Người lao động có thêm nhiều việc làm

Thứ Bảy, 02/01/2021, 07:15
Dù vẫn đang phải chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, tuy nhiên vài tháng trở lại đây, thị trường lao động đang có những chuyển biến tích cực. Điều này thể hiện rõ qua việc số lao động ngừng việc, mất việc đã giảm mạnh. 


Những tháng cuối năm, tỷ lệ tuyển dụng lao động trở lại của các doanh nghiệp cũng đã tăng lên đáng kể. Theo dự báo của các chuyên gia lao động, thị trường lao động sẽ tiếp đà và hồi phục tốt hơn khi bước vào quý I-2021.

Theo công bố vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra, tình hình lao động, việc làm quý IV-2020 có nhiều khởi sắc so với quý trước. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tính chung cả năm 2020 vẫn ở mức cao hơn những năm trước đây. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm dần qua từng quý. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý IV-2020 ước tính là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý trước và tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,6 triệu người. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc quý IV-2020 ước tính 54 triệu người.

Các chuyên gia nhận định, thị trường lao động sẽ tích cực hơn trong quý I-2021.

Tính chung cả năm 2020, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm dần theo từng quý (quý II là 2,51%, quý III là 2,29, quý IV là 2,16%). Năm 2020, thu nhập bình quân của lao động đạt 6,62 triệu đồng/tháng, dù có giảm một chút so với năm 2019 nhưng đây được đánh giá là con số tích cực trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đặc biệt là giai đoạn từ đầu năm đến tháng 6, không ít lao động đã bị mất việc, phải ngừng việc, hàng loạt doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng.

Trong hai tháng cuối năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cao hơn, được lý giải do đây là thời điểm cận Tết, các doanh nghiệp gia tăng các hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ các nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí… nên nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng này tăng lên so với những tháng trước. Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo, bước vào quý I-2021, thị trường lao động sẽ tiếp đà hồi phục tốt hơn.

Dự kiến quý I-2021, nhu cầu tuyển dụng của một số ngành sẽ có xu hướng tăng lên từ 10-12%, cụ thể như là: Ngành Dệt may, da giày và may mặc (6.000 - 8.000 vị trí); ngành Du lịch, khách sạn và nhà hàng (4.000 - 5.000 vị trí); kinh doanh - marketing (8.000 - 10.000 vị trí); lao động phổ thông (5000 - 7000 vị trí), tập trung ở một số vị trí nhân viên kế toán - thu ngân, nhân viên bán hàng, nhân viên dịch vụ khách hàng...

“Thị trường lao động hiện phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nếu việc kiểm soát, phòng chống dịch vẫn thực hiện tốt như hiện nay thì quý I-2021, các hoạt động giao thương với đối tác quốc tế sẽ dần được mở cửa trở lại, hoạt động lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp sẽ dần hồi phục và sôi động hơn. Điều này dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc. Số lao động bị mất việc hàng tháng sẽ có xu hướng giảm xuống ở mức 5-7 nghìn người. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng giảm xuống còn khoảng 20-25%”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, những tín hiệu tích cực về vaccine phòng dịch là tia sáng tích cực cho thị trường lao động. Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua vẫn trên đà tăng trưởng, nếu như được tiếp sức môi trường kinh tế tốt hơn thì có những ngành vẫn tăng được lao động như xây dựng, công nghiệp chế biến có thể tạo ra được cú hích lớn, hy vọng quý I-2021, thị trường lao động sáng sủa hơn.

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, thị trường lao động Việt Nam có cơ sở phục hồi tốt là bởi các ngành nghề của Việt Nam chia thành 3 nhóm nghề chính. Nhóm thứ nhất phục vụ nhu cầu nội địa; nhóm thứ 2 phục vụ liên doanh, liên kết và nhóm 3 phục vụ thị trường quốc tế. Từ 3 hệ thống nhóm ngành, có thể dự báo rằng, nhóm ngành phục vụ nhu cầu nội địa là nhóm ngành có khả năng phục hồi ở mức nhanh.

Phan Hoạt
.
.
.