Nỗ lực chống rác thải nhựa: Dần thay đổi ý thức từ những hành động nhỏ

Thứ Năm, 11/06/2020, 08:02
Chỉ sau 1 năm phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, những hành động nhỏ khắp nơi đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp.

Dễ nhìn thấy nhất là tại các nhà hàng ăn uống, cửa hàng thời trang, nông sản… ở khắp nơi trên cả nước. Danh sách các cửa hàng xanh chia sẻ cam kết với môi trường ngày càng được nối dài với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần.

Trong các trường học, bước đầu tạo thành ý thức cho mỗi học sinh nhờ việc không còn bắt buộc phải dùng giấy nilon bọc sách, vở. Học sinh đã biết đến tác hại của chất thải nhựa, tự rèn ý thức gọn gàng, giữ gìn sách, vở, đồ dùng học tập. Phong trào vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện.

Ra đến chợ, nhiều người thay đổi khi dùng làn, túi vải để giảm thiểu phải sử dụng túi nilon dùng một lần. Vào siêu thị, các doanh nghiệp đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon. Nhiều người dân cũng đã quen với cách thức này, giảm sử dụng túi nilon, tăng mua sản phẩm dễ phân hủy. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã “nói không với rác thải nhựa” bằng việc sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa tại hội nghị, hội thảo.

Các địa phương đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với những mô hình “Ngày chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn”, “Hãy cho cá xin rác thải nhựa”, “Thử thách dọn rác”, “Thử thách thay đổi” lan truyền mạnh mẽ mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa hiện tiềm ẩn nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Lượng chất thải nhựa ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 6-12% trong chất thải rắn sinh hoạt và số lượng tăng dần theo từng năm gây "gánh nặng" cho môi trường. Trong khi đó, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn nên vẫn để lẫn các loại chất thải với nhau, trong đó có chất thải nhựa dẫn đến hiệu quả tái chế và xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.

Với kế hoạch dài hơi, từ cuối năm 2019, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến đến năm 2030 sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương. 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển. 100% khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. 100% khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo xây dựng các đề án “Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương”. Tổng cục Môi trường hoàn thiện đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam”, nhằm rà soát, đề xuất việc hoàn thiện các quy định, chính sách hiện hành, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích tái chế rác thải, rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy; tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là các địa phương có biển để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường biển…

Minh Nguyệt
.
.
.