Mang thai hộ phải cùng huyết thống với vợ hoặc chồng

Thứ Ba, 17/03/2015, 08:03
Người mang thai hộ phải có cùng huyết thống đối với chồng, hoặc vợ trong phạm vi 3 đời và phải cùng hàng. Qui định này không có gì mới vì các nước cũng đã làm, để tránh thương mại việc mang thai hộ. Còn qui định cùng hàng là để tránh tình trạng mẹ mang thai hộ con, bà mang thai hộ cháu. Bởi vấn đề này liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội do quan niệm người nào mang thai là mẹ.

Vấn đề mang thai hộ (MTH) đã chính thức được pháp luật bảo hộ từ ngày 15/3/2015, bằng việc có hiệu lực của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP “Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”. Đây là vấn đề rất lớn, mang tính xã hội, đang được nhiều người quan tâm, bởi mỗi năm, nước ta có tới 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Vì thế những gia đình hiếm muộn đã đón nhận thông tin này với nhiều hy vọng.

Hiện, cả nước có 19 bệnh viện (BV) đã được Bộ Y tế cho phép thụ tinh trong ống nghiệm và đều đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như khả năng thực hiện kỹ thuật MTH. Tuy nhiên, chỉ có ba BV được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, là: BV Phụ sản Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế và BV Phụ sản Từ Dũ TP HCM.

Nhiều em bé ra đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm là cơ sở cho việc mang thai hộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, việc hạn chế mở rộng cơ sở thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là vì: Việc qui định chỉ có 3 BV được làm do vấn đề mang thai hộ còn mới, rất phức tạp và nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người: người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ và liên quan trực tiếp đến số phận của đứa trẻ sinh ra có thể có các hệ lụy về sau đối với các bên liên quan, ảnh hưởng về mặt huyết thống, quan hệ, tình cảm.

Mặt khác, nhu cầu đòi hỏi làm kỹ thuật mang thai hộ không nhiều như thụ tinh trong ống nghiệm, nên chỉ cho phép 3 BV của Nhà nước mang tính đại diện khu vực thực hiện để tránh tình trạng thực hiện mang thai hộ tràn lan, biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Việc quy định 3 BV được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ trong giai đoạn đầu là để cơ quan quản lý có thể tổng kết, rút kinh nghiệm và quản lý tốt hơn vấn đề này. Nếu nơi nào ngoài 3 bệnh viện trên mà làm là vi phạm.

Tuy nhiên, sau một năm thí điểm, Bộ Y tế có thể sẽ bổ sung số cơ sở y tế thực hiện được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Nhiều người cho rằng, khi Luật đã cho phép thì bất cứ ai cũng có thể mang thai hộ được. Tuy nhiên,  theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thì việc mang thai hộ có những qui định rất chặt chẽ, nhằm giảm thiểu những rủi ro cho cả cặp vợ chồng có nhu cầu mang thai hộ lẫn người mang thai hộ.

Về phía người mang thai hộ phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Đó là phải đang ở độ tuổi sinh đẻ, được khám sức khỏe và có khả năng mang thai hộ. Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt chẽ việc mang thai hộ, nhằm ngăn chặn vấn đề thương mại hóa vốn là điều luôn được lo ngại nhất.

Do đó, người mang thai hộ phải có cùng huyết thống đối với chồng, hoặc vợ trong phạm vi 3 đời và phải cùng hàng. Qui định này không có gì mới vì các nước cũng đã làm, để tránh thương mại việc mang thai hộ. Còn qui định cùng hàng là để tránh tình trạng mẹ mang thai hộ con, bà mang thai hộ cháu. Bởi vấn đề này liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội do quan niệm người nào mang thai là mẹ.

Người mang thai hộ nếu có chồng, cũng phải được người chồng đồng ý, nhưng cũng chỉ được phép MTH một lần, vì 99% trường hợp mang thai hộ phải mổ lấy thai để đảm bảo an toàn, cũng như để đảm bảo sức khỏe, tính mạng người mẹ. Thông tin về người mang thai hộ sẽ được lưu trữ trên máy tính và kết nối dữ liệu với các trung tâm khác, tránh việc người mang thai hộ đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký.

Cũng theo TS. Nguyễn Huy Quang, không chỉ người mang thai hộ, mà người nhờ mang thai hộ cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định: Là người không có khả năng mang thai và đã được cơ sở y tế xác định nguyên nhân bệnh lý là không mang thai được.

Ngoài ra, các BV được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng phải có Hội đồng tư vấn độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm về lĩnh vực chuyên môn, gồm nhiều chuyên gia: Chuyên gia về y tế giúp xác định người nhờ mang thai hộ bị vô sinh, cũng như xác định người mang thai hộ có khả năng mang thai hay không. Các BV còn phải có chuyên gia luật để xác định tính pháp lý của việc mang thai hộ, để đảm bảo 2 bên tự nguyện, cùng huyết thống, cùng hàng và có thỏa thuận giữa 2 bên.

Ngoài ra, các BV này còn phải có chuyên gia tâm lý để giúp đỡ cho cả người nhờ và người mang thai hộ, tư vấn trước những vấn đề tâm lý sẽ và có thể diễn ra trong quá trình sinh nở, hay những rủi ro có thể xảy ra, như tai biến sản khoa, tử vong vv…

Việc mang thai hộ phải được thông qua bản thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ trên cơ sở cùng tự nguyện cam kết với nội dung: Người mang thai hộ chỉ là người đẻ thuê, con là của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Đứa bé được bàn giao cho vợ chồng nhờ mang thai hộ ngay khi sinh ra để đi làm giấy khai sinh. Về cả pháp lý lẫn sinh học, đứa bé là con của người nhờ mang thai hộ, chứ không phải của người mang thai hộ.

Thanh Hằng
.
.
.