TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế):

Mang thai hộ chỉ được thực hiện trong cùng huyết thống và cùng hàng

Chủ Nhật, 27/07/2014, 12:45
Dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo, dự kiến sẽ được triển khai từ 1/1/2015, đang thu hút sự quan tâm của dư luận, khi sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người có hoàn cảnh đặc biệt, trong bối cảnh tỷ lệ vô sinh ở ta hiện đang chiếm khoảng 13%.

Để tìm hiểu kỹ hơn các vấn đề xung quanh quy định MTH này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

- Thưa ông, thực tế về vấn đề hiếm muộn hiện nay như thế nào để dẫn đến quy định về MTH ra đời?

TS. Nguyễn Huy Quang: Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tỉ lệ vô sinh và trục trặc vô sinh ở nước ta đang gia tăng. Nhiều phụ nữ không tự mang thai và sinh nở được, do không có tử cung, hoặc tử cung bị dị tật, hay bị bệnh tim và các bệnh lý khác, không đảm bảo trong quá trình mang thai và sinh nở, nhưng họ và gia đình, dòng họ lại mong muốn có một đứa con mang dòng máu của vợ chồng họ. Đây là đòi hỏi chính đáng, cũng là nền tảng giữ gìn hạnh phúc gia đình của họ. Trong khi đó, chúng ta lại đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật này. Vì MTH cũng giống như kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Nhưng do chúng ta không có cơ sở pháp lý cho phép MTH, đã dẫn tới tình trạng những cặp vợ chồng hiếm muộn đi thuê người đẻ hộ. Những cơ sở thực hiện kỹ thuật MTH không đủ điều kiện và năng lực để xác định những trường hợp này là MTH vì tính nhân đạo, hay là thương mại. Xuất phát từ chính sách nhân văn của Nhà nước, nên Việt Nam đã quyết định cho phép MTH.

- Để MTH cho người hiếm muộn, chắc hẳn, người MTH cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định, thưa ông?

TS. Nguyễn Huy Quang: Trong việc MTH, có 3 đối tượng: cặp vợ chồng có nhu cầu MTH, người MTH và cơ sở khám, chữa bệnh. Luật quy định rõ, MTH phải vì mục đích nhân đạo và cấm đẻ thuê.

Vợ chồng có nhu cầu MTH phải là người không có khả năng mang thai và đã được cơ sở y tế xác định nguyên nhân bệnh lý là không mang thai được.

Còn với người MTH, luật quy định người MTH phải được khám sức khỏe, có khả năng MTH được, đang ở độ tuổi sinh đẻ và được cơ sở khám, chữa bệnh xác định. Để tránh việc đẻ thuê, qui định người MTH phải có cùng huyết thống đối với chồng, hoặc vợ trong phạm vi 3 đời và cùng hàng. Quy định cùng huyết thống các nước cũng đã làm, nhằm tránh thương mại việc MTH, Quy định cùng hàng để tránh tình trạng mẹ MTH con, bà MTH cháu, vì liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội do quan niệm người nào mang thai là mẹ. Người MTH nếu có chồng, phải được chồng đồng ý và cũng chỉ được phép MTH một lần. Dĩ nhiên, cặp vợ chồng nhờ MTH và người MTH phải cùng tự nguyện, thông qua cam kết và ký hợp đồng dân sự.

Đối tượng thứ 3 trong việc MTH là cơ sở KCB, là BV phụ sản hoặc BV đa khoa có khoa sản, nhưng phải đủ điều kiện và được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mới được thực hiện. Cơ sở này phải có Hội đồng tư vấn độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm về lĩnh vực chuyên môn, gồm: Chuyên gia về y tế giúp xác định cặp vợ chồng muốn MTH bị vô sinh; người MTH có khả năng mang thai hay không; chuyên gia luật để xác định tính pháp lý của việc MTH: 2 bên tự nguyện, cùng thuyết thống, cùng hàng và có nội dung thỏa thuận giữa 2 bên, xác định đúng là MTH; chuyên gia tâm lý giúp chuẩn bị tâm lý cho cả người nhờ và người MTH, xác định trước những vấn đề tâm lý diễn ra trong quá trình sinh nở, những rủi ro có thể xảy ra, như tai biến sản khoa, tử vong v.v…

Khi Hội đồng tư vấn làm xong các phần việc với người MTH và người nhờ MTH, thì cơ sở y tế mới quyết định thực hiện kỹ thuật MTH. Việc tiến hành chặt chẽ không chỉ đảm bảo cho hệ quả pháp lý phát sinh với cả cặp vợ chồng nhờ MTH, người MTH, mà còn tránh được việc đẻ thuê.

TS. Nguyễn Huy Quang.

- Thưa ông, BV thực hiện kỹ thuật MTH cần những điều kiện gì?

