Lỗ hổng trong quản lý, bảo vệ rừng

Thứ Bảy, 30/09/2017, 09:43
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh “đóng cửa rừng” tự nhiên, song tại một số địa phương trong cả nước như Quảng Nam, Nghệ An, Bình Định,… tình trạng phá rừng, chủ yếu để lấy đất sản xuất, vẫn diễn ra. Vì sao?

Còn nhớ, hơn 1 năm trước, vào tháng 7-2016, không chỉ dư luận tại Quảng Nam mà dư luận cả nước “sốt xình xịch” dõi theo từng biến động liên quan trong vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Bởi đây không chỉ là vụ phá rừng có quy mô lớn, mà còn diễn ra ở địa bàn biên giới, nơi được canh phòng cẩn mật và "bất khả xâm phạm". 

Về vụ phá rừng này, Văn phòng Chính phủ đã phát đi công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật.

Và đến nay, nhiều cá nhân liên quan, trong đó có cả cán bộ Biên phòng đã và đang bị xử lý kỷ luật, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ phá rừng pơ mu tại Nam Giang.

Vụ phá rừng pơ mu ở biên giới huyện Nam Giang vừa lắng xuống thì nay, dư luận tại Quảng Nam lại xôn xao về vụ hàng trăm héc-ta rừng tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước bị chặt hạ để lấy đất trồng keo.

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xác minh, làm rõ, báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trước ngày 31-10-2017.

Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam, cho biết từ năm 2010 đến ngày 15-9-2017, bước đầu cơ quan chức năng xác định có khoảng 125ha rừng tại xã Tiên Lãnh đã bị đốn hạ. Riêng trong năm 2017 có gần 24ha rừng bị đốn hạ để lấy đất sản xuất.

Điểm đáng chú ý, theo người đứng đầu ngành NN&PTNN tỉnh Quảng Nam thì cần làm rõ chủ mưu phía sau các vụ phá rừng xảy ra tại xã Tiên Lãnh, cụ thể như vụ ông Phùng Văn Bảy (trú xã Tiên Lãnh) thuê người dân phá rừng để trồng keo tại khoảnh 5, Tiểu khu 556 thuộc xã Tiên Lãnh. “Ông Bảy là hộ nghèo, 1 vợ 3 con thì lấy tiền đâu ra mà thuê đến 7 người đi phá rừng? Vậy có ai đứng đằng sau ông Bảy không?”, ông Đức đặt nghi vấn.

Để tình trạng phá rừng diễn ra trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để, ông Đức cho rằng bên cạnh nguyên nhân chính quyền cơ sở và kiểm lâm địa bàn chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác quản lý, bảo vệ rừng còn tồn tại nhiều bất cập. Chính vì lẽ đó mà tình trạng phá rừng ở xã Tiên Lãnh mới kéo dài từ năm này qua năm khác như vậy.

Ông Lê Trí Thanh thẫn thờ chứng kiến 1 cánh rừng bị tàn phá ở Tiên Phước.

Còn ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người đã từng băng bộ đường rừng hàng giờ đồng hồ kiểm tra thực tế vụ phá rừng pơ mu ở Nam Giang, thì vừa qua lại tiếp tục nhiệm vụ kiểm tra thực địa vụ phá rừng tại xã Tiên Lãnh với một tâm trạng chua xót.

Sau đợt kiểm tra hiện trường phá rừng tại Tiên Lãnh, ông Lê Trí Thanh đã chỉ rõ những mặt tồn tại của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo vệ rừng. 

Trong đó, đối với Ban quản lý trồng rừng Tiên Phước có trách nhiệm ký hợp đồng với nhóm hộ nhưng chưa chặt chẽ, chủ quan, thiếu kiểm tra, giám sát; công tác nghiệm thu để thực hiện thanh toán chi dịch vụ bảo vệ rừng cho nhóm hộ rất chậm. 

Riêng UBND xã Tiên Lãnh là đơn vị quản lý tài nguyên trên địa bàn nhưng có dấu hiệu buông lỏng quản lý; công tác tuyên truyền cho nhân dân, nắm bắt thông tin chưa kịp thời, chậm xử lý khi phát hiện hành vi phá rừng…

Đồng thời, ông Thanh yêu cầu Cơ quan điều tra phải làm rõ những tổ chức, cá nhân liên quan đến các vụ phá rừng ở Tiên Lãnh để xử lý nghiêm, dù đó bất kể là ai, ở cương vị nào.

Tin tưởng rằng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh Quảng Nam, các cơ quan chức năng sẽ sớm đưa những đối tượng liên quan trong vụ phá rừng ở Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước ra xử lý nghiêm minh theo quy định.

Điều quan trọng hơn, để không tái diễn các hành vi phá rừng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thông tin chúng tôi có được thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đang hoàn thiện đề án “Theo dõi diễn biến rừng qua hệ thống ảnh viễn thám và máy tính bảng” nhằm cập nhật liên tục hiện trạng rừng để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi tác động trái phép vào rừng, đất rừng và gây ra những thiệt hại về tài nguyên rừng khi vừa xảy ra.

Bên cạnh việc hiện đại hóa công tác giám sát diễn biến rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam còn đề xuất Quy chế phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng với chính quyền địa phương nhằm quy chế hóa chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên theo tinh thần Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.
Ngọc Thi
.
.
.