Phi công Su-30 được cứu trên biển như thế nào?
- Phi công Su-30 gặp sự cố đã về đất liền an toàn
- Một phi công Su-30 được tàu cá cứu sống
- Đưa thiết bị dò tìm hộp đen tìm tiêm kích Su-30MK2 mất tích
- Phát hiện vết dầu loang nghi tiêm kích Su-30MK2 rơi trên biển
Tại trụ sở Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn thị xã Cửa Lò (Nghệ An), kể lại thời khắc cứu sống vị thiếu tá phi công gặp nạn, ngư dân Phan Văn Lệ (trú Hà Tĩnh) cho hay khoảng 4h sáng nay, sau một đêm buông neo nghỉ trên vùng biển gần Hà Tĩnh, mọi người đang chuẩn bị nổ máy tàu đi tiếp thì nghe tiếng kêu cứu cách khoảng vài chục mét.
Nhìn ra xa, ông Lệ thấy một bóng đen, sau đó là những tiếng gọi "thuyền ơi, thuyền ơi, cứu với". "Tôi lấy đèn pin ra soi, thấy ánh sáng như lửa của que diêm quẹt phát ra từ phía bóng đen. Nhận ra có người cần cứu nạn, tôi lập tức nói anh em buông thuyền thúng, thả neo xuống cứu người", ông Lệ nhớ lại.
Ngư dân Phan Văn Lệ kể lại thời khắc cứu thiếu tá Cường. |
Kéo được người lên thuyền, biết đó là thiếu tá Nguyễn Hữu Cường - phi công gặp nạn trên chiếc Su-30 báo chí vừa đưa tin, mọi người đều vui mừng.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (anh trai thiếu tá Cường) kể thêm, hôm qua khi nhận tin em trai gặp nạn, ông cùng 4 người trong gia đình đi từ thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) xuống đơn vị anh Cường công tác, sau đó vào thị xã Cửa Lò (Nghệ An).
"Khoảng 4h30 sáng nay, nhận được tin có ngư dân đã cứu được em, tôi mừng vui không gì tả được", anh Mạnh nói và lấy tay quệt dòng nước mắt đang lăn dài trên gò má.
Một cán bộ Bộ đội Biên phòng trực tiếp tham gia đưa thiếu tá Cường vào bờ cho biết, lúc tiếp cận vị trí thuyền ngư dân, anh thấy thiếu tá Cường và mọi người nằm trên thuyền trong trạng thái mệt mỏi. Anh cùng vài người đã nhảy xuống bồng thiếu tá Cường lên thuyền lớn của quân đội.
"Sau vài cuộc trò chuyện ngắn gọn, anh Cường kể rằng lúc máy bay gặp sự cố, cả hai phi công nhảy cùng một lúc và đều thấy nhau. Khi rơi xuống nước, hai người cách nhau khoảng 3 lý", anh này thuật lại và cho biết thêm thượng tá Trần Quang Khải được xác định rơi ở vùng biển Hà Tĩnh.
Chiều và đến tối 15/6, việc tìm kiếm thiếu tá Khải vẫn được các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An triển khai. Theo ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, địa phương điều động 56 tàu (trong đó 3 tàu của Bộ chỉ huy quân sự, 3 tàu của Bộ đội biên phòng), số còn lại là tàu cá của ngư dân tại 5 huyện ven biển. Trên mỗi tàu cá này, ngoài các ngư dân còn có cán bộ biên phòng đi kèm để phối hợp tìm kiếm.
Thiếu tá Cường (giữa) được đưa vào bờ an toàn lúc 13h30' ngày 15/6. Ảnh: Đức Hùng |
Nhà chức trách Nghệ An đã tặng quà động viên ngư dân Phan Văn Lệ trong việc tích cực hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Dự kiến sáng mai, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh sẽ trao quà, tặng một số nhiên liệu như xăng dầu… để ủng hộ tinh thần ngư dân Lệ bám biển vươn khơi.
Chiều 15/6, cuộc họp của Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn dưới sự chủ trì của thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đã nêu quyết tâm dồn sức tìm kiếm thượng tá Khải và dấu vết chiếc Su-30.
Cũng tại trụ sở Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, thiếu tá Cường ngay sau khi được đưa từ tàu lên xe quân sự đã được di chuyển về đây nghỉ ngơi và dự cuộc họp bàn phương án tìm đồng đội.
Lực lượng chức năng họp bàn phương án triển khai tìm kiếm. |
Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 bỗng biến mất khỏi màn hình radar khi đang trên vùng biển phía đông Nghệ An. Nguyên nhân chưa được xác định.