Đừng để lỡ “giai đoạn vàng” chữa chứng tự kỷ cho trẻ
- Đồng hành cùng trẻ tự kỷ
- Từ cậu bé tự kỷ thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam
- Trẻ tự kỷ và nỗi lo về giáo dục
Với một đứa trẻ bình thường, biết đi, biết nói, nhận biết màu sắc, đồ vật, vui đùa, trò chuyện… là hết sức bình thường thì với trẻ tự kỷ, đó là điều xa xỉ, thậm chí là không thể. Một bà mẹ ở Hà Nội tôi gặp tại Bệnh viện Nhi Trung ương khi chị tham gia buổi sinh hoạt các gia đình có con bị phổ tự kỷ đã rớm nước mắt kể: “Cháu biết nói được từ đơn rồi”.
Những trò chơi vận động giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập với cuộc sống. Ảnh: minh họa |
Con không thích chỗ ồn ào, không thích đứng gần người khác, không thích được ôm ấp. Tích cóp những biểu hiện lạ đó, chị lên mạng tìm hiểu và cấp tốc cho con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Chị buồn bã khi bác sĩ chẩn đoán, con mắc chứng tự kỷ, quá nhạy cảm do rối loạn hệ cảm giác, xúc giác, thính giác.
Hàng ngày, chị đưa con đến Khoa Tâm thần của bệnh viện để trị liệu, được các bác sĩ hướng dẫn một số hoạt động trị liệu cho con ở nhà, chị đã tiếp thu rất chăm chú. Đặc biệt, chị được Ths.BSCKII Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương động viên, trường hợp của con phát hiện và điều trị sớm, nếu gia đình tuân thủ quy trình trị liệu, kiên trì đồng hành cùng con, thì có rất nhiều hy vọng.
Đây là “giai đoạn vàng” để trị liệu, do vậy chị phải nắm bắt. Điều này khiến chị như được sống lại, quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội quý báu, đồng hành cùng con từng ngày. Sau gần 3 năm kiên trì, con chị đã nói được một số từ đơn, biết chơi một số trò chơi vận động...
Ths.BSCKII Thành Ngọc Minh cho biết, đối với trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ, can thiệp sớm có vai trò đặc biệt quan trọng. Sớm là phải can thiệp ngay khi trẻ 24 tháng tuổi, ngay sau khi phát hiện các dấu hiệu nguy cơ tự kỷ, đây là thời điểm chẩn đoán rõ nhất. Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ không chỉ hướng tới trẻ mà còn chú trọng đến cha mẹ và gia đình.
Độ tuổi được can thiệp tốt nhất là từ 18-36 tháng tuổi. Cha mẹ không nên có tâm lý chờ đợi, hy vọng trẻ sẽ “không sao”, “trẻ chỉ chậm nói thôi”, “lớn lên rồi sẽ khác”. Cha mẹ cũng không nên đưa trẻ đi khám quá nhiều nơi chỉ mong xác định có chắn chắn tự kỷ hay không. Tất cả những điều này sẽ làm mất đi thời gian, mất cơ hội cho trẻ được can thiệp sớm.
Bệnh viện Nhi Trung ương trung bình mỗi năm có khoảng 22.000 lượt trẻ đến khám chuyên khoa Tâm thần, trong đó 1/3 lượt trẻ đến khám đánh giá tự kỷ. Trên thế giới, tỷ lệ người mắc chứng tự kỷ rất cao. Ở Việt Nam chưa có số liệu điều tra thực tế, nhưng tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi năm khám và điều trị cho trẻ tự kỷ tăng từ 10-20%.
Ngày 2-4 hằng năm được chọn là Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, mục tiêu đưa công tác truyền thông đến với đông đảo nhân dân, giúp các bậc phụ huynh nhận biết các dấu hiệu nguy cơ tự kỷ để phòng ngừa và phát hiện sớm, can thiệp sớm cho con.
Tự kỷ không phải là bế tắc, nếu được phát hiện sớm, can thiệp sớm. Nhưng để thành công, theo khuyến cáo của bác sĩ, cha mẹ phải là người đồng hành cùng con, không bỏ cuộc. Trẻ tự kỷ đến tuổi trưởng thành bộc lộ rõ nhất, có trẻ tiến triển tốt, nhưng đến tuổi trưởng thành lại biểu hiện nặng, nếu gia đình không kiên trì, không đồng hành cùng con, trẻ dễ có nhiều hành vi rối loạn cảm xúc...
Khoa Tâm thần đang xây dựng đề án thành lập Đơn vị chăm sóc, điều trị, giáo dục, đào tạo cho cha mẹ kiến thức, kỹ năng chăm sóc con ngay tại cộng đồng. Đây là điều rất quan trọng, bởi bác sĩ không thể đồng hành cùng trẻ tự kỷ, mà can thiệp tại gia đình sau có vai trò quan trọng, giúp trẻ từng bước hòa nhập với cộng đồng.