Thêm quy định để tránh thất thoát tài sản công

Thứ Hai, 26/07/2021, 08:56
So với quy định cũ, Nghị định 67 có nhiều sửa đổi khá căn bản cả về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như phương án sắp xếp, xử lý nhà đất để phù hợp với thực tế hơn.

Trước thực tế vướng mắc hiện nay là công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đang gặp nhiều khó khăn, kéo chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 67) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Nghị định ra đời với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ góp phần quản lý, sử dụng nhà, đất đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản công.

So với quy định cũ, Nghị định 67 có nhiều sửa đổi khá căn bản cả về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như phương án sắp xếp, xử lý nhà đất để phù hợp với thực tế hơn.

Đáng chú ý, về nguyên tắc, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị đinh bổ sung thêm quy định về nguyên tắc quản lý đối với số tiền do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ (ngoài số tiền bán tài sản trên đất, tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, số tiền bồi thường, hỗ trợ được xác định theo đúng quy định của pháp luật) cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất.

Do đây là nội dung đã phát sinh trong thực tế thời gian qua và pháp luật chưa có quy định cụ thể. Về thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, để cải cách, rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, nhất là việc sắp xếp của các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện cổ phần hóa, Nghị định sửa đổi, bổ sung thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp của Bộ Tài chính đối với nhà, đất thuộc Trung ương quản lý theo hướng phân cấp thẩm quyền cho các Bộ, cơ quan Trung ương phê duyệt phương án đối với nhà, đất do doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III quản lý.

Tương tự, Nghị định sửa đổi thẩm quyền thu hồi nhà, đất từ Bộ Tài chính về UBND cấp tỉnh để thống nhất đồng bộ với quy định của pháp luật đất đai và đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện quyết định thu hồi. Bên cạnh đó, sửa đổi thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc Trung ương quản lý từ Bộ Tài chính về Bộ, cơ quan Trung ương xem xét, quyết định nhằm nâng cao trách nhiệm của các Bộ, cơ quan Trung ương trong tổ chức thực hiện việc bán nhà, đất…

“Nghị định 67/2021/NĐ-CP đã quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Bên cạnh đó Nghị định 67 đã có các quy định phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng phân cấp mạnh hơn như: các Bộ, cơ quan Trung ương phê duyệt phương án đối với nhà, đất do doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III; quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) quyết định thu hồi. Vì vậy, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sẽ nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất”, ông La Văn Thịnh thông tin.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, những sửa đổi trong Nghị định 67 không những phù hợp với thực tế, mà sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn làm chậm tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trước đây, đặc biệt, trao quyền cho các bộ, ngành, địa phương cũng là nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp này trong quá trình triển khai thực tế.

Bên cạnh đó, việc xử lý chuyển tiếp được quy định rõ, cụ thể; góp phần giải quyết vấn đề đang đặt ra trong việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý đã được phê duyệt trước ngày Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có hiệu lực; đặc biệt là các nhà, đất phê duyệt theo phương án chuyển nhượng, chuyển mục đích có nhiều dự án đang dừng hoặc chậm triển khai thực hiện do có vướng mắc phát sinh…

Hà An
.
.
.