi cái Tết đang cận kề.

4-1.jpg -0
F0 điều trị tại Trạm Y tế lưu động phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng.

F0 điều trị ở nhà có bị bỏ rơi?

Khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, tâm lý của người nhiễm bệnh thường rất hoang mang, cộng thêm sự quá tải của y tế tuyến cơ sở khiến nhiều người bệnh cảm giác mình bị "bỏ rơi". Chậm được trả kết quả xét nghiệm PCR, không được phát thuốc, gọi điện ra y tế phường không có người bắt máy hoặc không được hỗ trợ kịp thời… là những trường hợp không hiếm gặp đối với các F0 trên địa bàn Hà Nội.

Theo chị Đào Thu Thảo (phường Tân Mai), từ ngày 16/12, nhà chị lần lượt có chồng, con và sau chính bản thân chị cũng dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau khi được y tế phường test PCR và cho kết quả bị COVID-19, gia đình chị hầu như không liên lạc được với nhân viên y tế hỗ trợ. Chị Thảo cho biết, bên y tế phường báo do quá tải nên sau 3 ngày lấy mẫu mới có kết quả, nhưng đến ngày thứ 4, gia đình chị cũng không nhận được cuộc gọi hay tin nhắn báo trả kết quả, cũng không có ai hướng dẫn phải mua thuốc gì cho người bệnh.

"Gia đình tự mua các loại thuốc, lá xông… theo kinh nghiệm từ bạn bè từng nhiễm COVID-19 truyền cho", chị Thảo cho biết. Tuy nhiên, may mắn là cả gia đình chị đều triệu chứng nhẹ. Chị cũng chia sẻ, gia đình chị rất hiểu và thông cảm cho ngành Y tế vì các nhân viên đã mệt mỏi, với số lượng ca nhiễm tăng cao như hiện nay thì việc quá tải là hoàn toàn xảy ra.

Trường hợp chị Nguyễn Phương Nhung (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) cũng tương tự, mẹ chị test nhanh cho kết quả dương tính. Do có tuổi cộng với bệnh nền nên mẹ chị mệt, sốt. Theo chị Nhung, phường cũng không rào chắn khu vực gia đình và dán biển cách ly, bản thân mẹ chị chuyển nặng, gia đình chị cũng phải liên tục "hối" thì mẹ chị mới được đi viện. Chị Nhung cũng là F0, nhưng hầu như không có triệu chứng gì ngoài mất vị giác và khứu giác nên xin được đi theo vào viện chăm sóc mẹ. Còn chồng chị và các con ở nhà tự chăm sóc nhau. Khi vào viện, mẹ chị hiện đang phải lọc máu, thở máy.

Theo phản ánh của một người nhà bệnh nhân, bố chị test nhanh dương tính, gọi đến Trạm Y tế phường Hàng Bột, quận Đống Đa để nhờ giúp đỡ thì nhận được câu trả lời: "Cả trạm y tế đều F0 tự điều trị cả, mời chị gọi 115". Gia đình gọi cấp cứu 115 thì được trả lời "chị gọi về quận Đống Đa nói họ gọi cho chúng tôi thì mới đón đi cấp cứu được". Gọi đến Trung tâm Y tế quận thì "mời chị gọi về y tế phường Hàng Bột để họ gọi chúng tôi vào mã bệnh nhân. Hỏi tên người trực xem tại sao không gọi quận?". Lại gọi xuống y tế phường, chị vẫn nhận được câu trả lời lặp lại ban đầu. Gọi tiếp 115 và Trung tâm Y tế quận chị vẫn nhận được câu trả lời như cũ.

Cuối cùng, trong lúc bất lực khi thấy bệnh nhân oxy tụt xuống 82, gia đình chị tự "cóp nhặt" kiến thức để xử lý cho người bệnh. Rất may đến sáng hôm sau, oxy của bệnh nhân đã ổn định. Có nhiều trường hợp người dân khi phát hiện dương tính đã bức xúc vì không được trợ giúp y tế ngay từ tuyến cơ sở.

Trong các group hỗ trợ điều trị F0 online như "Nhóm bác sỹ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà", khá nhiều người bị COVID-19 hoặc có người nhà bị bệnh chia sẻ họ rất khó liên lạc được với nhân viên y tế phường. Nick Facebook Văn Quang phải nhờ các bác sỹ trong group tư vấn vì người nhà đang là F0 nhưng không liên lạc được cho y tế phường. 

