Xung quanh việc đặt tên đường 2 giáo sĩ có công với chữ quốc ngữ

Chủ Nhật, 01/12/2019, 06:40
Những ngày qua, có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Đà Nẵng nên hay không nên đặt tên đường 2 giáo sĩ (linh mục) có công với chữ quốc ngữ là Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes…


Mở đầu cho sự tranh luận, là bản kiến nghị của 12 học giả đang làm việc tại Huế và TP Hồ Chí Minh, do PGS.TS Lê Cung (Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế) đứng đầu.

Các học giả này nhìn nhận, 2 giáo sĩ, cụ thể là Linh mục Alexandre De Rhodes không phải là người tạo nên bộ chữ cái ghi âm đọc tiếng Việt bằng từ latin, mà còn có nhiều người khác. Trong khi đó, bản chất việc xây dựng bộ chữ, là mở đường cho việc xâm lăng của người Pháp và châu Âu vào vùng đất phương Đông. Các giáo sĩ, chính là những “điệp viên” do thám thông tin, kiêm truyền đạo.

Các học giả này cho rằng, bởi che giấu phía sau hành vi do thám nên các giáo sĩ đã liên tục bị các chính quyền phong kiến trục xuất, cấm hoạt động. Việc làm của họ như vậy là có tội với dân tộc Việt Nam, theo đó họ không xứng đáng được chọn để đặt tên đường.

Ông Lê Cung cho rằng, có tài liệu cho thấy giáo sĩ Alexandre De Rhodes vì mục tiêu truyền đạo đã có động thái thúc đẩy châu Âu can dự vào thể chế các nước phương Đông và Việt Nam. Các giáo sĩ do thám như Alexandre De Rhodes đã góp phần đưa đến quyết định tấn công xâm lược của liên minh phương Tây đến Việt Nam năm 1858.

Trong khi đó, đã có rất nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng xã hội, kể cả nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu lại phản bác các ý kiến trên và cho rằng, không nên gán ghép công tội các giáo sĩ. Những giáo sĩ đã có mặt truyền đạo trước khi Pháp xâm lược Việt Nam đến hơn 200 năm thì không có cơ sở nào để tin họ liên quan các hành động thôn tính.

Hơn nữa, do các giáo sĩ cần giao tiếp với người dân, họ đã bỏ công nghiên cứu ngôn ngữ và có được những cuốn từ điển phục vụ việc truyền giáo. Bỏ qua những vấn đề liên quan đến Giáo hội mà các giáo sĩ phải phục vụ với niềm tin tôn giáo, họ đã góp phần tạo ra chữ viết tiếng Việt.

Sáng kiến này cực kỳ có lợi với người Việt, bởi giúp “ghi âm” lời nói trong giao tiếp bình thường, ai cũng đọc được. So với hệ thống chữ Nôm dựa trên nền tảng Hán văn, chữ viết mới tiện dụng hơn nhiều. Cho nên, nhiều bậc trí thức Việt Nam thời đó, như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký… đã ra sức cổ súy lan tỏa chữ viết tiếng Việt.

Cuối cùng, triều đình Huế cũng phải ra sắc dụ, công nhận chữ mới là chữ quốc ngữ để thay thế cho chữ Hán. Nhờ đó, cho đến nay, người Việt dễ học chữ Việt, sử dụng chữ quốc ngữ vào mọi lĩnh vực thông tin đời sống, gồm cả những phản ảnh trừu tượng, tâm lý…

Tựu trung, tất cả ý kiến đều khẳng định, những giáo sĩ Tây phương, cụ thể là 2 giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes, đã làm tốt công việc của họ trong nỗ lực truyền bá Kitô giáo, một hoạt động thuần nghĩa tinh thần. Nhưng người Việt cũng đã khéo vận dụng một kết quả nghiên cứu ngôn ngữ có mục đích của ngoại bang, thành bước cải tiến ngôn ngữ quan trọng của dân tộc.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) TP Đà Nẵng, không thể lập luận, 2 giáo sĩ là có tội, vì họ chỉ làm đúng phận sự, nỗ lực tìm cách truyền giáo và qua đó, cùng nhiều người khác tạo nên bảng chữ cái ghi âm đọc latin cho người Việt.

2 giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes có công rất lớn trong quá trình tạo ra chữ quốc ngữ, góp phần giúp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ; song trước những ý kiến trái chiều thì không thể đưa ra kỳ họp HĐND. Quyền đặt tên đường do HĐND TP Đà Nẵng quyết định…

Ngược lại, có nhiều ý kiến phản đối việc Sở VH-TT Đà Nẵng, vì những kiến nghị không đồng tình mà dừng đưa tên 2 giáo sĩ vào danh sách đặt tên đường là vô lý. Chính quyền TP Đà Nẵng cần nêu tên các giáo sĩ tại phiên họp sắp tới, để các đại biểu HĐND biểu quyết đặt tên đường, chứ không thể chỉ dựa vào lý do “vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều” để dừng lại...

Bên cạnh những tranh luận, mới đây, PGS.TS Triết học Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Lý luận Chính trị Đại học Khoa học Huế, người có tên trong bản kiến nghị đã lên tiếng xác nhận, ông không tham gia vụ việc, vì “sử học không thuộc chuyên môn của tôi, nếu có ai hỏi thì tôi không đủ lý lẽ để trả lời”. Ông Dũng đã từ chối ông Lê Cung về việc kiến nghị, nhưng sau đó tên ông vẫn được điền vào. Điều này theo ông Dũng là cần được đính chính.

Duy Hạ
.
.
.