Khi người dân hợp tác bảo vệ rừng

Thứ Ba, 09/01/2018, 08:24
Trên địa bàn huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian gần đây xảy ra vấn đề tranh chấp, lấn chiếm đất rừng gây mất ANTT tại địa phương.


Trước tình hình đó, chính từ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an huyện Ba Tơ và chính quyền địa phương đã vận động hàng chục người lấn chiếm trái phép đất rừng thay đổi nhận thức, trở thành những người tham gia trồng, bảo vệ diện tích rừng đã lấn chiếm trước đó…

Điển hình, anh Phạm Văn Đạt (28 tuổi, trú thôn Nước Y, xã Ba Vinh, Ba Tơ), cùng với hơn 10 hộ dân khác tại địa phương đã lấn chiếm gần 20ha đất rừng ở khu vực Đồi Gò Tía, thôn Gò Tía, xã Ba Vinh, của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ (Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ).

Hàng chục héc-ta đất rừng ở xã Ba Vinh bị lấn chiếm nay được người dân nhận trồng, chăm sóc.

Mặc dù Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ và chính quyền xã nhiều lần họp để xử lý vụ việc nhưng vẫn không đạt kết quả. Công an huyện Ba Tơ cử các tổ công tác về cơ sở nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động, giải thích cho hộ anh Đạt và bà con hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác quản lý, bảo vệ rừng của người dân.

Từ đó, gia đình anh Đạt và các hộ đã thay đổi nhận thức, cam kết không tranh chấp và đăng ký tham gia nhận rừng của Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ để trồng và bảo vệ.

Anh Đạt nói: “Khi  Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ vừa khai thác gỗ keo xong, người dân trong thôn Gò Tía rủ nhau lên chiếm đất để trồng keo. Rất nhiều lần chính quyền địa phương và đại diện Công ty đến vận động gia đình tôi cùng bà con nhổ cây, trả lại đất nhưng không được. Sau đó, Công an huyện trực tiếp xuống tại thôn chúng tôi làm việc với từng hộ và tổ chức đối thoại với Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ về việc trả lại đất rồi đề cập vấn đề chúng tôi sẽ nhận hợp đồng với công ty này làm nhiệm vụ bảo vệ, trồng trên diện tích đất trên thì chúng tôi đồng ý trả lại đất đã chiếm”.

Tại huyện Ba Tơ đã có hơn 20 người dân từ chiếm đất rừng trái phép đã chuyển sang hợp đồng trồng, bảo vệ rừng của các đơn vị quản lý rừng.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân là do đã nhiều năm qua, chính quyền cơ sở chậm xác định ranh giới pháp lý đất đã giao cho người dân và đất của Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ nên dẫn đến tranh chấp. Đáng nói, nhiều vụ tranh chấp phức tạp dẫn đến đánh nhau, gây mất ANTT.

Ông Phạm Mân, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ cho biết: “Vụ việc chiếm đất rừng đã làm tình hình ANTT phức tạp. Nhờ lực lượng Công an Ba Tơ vào cuộc vận động, tuyên truyền người dân thì việc chiếm đất đã được giải quyết ổn thỏa”.

Cũng theo ông Phạm Mân, hàng chục héc-ta đất lâm nghiệp bị chiếm nằm vị trí địa hình hiểm trở gây khó khăn trong việc quản lý, chăm sóc của nhân viên Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ.

“Bây giờ những người trước đây chiếm đất trồng cây lại ký hợp đồng với chúng tôi nhận chăm sóc, trồng cây trên diện tích đó là điều chúng tôi rất mừng. Giao khoán cho họ trồng, chăm sóc, thu hoạch sẽ thuận lợi đôi bên”, ông Mân bày tỏ.

Kinh nghiệm từ kết quả trên cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động, sâu sát từ cơ sở đã giúp cho cán bộ Công an huyện Ba Tơ thuyết phục được người dân chấp hành theo quy định, pháp luật của Nhà nước và tham gia bảo vệ rừng, góp phần ổn định bền vững việc phát triển rừng và đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Thành Sự
.
.
.