Sau một tháng cao điểm ra quân xử lý:

Tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm đã tăng lên đáng kể

Chủ Nhật, 10/05/2015, 09:58
Đó là nhận định của các cơ quan, ban, ngành sau hơn một tháng cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại hội nghị sơ kết Kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em chiều 8/5.
>> Ngày đầu xử lý học sinh không đội mũ bảo hiểm: Hàng nghìn trường hợp bị xử phạt

Tuy nhiên, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi ý thức chủ quan của phụ huynh khi tìm nhiều cách đối phó; việc xử lý gây ảnh hưởng đến giờ học, hoặc không xác định được độ tuổi dẫn đến khó xử lý vi phạm…

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, trong đợt cao điểm (từ 6 – 10/4/2015), lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm đối với 23.464 trường hợp vi phạm; lập biên bản 6.663 trường hợp; tạm giữ 311 phương tiện và phạt tiền 432 triệu đồng. Một số địa phương tiến hành nhắc nhở, xử lý đạt kết quả cao gồm Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Đắk Lắk, Ninh Bình, Bình Dương, Hà Tĩnh, Nam Định, Vĩnh Phúc…

Đội mũ cho trẻ em góp phần hạn chế thương tích khi tham gia giao thông.

Đề cập đến các khó khăn trong công tác đợt cao điểm vừa qua, Trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông (Phòng 4, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho rằng, vẫn còn tồn tại một bộ phận phụ huynh và các em học sinh ý thức chấp hành chưa cao, nhiều trường hợp cố tình vi phạm. Thậm chí, có những trường hợp khi lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe thì bỏ chạy hoặc cho trẻ em xuống đi bộ để “né” tránh hành vi vi phạm, gây mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, Trung tá Nhật cũng thừa nhận, việc kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm đôi khi gây ảnh hưởng đến thời gian, giờ giấc sinh hoạt, học tập, đặc biệt là khó khăn trong việc xác định độ tuổi của trẻ em.

Là đơn vị quản lý, giáo dục học sinh, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, với trách nhiệm và quyết tâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều biện pháp mạnh tay “siết” đội mũ bảo hiểm cho trẻ em thông qua tuyên truyền giáo dục, ký kết với phụ huynh phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông thống kê các vi phạm, gửi danh sách học sinh vi phạm về nhà trường để kịp thời có biện pháp giáo dục, nhắc nhở, xử lý vi phạm… Tuy nhiên, ông Duy Anh cũng thừa nhận, hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe hai bánh chạy điện vẫn còn xảy ra, đặc biệt là còn cao ở các khu vực nông thôn, các tuyến đường liên huyện, xã. Nhiều cha mẹ đèo 3-4 cháu đến trường không đội mũ với lý do khác nhau như vội quá, quên, không có chỗ treo mũ…

Nhằm tiếp tục đưa việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vào quy củ, ông Ngũ Duy Anh đề nghị lực lượng Công an của các địa phương cần tiếp tục chú trọng tập trung tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về chấp hành đội mũ bảo hiểm tại các khu vực xung quanh các trường học, sau đó duy trì kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó chú ý phát hiện, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em trên tất cả các tuyến đường.

“Đối với ngành giáo dục, việc cần làm là phải có hình thức kiểm tra, kiểm điểm đối với học sinh cố tình vi phạm hoặc tái phạm quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm; gắn việc kiểm tra phê bình, đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng cuối năm đối với giáo viên chủ nhiệm, của lớp,” ông Duy Anh đưa ra biện pháp cứng rắn.

Trước đó, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay, tại Việt Nam, mỗi năm có 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó 50% nguyên nhân là do trẻ em không đội mũ bảo hiểm. “Tai nạn giao thông chứng tỏ là một hiểm họa do con người tạo ra, đe dọa tính mạng của trẻ em và là một trong bốn nguyên nhân gây nên tử vong của trẻ em”, ông Thái đánh giá.

T. Huyền
.
.
.