TP HCM đề xuất thiết lập đơn vị Cảnh sát chuyên biệt bảo vệ trẻ em
Ngay trước khi vụ việc này xảy ra, UBND TP HCM đã có báo cáo tình hình trẻ em bị bạo lực và xâm hại trên địa bàn gửi đến Bộ Tư pháp để phối hợp chuẩn bị báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phục vụ Đoàn Giám sát Quốc hội.
Theo UBND TP HCM, đến tháng 6-2019, trên địa bàn thành phố có 2.052.279 trẻ em. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại và bị xâm hại tình dục (XHTD) có xu hướng gia tăng với cách thức ngày càng tinh vi.
Cụ thể, giai đoạn từ 2011 đến 2014, trên địa bàn thành phố có 691 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, XHTD. Từ năm 2015 đến tháng 6-2019, con số trẻ em bị bạo lực, xâm hại, XHTD lại tăng lên 782 (43 trẻ em trai, 739 trẻ em gái), trong đó có 695 trẻ bị XHTD. Thực tế còn nhiều gia đình đã chọn cách im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại nên ngành chức năng chưa thể thống kê đầy đủ.
Trong tổng số vụ xâm hại trẻ em nêu trên, có 6 trẻ em tử vong; 6 trẻ em bị thương tật; 14 trẻ em bị rối loạn tâm thần; 86 trẻ em có thai, 9 trẻ em phải bỏ học và 661 trẻ em bị tác động khác về thể chất, tinh thần. Từ năm 2011 đến tháng 6-2019, gần 1.000 trẻ em bị xâm hại được trợ giúp pháp lý và số lượng trẻ em bị xâm hại thực hiện giám định tư pháp trên 1.500 trẻ.
Thực hiện việc giám sát tình hình triển khai công tác phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố vừa qua của Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP HCM cho thấy, tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố gia tăng mỗi năm. Từ năm 2017 đến quý I-2019 xảy ra 170 vụ (năm 2017 là 58 vụ, năm 2018 là 77 vụ và quý I-2019 xảy ra 35 vụ), trong đó có 147 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Đến nay, Công an TP HCM đã khởi tố 144 vụ bạo lực, XHTD trẻ em đối với 148 đối tượng. Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo cơ quan Công an, nhiều trường hợp sau khi phát hiện bị xâm hại, gia đình nạn nhân không tố giác vi sợ bị tai tiếng…
Khi mâu thuẫn phát sinh thì mới đi tố cáo nên cơ quan gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu hoặc đối tượng bỏ trốn. Một số tường hợp phát hiện trễ nên khi đưa trẻ đi giám định pháp y mất dấu vết…
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết nhiều phụ huynh không dạy con những kiến thức sinh lý và các kỹ năng nhận biết, nên con không biết đâu là hành vi quấy rối, xâm hại. Do đó, việc hướng dẫn cho cha mẹ và trẻ em các kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ cũng như để trẻ tự phòng vệ là rất cần thiết.
“Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền tại các khu dân cư, trường học, các công ty có đông công nhân… để người dân nâng cao ý thức của trong việc chấp hành pháp luật và phụ huynh có thêm kiến thức bảo vệ con cái khỏi bị xâm hại”, ông Đặng Hoa Nam nói.
Phiên tòa xét xử một đối tượng xâm hại trẻ em. |
Trước tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc thiết lập các đơn vị Cảnh sát chuyên biệt về bảo vệ trẻ em. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương phải có quy định đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan LĐ-TB&XH cấp huyện đề nghị tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế; TAND cấp huyện quyết định việc chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.
Ngày 18-11, trao đổi với PV Báo CAND, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho biết, có ngày,Chi hội tiếp nhận 3 - 4 trường hợp cha mẹ đến tố cáo việc con họ bị xâm hại. Độ tuổi nạn nhân là trẻ em bị xâm hại ngày càng nhỏ, chủ yếu là bé gái.
Địa bàn phát sinh các vụ xâm hại không chỉ là nơi vắng vẻ, khu nhà trọ mà gần đây thường xảy ra ở khu vực công cộng tại chung cư, trường học, công viên… Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại không chỉ là lao động phổ thông mà có cả người có trình độ học vấn cao. Vụ việc vừa phát hiện tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội - Sở LĐ-TB&XH thành phố đang gây bức xúc trong dư luận. Do đó, cần tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi xâm hại trẻ em thì mới đủ sức răn đe.
Vẫn theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền và của người dân ở nhiều địa phương, thời gian qua chưa nghiêm; hình thức xử lý vi phạm đối với người thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ và những người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chưa kịp thời và chưa có tác dụng giáo dục, răn đe, dẫn đến biểu hiện coi thường pháp luật trong công tác bảo vệ trẻ em.