Tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống rác thải nhựa

Thứ Ba, 15/12/2020, 07:57
Ngày 14/12, tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả một năm thực hiện phong trào chống rác thải nhựa.

Để giảm thiểu, chống ô nhiễm do rác thải nhựa ở Việt Nam, tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào nói không với rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, hành động giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần và chất hữu cơ khó phân hủy.

Theo Trung tâm Truyền thông và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau một năm thực hiện phong trào hạn chế rác thải nhựa, nhận thức của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp đã được nâng cao hơn rất nhiều, bước đầu đã có giải pháp, sản phẩm thay thế cho túi ni lông khó phân hủy và nhựa sử dụng một lần. 

Kết quả, nước ta đã thành lập được Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu chung là đẩy mạnh thu gom tái chế bao bì nhằm cải thiện môi trường; Liên minh không rác Việt Nam (VZWA) với các tổ chức xã hội cá nhân cam kết thực hiện và lan tỏa lối sống không rác thải.

Phong trào chống rác thải nhựa đã lan tỏa rộng khắp.

Các doanh nghiệp đã hưởng ứng chống rác thải nhựa bằng những hành động cụ thể như: Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã không sử dụng bao nilông đựng chăn mà thay bằng bao giấy; các hãng sản xuất đồ uống: La vie, Pepsi, Coca-Cola, Aquafina đã bỏ màng nhựa trên hàng tỷ nắp chai nhựa, từ đó giảm thiểu được hàng tấn ni lông ra môi trường. 

Người tiêu dùng dần thay thế túi nilông bằng gói hàng bằng lá chuối, lá sen trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều kế hoạch phòng chống rác thải nhựa triển khai đến cấp cơ sở, góp phần chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, chuyển biến trong nhận thức, hành động trong công tác phòng, chống rác thải nhựa tại nước ta vẫn còn chậm. Việc thu gom phân loại rác thải nhựa từ đầu nguồn còn gặp nhiều khó khăn do quy trình thu gom chất thải trải qua nhiều công đoạn. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn mới chỉ tập trung vào hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, chưa có giải pháp trong việc hạn chế, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, sử dụng các sản phẩm thay thế.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp truyền thông, kế hoạch triển khai các giải pháp chống rác thải nhựa tại địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Một trong những vấn đề được đặt ra là xây dựng kế hoạch, lộ trình thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải, thúc đẩy phát triển xây dựng kinh tế tuần hoàn, coi chất thải nhựa là tài nguyên. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất chuyển đổi công nghệ thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa một lần.

Bà Đào Thị Kim Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên, cho biết, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Phú Yên đã tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống rác thải nhựa đạt được nhiều kết quả thiết thực. 

Tỉnh đã ký cam kết tham gia xây dựng “Đô thị giảm nhựa” và Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa” với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), nhằm giảm thiểu 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường sau 2 năm triển khai, tiến đến không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. 

Tuy nhiên, Phú Yên đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý chất thải từ nuôi trồng thủy sản. Tỉnh hiện chỉ có hai bãi rác được chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp kết hợp đốt thủ công đang trở thành vấn đề môi trường đáng quan tâm tại địa phương.

Theo ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để phong trào chống rác thải nhựa đi vào hiệu quả, thiết thực cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần; đầu tư phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa độc hại từ hoạt động sản xuất và tiêu dùng. 

Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông cho cán bộ môi trường các bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

Phạm Cường
.
.
.