Hà Nội tổng kiểm tra sử dụng công năng tầng hầm tại các tòa nhà cao tầng

Thứ Năm, 19/03/2015, 08:42
Ngay sau vụ việc hàng chục người bị ngạt thở và ngất xỉu tại Trung tâm thương mại Big C The Garden (quận Nam Từ Liêm) vừa qua, thành phố Hà Nội đã ngay lập tức thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi thực tế các tòa nhà cao tầng trên địa bàn thành phố (TP). Ngay ngày đầu tiên (18/3), đã có nhiều sai phạm sử dụng sai công năng tầng hầm để xe được phát hiện.
Phổ biến là hiện tượng tận dụng tầng hầm để kinh doanh siêu thị, nhà hàng. Theo công năng thiết kế, phần lớn các tầng hầm của tòa nhà cao tầng được sử dụng làm nơi trông giữ xe cho cán bộ nhân viên và khách đến giao dịch, làm việc tại các văn phòng trong các tòa nhà đó. Tuy nhiên, rất nhiều tòa nhà, chủ sở hữu không thực hiện đúng thiết kế trên.

Đơn cử, khi đoàn kiểm tra đến tòa nhà 9 tầng ở địa chỉ 51 Lê Đại Hành, là Trung tâm thương mại Vân Hồ, tại đây, toàn bộ diện tích 420m2 tầng hầm lại được tận dụng để cho thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, với 3 tầng được sử dụng để kinh doanh siêu thị, và các tầng khác cho thuê văn phòng, số người làm việc tại trung tâm này rất lớn. Và chỗ để xe của Trung tâm thương mại Vân Hồ là phần lớn diện tích vỉa hè bao quanh tòa nhà, để trông giữ hơn 220 xe máy của nhân viên.

Có tầng hầm để xe, nhưng toàn bộ xe máy của nhân viên tòa nhà 51 Lê Đại Hành được để trên vỉa hè.

Tương tự, tại tòa nhà Tungshing Square số 1 Hàng Vôi (quận Hoàn Kiếm) cao 12 tầng. Do lịch sử để lại, tòa nhà được xây dựng cách đây 20 năm nên không được thiết kế hầm để xe. Vì thế, xe của nhân viên và khách ra vào tòa nhà được gửi ở địa chỉ sát cạnh, cũng có cổ phần của Tập đoàn Tungshing là Công ty TNHH FTC Tungshing (Liên doanh giữa Tập đoàn Tungshing (Hồng Kông) và Công ty CP Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà). Tòa nhà này có khu vực để xe là hai tầng với diện tích 648m2 và xấp xỉ 300m2 cho hãng ôtô Mercedes thuê làm khu vực trưng bày xe. Hai bên vỉa hè trước cửa tòa nhà đang được tận dụng để trông giữ xe máy. 

Với những sai phạm tại 51 Lê Đại Hành, theo Thượng úy Nguyễn Tuấn Dương, Phó đội trưởng Đội hướng dẫn kiểm tra, an toàn phòng chống cháy nổ (PCCC), Phòng hướng dẫn chỉ đạo về PCCC, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, công tác PCCC tại đây cũng có nhiều sai phạm nghiêm trọng như không xuất trình được hồ sơ, văn bản thẩm duyệt về PCCC, phương án PCCC đã quá cũ theo quy định hiện hành... Thêm nữa, tín hiệu báo cháy bị ngắt, hệ thống báo cháy sai.

“Trong trường hợp xảy ra cháy nổ tại tầng hầm thì cán bộ, nhân viên đang làm việc trên các tầng khác của tòa nhà cũng không nhận được tín hiệu báo cháy. Cháy ở tầng hầm nhưng báo cháy ở tầng 1.

Đáng nói, vị trí chỉ dẫn thoát nạn khi có sự cố đặt sai. Nếu có sự cố xảy ra phải chỉ dẫn thoát nạn ra cửa nhưng chỉ dẫn tại tầng hầm lại báo chạy vào khu điện hạ thế”, Thượng úy Nguyễn Tuấn Dương nhận định.

Ngọc Yến
.
.
.