Ngành Công nghiệp chế tạo vi mạch và những thách thức

Thứ Năm, 09/11/2017, 16:41
Diễn đàn khoa học cảm biến năm 2017 đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh trong 2 ngày 8 và 9-11 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều diễn giả khoa học trong và ngoài nước, với 2 nội dung: “Các chính sách cho việc phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor”; và “Các ứng dụng của MEMS/Sensor hướng đến thị trường”. 


Tại đây, những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cảm biến như: Ông Roger Grace - Chủ tịch Hiệp hội  RGA; ông Tom Nguyen - Giám đốc điều hành DuAn Sensing...đã cùng nhau trao đổi với các nhà khoa học tại Việt Nam về các giải pháp trong hợp tác cũng như tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ MEMS/Sensor trong công nghiệp và trong đời sống.

Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, chương trình phát triển công nghiệp vi mạch được triển khai tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2012 dựa vào nhiều thế mạnh vốn có. 

Nhất là dựa vào nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đang được đào tạo, làm việc tại thành phố và các chuyên gia đầu ngành từ các nước trên thế giới đến thành phố làm việc, sinh sống. TP cũng vốn là một địa bàn có tính chủ động, tiên phong và đột phá trong tư duy phát triển cũng như ứng dụng công nghệ trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Nhiều  diễn giả trong và ngoài nước cùng tham dự tại diễn đàn khoa học.

Tại diễn đàn, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP, ông Dương Anh Đức cho biết, trong giai đoạn 2013 – 2017, sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến đã đạt được những kết quả bước đầu. Trong đó, nguồn kinh phí đã cấp cho 18 đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm là trên 68 tỷ đồng. Trong đó có việc sản xuất Chop vi xử lý bit RISC thương mại SG – 8V1. 

Đây cũng là sản phẩm chíp vi xử lý đầu tiên của Việt Nam được chính thức đưa ra thương mại có khả năng cạnh tranh về giá lẫn tính năng. Đồng thời, đào tạo gần 500 chuyên viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đáp ứng một phần nhu cầu về nhân lực của các công ty trong nước.

Ông Tom Nguyen - Giám đốc Điều hành DunAn Sensing (Việt kiều Mỹ) cũng đưa ra một nhận định rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp vi mạch như thị trường tiêu thụ lớn, quốc gia có mức tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động trẻ được học hành bài bản, có các cụm công nghiệp… Tuy nhiên, vấn đề thách thức lớn nhất trong phát triển công nghiệp vi mạch là nhu cầu lớn nên cũng có thể gây ra thảm họa. Vì vậy, công nghệ đưa ra phải đảm bảo chi phí thấp, giá thành hợp lý. Mặt khác, cần có sự cam kết từ Chính phủ và các bên tư nhân. Cụ thể, Chính phủ ngoài việc cấp vốn cần tạo môi trường sản xuất.

Cũng theo TS. Lê Hoài Quốc – trưởng ban Khu Công nghệ cao thành phố, hiện nay, trên thế giới có một cuộc đua mạnh mẽ trên lĩnh vực công nghệ vi mạch, bán dẫn. Ở Việt Nam và TP Hồ Chí Minh đã có chính sách về phát triển công nghiệp vi mạch. Bên cạnh đó, thành phố cũng có chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất cho món vay không quá 100 tỷ đồng tiền lãi trong vòng 7 năm do thành phố trả. 

Thế nhưng, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ. Đó là việc cạnh tranh về giá thành sản phẩm với các nước trong khu vực và thế giới; việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là đối với những ý tưởng, phát minh mới còn hạn chế nên không thúc đẩy được sự sáng tạo; sự phát triển nhanh về công nghệ cũng là nguy cơ dễ dẫn đến các sản phẩm nhanh chóng bị lạc hậu nếu không có sự thay đổi nhanh chóng. 

Các sản phẩm vi mạch của Việt Nam phải hướng vào chất lượng là chính yếu. Ngoài ra, muốn có một thị trường trong nước phát triển thì phải đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là có sự hỗ trợ ý tưởng mới trong việc thiết kế và thương mại hóa sản phẩm vi mạch. 

H.Nga-Q.Huy
.
.
.