Người dân tự làm bác sĩ

Với F0 cộng đồng tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng trong những ngày qua, hệ thống y tế cơ sở đã rơi vào quá tải, đặc biệt ở những quận như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… Nhiều F0 bất lực vì không gọi được y tế phường, đã liên hệ nhờ bạn bè khắp nơi tư vấn, trợ giúp. Trên nhiều hội nhóm mạng xã hội, rất nhiều F0 hỏi han, tìm hiểu thông tin về cách ly, điều trị, sử dụng thuốc gì… Có nhiều F0 nghe mách tự mua thuốc kháng virus uống mà không có chỉ định của bác sĩ. Sau khi cả gia đình (4 người) chị N.T.T (quận Hà Đông) dương tính, gọi ra y tế phường chưa nhận được sự hỗ trợ, chị đã nhờ cậy người quen mua thuốc trị cúm của Nga về uống. "Tôi nhờ người mua hộ, cũng không hiểu rõ lắm, nghe nói uống thuốc này nồng độ virus giảm nhanh nên cả cùng uống", chị T cho biết.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, các gói thuốc phát cho F0 điều trị tại nhà trên địa bàn quận chỉ có gói thuốc A gồm vitamin C, thuốc hạ sốt. Hà Nội hiện có khoảng 18.000 F0 đang điều trị tại nhà (chiếm 65% tổng số ca mắc), số F0 chưa được tiếp cận với y tế cũng tăng lên do quá tải ở nhiều địa bàn. Tại quận Đống Đa, có phường gần 90.000 nhân khẩu nhưng Trạm Y tế phường chỉ có từ 6-10 nhân viên y tế. Khi dịch bệnh xảy ra, y tế cơ sở quá mỏng đã dẫn tới một số F0 chưa được quan tâm.

Theo lãnh đạo một phường ở quận Tây Hồ, khi xác định F0, trách nhiệm của y tế phường phải gọi điện tới nhà dân để điều tra, ra quyết định cách ly. Người dân không liên hệ được với y tế có thể đúng thời điểm máy đang bận. Còn các trường hợp có biểu hiện ho, sốt gọi lên y tế phường đều được hướng dẫn đến Trung tâm Y tế quận để lấy mẫu xét nghiệm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở Hà Nội có Fanpage "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà" do BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia cùng các đồng nghiệp thành lập. Nhóm huy động sự tham gia của nhiều bác sĩ ở các chuyên ngành khác nhau (trong đó có những bác sĩ đã có kinh nghiệm chống dịch ở TP Hồ Chí Minh) với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các F0, F1 điều trị tại nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ chỉ có 5 người, giờ đã có hàng chục bác sĩ quân y, bác sĩ Công an nhập cuộc. Chưa đầy chục ngày, trang Fanpage đã có hơn 50 nghìn người tham gia, trong đó có nhiều F0, F1. Đến nay đã có hàng nghìn F0 được tư vấn, cung cấp những thông tin hữu ích, giúp họ bớt hoang mang, vững tâm trị bệnh.

BS Tuấn cho biết, mỗi ngày anh nhận khoảng 50 cuộc gọi nhờ tư vấn, thậm chí có ngày con số lên đến gần 100 cuộc. Các bác sĩ khác cũng từ 30-50 cuộc gọi bao gồm cả Zalo, Facebook, điện thoại… Không chỉ tư vấn điều trị bệnh, các bác sĩ còn tư vấn về tâm lý cho người bệnh, vì không ít F0 có biểu hiện hoang mang, lo lắng. Trong quá trình tư vấn chưa gặp trường hợp nào nặng phải chuyển viện.

Theo chia sẻ của một F0 ở quận Đống Đa, gia đình anh có 3 người dương tính, trong lúc họ bối rối, lo lắng khi không gọi được y tế phường thì đã đọc được thông tin nhóm bác sĩ quân y, anh chủ động liên lạc và được hỗ trợ ngay. Sau 5 ngày, các triệu chứng đều đã lui, cả 3 người sức khỏe hồi phục tốt. Điều khiến gia đình anh cảm động nhất là trong lúc khó khăn, họ đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của nhóm bác sĩ đồng hành.

Trần Hằng - Ngọc Yến
.
.
.