Tạo hơn 8 triệu việc làm mới cho người lao động

Thứ Ba, 12/01/2021, 08:19
Đây là kết quả tích cực được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 11/1.


Đặc biệt, trong năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng vẫn có hơn 1,3 triệu người được giải quyết việc làm, đây là con số thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân trong phục hồi, duy trì và phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh lạo nhiều bộ, ban, ngành, địa phương trên cả nước.

Theo báo cáo của Bộ LĐ- TB&XH, tuy chịu sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng với nỗ lực lớn, ước cả năm 2020 giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch và bằng 81,2% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người; đưa trên 78 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tính chung cả năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,61% (đạt mục tiêu).

Tính chung cả giai đoạn 2016- 2020, thị trường lao động có sự chuyển biến tích cực; lực lượng lao động cả nước năm 2020 tuy giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 song vẫn có xu hướng tăng trong cả giai đoạn. Ước 5 năm cả nước giải quyết việc làm gần 8 triệu người, đạt mục tiêu đề ra; trong đó: Giải quyết việc làm trong nước trên 7,3 triệu người; đưa trên 634 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt chỉ tiêu 27%, về đích kế hoạch 5 năm trước 1 năm); hiện tại có gần 550 nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Trong năm 2020, triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Chính phủ và các địa phương trong đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, trong đó ngân sách Nhà nước chi trực tiếp 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng, qua đó góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, giúp ổn định tình hình lao động. Đến nay, tình hình lao động, việc làm cơ bản trở lại trong trạng thái bình thường.

“Năm 2021, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào một số mục tiêu chính như: Bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ "hậu COVID"; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhất là khi mà một số vấn đề mới như chính sách tiền lương, kéo dài tuổi nghỉ hưu, vấn đề phát triển các quan hệ lao động, hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đã được quy định tại Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1. Đây là những vấn đề rất hệ trọng sẽ làm thay đổi căn bản trong quan hệ lao động trong khu vực doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những kết quả Bộ LĐ-TB&XH đạt được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ vừa qua là rất toàn diện, đáng khích lệ. Ngành LĐ-TB&XH cũng rất chủ động giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ đột xuất, mới phát sinh, đặc biệt trong năm 2020 với những vấn đề “chưa có trong tiền lệ” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp như đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và đón người hết hạn về nước; góp phần giữ ổn định ở mức tương đối hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; đưa những gói hỗ trợ của Nhà nước đến những đối tượng bị ảnh hưởng nhanh nhất có thể; khắc phục hậu quả “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ở miền Trung trong tháng 10 và tháng 11/2020.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, góp phần giữ ổn định xã hội và tăng thêm lòng tin của người dân vào các chính sách nói riêng, vào Đảng, Nhà nước, vào chế độ. Bên cạnh các nguồn lực, chương trình mục tiêu, chính sách, chế độ thường xuyên hằng năm, gói hỗ trợ đột xuất của Nhà nước, còn có sự đóng góp không thể thiếu của các tổ chức xã hội, những người có tấm lòng thiện nguyện. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Vì vậy, tới đây, Bộ LĐ-TB&XH phải tăng cường phối hợp, điều phối không chỉ giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể trong hệ thống chính trị mà đặc biệt với các tổ chức xã hội, DN, cá nhân có lòng hảo tâm… để tạo thành mạng lưới đưa thành quả của sự phát triển đến được với mọi người dân, đặc biệt là người yếu thế.

Phan Hoạt
.
.
.