TS. Nguyễn Huy Quang: Kỹ thuật MTH, bản chất là thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện, cả nước có 19 BV được Bộ Y tế cho phép thụ tinh trong ống nghiệm và đều đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như khả năng thực hiện kỹ thuật MTH. Sau 10 năm, riêng BV Từ Dũ và BV Phụ sản TW đã cho ra đời 10.000 cháu bé theo phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Tuy nhiên, dù cả 19 BV đều đủ điều kiện về kỹ thuật, nhưng đòi hỏi phải có Hội đồng tư vấn để kiểm soát việc MTH đúng pháp luật. Vì thế, Bộ Y tế có 2 phương án: Một là cho cả 19 BV được phép thụ tinh trong ống nghiệm thực hiện kỹ thuật MTH, sẽ làm tăng khả năng tiếp cận. Nhưng việc kiểm soát đẻ thuê sẽ khó khăn, vì các BV đều muốn có nhiều bệnh nhân, nên có thể bỏ qua các trường hợp chưa đủ điều kiện để MTH và sẽ phát sinh các hệ lụy sau đó xã hội cần phải giải quyết. Hai là chỉ chọn 3 đơn vị đại diện cho 3 miền, vì nhu cầu đòi hỏi làm kỹ thuật MTH cũng không nhiều như thụ tinh trong ống nghiệm. Mà với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ, số lượng người MTH sẽ không nhiều. Do đó, việc tổ chức Hội đồng tư vấn và các điều kiện MTH sẽ dễ kiểm soát.

Bộ Y tế nghiêng về phương án 2 với 3 BV được chọn là BV Phụ sản TW, BV Từ Dũ, BV ĐK Trung ương Huế.

- Bên cạnh các quy định chặt chẽ, Bộ Y tế sẽ có các giải pháp gì, nhằm ngặn chặn việc đẻ thuê trong chủ trương MTH vì mục đích nhân đạo?

TS. Nguyễn Huy Quang: MTH là vấn đề 3 bên: vợ chồng muốn nhờ MTH, người MTH và phải thông qua cơ sở y tế được phép. Đây chính là ràng buộc để tránh đẻ thuê. Những điều kiện đã được luật quy định rất chặt chẽ, khó có thể tiêu cực. Nếu BV nào để xảy ra việc “đẻ thuê”, thì phải chịu trách nhiệm: người trực tiếp làm sẽ bị kỷ luật, thậm chí, tước chứng chỉ, hoặc đình chỉ bộ phận làm sai của BV đó. 

- Khi đã thực hiện MTH theo quy định, việc xác định con là của ai rất quan trọng. Vì theo đạo lý, thì người MTH là mẹ, nhưng về mặt sinh học, đứa bé là con của cặp vợ chồng nhờ MTH. Đó là chưa kể, việc xác định còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như thừa kế?

TS. Nguyễn Huy Quang: Khi MTH, giữa bên nhờ và bên MTH phải có hợp đồng dân sự với nội dung: người MTH chỉ là người đẻ thuê, con là của cặp vợ chồng nhờ MTH. Ngay khi sinh ra, đứa bé được bàn giao cho vợ chồng nhờ MTH để đi làm giấy khai sinh. Như vậy, về mặt pháp lý và sinh học, đứa bé đều là con của cặp vợ chồng nhờ MTH.

- Đứa trẻ được nhờ MTH có chịu ảnh hưởng về sức khỏe, các yếu tố di truyền như chiều cao, nhan sắc của người MTH, hay chịu ảnh hưởng từ bố mẹ thật sự của bé?

TS. Nguyễn Huy Quang: Về y tế, đứa bé được nhờ MTH mang gen của cặp vợ chồng đã nhờ MTH, chứ không phụ thuộc vào người MTH. Tuy nhiên, trong quá trình MTH, sức khỏe của người MTH cũng ảnh hưởng đến đứa bé.

- Nếu sau khi đứa bé được sinh ra, xảy ra vấn đề tranh chấp như, người mẹ quá nặng lòng sau thời gian mang thai, không muốn trả con; hay cặp vợ chồng nhờ MTH ly hôn, hoặc một người chết, hay đứa bé bị dị tật, nên không muốn nhận lại đứa bé họ đã nhờ MTH, thì sao?

TS. Nguyễn Huy Quang: Điều này cũng đã được luật tính đến, do đó, mọi tranh chấp phát sinh sau khi đứa bé ra đời, đều căn cứ vào Hợp đồng dân sự giữa 2 bên đã lập trước đó với sự tư vấn pháp lý của chuyên gia pháp lý, để thỏa thuận kỹ các chi tiết như chế độ nuôi dưỡng, chế độ chăm sóc trước, trong và sau sinh, cùng những rủi ro có thể gặp phải vv…

- Cảm ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.