Thực tế đáng ngại từ Bình Dương:

Gia tăng người nhiễm HIV do quan hệ tình dục đồng giới

Thứ Năm, 05/11/2020, 09:52
“Chưa có vaccine và thuốc điều trị khỏi bệnh HIV/AIDS, do vậy khi bị mắc căn bệnh thế kỷ này, người bệnh phải điều trị suốt đời. Thế nhưng, số người nhiễm HIV ở tỉnh Bình Dương hiện nay tăng cao, nhiều nhất là ở những người đồng giới nam”.

Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương đã bày tỏ sự lo ngại và cho biết như thế tại cuộc làm việc với PV Báo CAND mới đây.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương), số người nhiễm HIV tích lũy còn sống quản lý được hiện tại là 4.180 trường hợp, trong đó người Bình Dương là 2.066 (chiếm tỷ lệ gần 50%), số còn lại là người từ nơi khác đến; số nhiễm mới phát hiện 9 tháng đầu năm 2020 là 617 trường hợp, trong đó 115 người có hộ khẩu Bình Dương, 502 người hộ khẩu ngoại tỉnh đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương.

Bác sĩ Cơ sở điều trị Methadone TP Thủ Dầu Một tư vấn và phát thuốc cho người bị HIV.

“Xu hướng bệnh lây qua đường tiêm chích ma túy ngày càng giảm, nhưng lây qua đường quan hệ tình dục tăng cao, nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). 9 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ MSM trên tổng số dương tính mới được phát hiện chiếm hơn 70%”.

Tại cuộc làm việc với PV Báo CAND vào ngày cuối tháng 10-2020, ông Nguyễn Kiều Uyên, Phó giám đốc CDC Bình Dương cho biết thêm, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh tăng cường tư vấn xét nghiệm tại các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, các cơ sở y tế; tư vấn xét nghiệm lưu động tại cộng đồng có sự tham gia của tổ chức những người nhiễm HIV, các nhóm có nguy cơ cao; tự xét nghiệm HIV bằng dịch miệng.

Ngành chức năng cũng tăng cường các hoạt động can thiệp dự phòng (như phát bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm sạch), triển khai điều trị nhanh cho người mới khẳng định nhiễm HIV và cấp thuốc nhiều tháng cho bệnh nhân đang điều trị ổn định; thực hiện chương trình điều trị dự phòng bằng thuốc trước phơi nhiễm HIV (PrEP); chương trình điều trị bằng chất gây nghiện thay thế (Methadone); nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhóm CBO (xét nghiệm tại cộng đồng, giới thiệu chuyển gửi dịch vụ điều trị trước phơi nhiễm, methdone, phát hiện ca nhiễm mới); các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử tại các cơ sở tư vấn và điều trị HIV/AIDS; cung cấp tờ rơi, pano, áp phích,… tại các điểm tụ tập đông dân cư và các khu công nghiệp.

Đặc biệt, truyền thông trực tiếp, truyền thông nhóm nhỏ, đẩy mạnh vai trò của nhóm đồng đẳng và tư vấn viên cộng đồng. Ngành chức năng triển khai điều trị nhanh cho người mới nhiễm nên tỷ lệ mất dấu giảm; điều trị sớm nên tỷ lệ tử vong thấp; đẩy mạnh sàng lọc trong cộng đồng nên tỷ lệ phát hiện nhiễm mới trong cộng đồng tăng. Bên cạnh đó, còn triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV nên tăng khả năng bảo vệ người có nguy cơ nhiễm…

Tuy nhiên, theo CDC Bình Dương, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng vẫn còn khá phổ biến, khiến nhiều người có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS không dám đi xét nghiệm HIV để biết tình trạng của mình. Tỷ lệ người dân nhập cư và di biến động dân số cao nên khó quản lý. Khó tuyển tư vấn viên cộng đồng tuyến xã/phường do kinh phí hỗ trợ thấp (500.000đ/người/tháng)…

BSCK1 Nguyễn Trí Dũng, Trưởng Cơ sở điều trị Methadone TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết, đa số người bệnh không cho biết bạn tình, bạn chích nên việc truy vết để tìm người lây bệnh và cũng có thể là người bị lây bệnh đến điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Đây là nguồn lây bệnh cho cộng đồng, nếu không tìm được những người này để điều trị thì nguy cơ tiếp tục lây bệnh cho những người khác.

“Bình Dương đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại. Trong đó, gồm cung cấp bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch K=K (Không phát hiện = Không lây truyền)… Đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều cách để người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh”, lãnh đạo CDC Bình Dương cho biết thêm.

Nguyễn Cảnh
.
.
.