Treo thưởng cho người phát hiện hành vi đổ trộm rác

Thứ Tư, 24/07/2019, 08:12
Tại các quận, huyện vùng ven của TP Hồ Chí Minh, tình trạng đổ trộm rác thải ra môi trường, nhất bên đường, kênh, rạch và các dự án khu dân cư chậm triển khai, để hoang khiến người dân phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương cũng phải “vật vã” vì rác, nhưng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý người vi phạm.


Trưa 21-7, PV Báo CAND có mặt tại đường đi vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Con đường đất đá lởm chởm cộng với những ổ gà, ổ voi đầy nước đục ngầu, dơ bẩn, lầy lội sau cơn mưa; hai bên đường thì đầy rác thải.

Nhiều bao tải đựng rác và những đống rác mới đổ tràn cả xuống dòng kênh. Chúng tôi thấy rác ở đây có đủ thứ loại, từ rác thải công nghiệp (như vải vụn) cho đến xà bần, kính vỡ, nệm, xốp cũ… Một số đống rác đã được đốt cháy đen. Nước dưới dòng kênh gần đó đen kịt sau mỗi cơn mưa có lẽ vì mấy đống rác này.

Chính quyền xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) huy động người dân cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên làm vệ sinh môi trường.

Anh Phạm Văn Thêm, ở trọ tại khu nhà trên đường Võ Văn Vân, gần nơi quẹo vào con đường đầy rác này cho biết, đây là khu vực vắng người, ban đêm không có đèn đường, hai bên không có nhà dân nên nhiều người đem rác đến đây đổ.

“Mấy đêm khi đi làm về khuya, tôi thấy có người chạy xe máy và xe tải chở rác vào đây đổ. Thỉnh thoảng, vào dịp cuối tuần, chính quyền địa phương huy động người đến dọn dẹp, đốt rác, nhưng chỉ mấy ngày sau, đâu lại vào đó”, anh Thêm cho biết.

Đi vào bên trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B từng bị “bỏ hoang” cả chục năm nay, dọc hai bên nhiều con đường, chúng tôi thấy nhiều đống rác bốc mùi hôi thối. “Không biết tự bao giờ nữa nơi đây đã trở thành nơi đổ rác lý tưởng của nhiều người”, bà Trần Thị T., cư dân ở khu này than thở.  

Liên tiếp hai ngày trước đó, khi đến xã Vĩnh Lộc A, đi theo đường liên ấp 2 - 3 - 4, liên ấp 5 - 6, đường số 7, đường Nữ Dân Công, đường Phạm Văn Sáng, đường Kênh Trung Ương, chúng tôi nhận thấy cũng đang tồn tại nhiều đống rác. Không phải chỉ ở huyện Bình Chánh, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Bình Tân, như Hồ Ngọc Lãm, ven quốc lộ 1,… cũng bị rác thải bủa vây.

Một số tuyến đường ở xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), rác cũng đổ thành đống bên đường; nhiều kênh, rạch cũng trở thành nơi đổ rác. Tại khu dân cư Hoàng Hải (xã Bà Điểm), người dân rất bức xúc khi nơi đâu cũng đã thành điểm “tập kết” rác. Hôm chúng tôi đến khu vực này cũng là lúc chính quyền và người dân địa phương đang thực hiện dọn vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Văn Rô, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bà Điểm cho biết, người dân trên địa bàn đều cam kết và thực hiện nghiêm cam kết không xả rác bừa bãi ra môi trường; người dân bỏ rác đúng nơi quy định. “Người dân địa phương cơ bản chấp hành nghiêm, những đống rác ở đây là người từ nơi khác đến đổ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền đồng thời có biện pháp để xử lý những người đem rác đến đây đổ” ông Rô nói.

Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh cho biết, xã đã tăng cường truyên tuyền nên cơ bản ý thức của người dân đã được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người thiếu ý thức gìn giữ môi trường. “Thời gian qua, chính quyền chủ yếu nhắc nhở và cho làm cam kết là chính nhưng trước tình trạng rác ngày càng nhiều, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”, ông Chung nói.

Tại xã Vĩnh Lộc A, bên cạnh việc lập các tổ thu gom rác tại 15 ấp, phát động phong trào người dân cùng tham gia thu gom “rác hoang” – rác do hành vi xả, đổ rác bừa bãi, chính quyền địa phương còn tổ chức cho người theo dõi các khu vực được xem là “bãi đáp” lý tưởng của dân đổ rác; “treo thưởng” cho người phát hiện những ai tạo ra “rác hoang”, nhất là vào thời điểm nửa đêm về sáng.

Bà Dương Thị Thuỳ Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A kể, trước đây, khi phát hiện người vi phạm, xã lập biên bản vi phạm nhưng người dân không đến nộp tiền phạt, do đó xã đã thay đổi biện pháp. Đó là khi phát hiện người vi phạm, ấp sẽ báo ngay cho UBND xã để chỉ đạo cả Công an xã cùng với cán bộ phụ trách môi trường đến mời về trụ sở xã để làm việc và tạm giữ phương tiện.

Khi nào người vi phạm nộp tiền phạt mới trả lại phương tiện. Đây được cho là biện pháp khá hiệu quả và bước đầu có tác dụng. Do đó, từ đầu năm đến nay xã đã xử phạt 7 trường hợp, mức phạt 3,5 triệu đồng/trường hợp.

“Thực tế việc phân công người canh me đối tượng đổ rác không đúng quy định để bắt quả tang vào đêm khuya cũng không đơn giản chút nào. Do vậy, bên cạnh việc này, chúng tôi cũng treo thưởng cho những ai có công phát hiện hành vi đổ rác bậy, kịp báo với chính quyền để xử lý. Tới đây, chúng tôi còn tranh thủ các “mắt thần” camera để phục vụ cho việc phát hiện, xử lý những người xả rác bừa bãi”, bà Trang cho biết.

Nhân Sơn
.
.
.