Để không bị “ảo” khi chọn ngành, nghề
Chọn ngành và tác động dịch COVID-19
Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ, qua những đợt tư vấn hướng nghiệp tại hàng trăm trường học từ thành phố tới nhiều tỉnh thành tại phía Nam, các chuyên gia nhận ra rằng, nhiều em vẫn rơi vào tình trạng suy nghĩ “ảo”, suy nghĩ sai về ngành nghề. Sau khi thi đậu vào học đã trở nên chán nản, vì buộc phải học do đã lỡ chọn.
Qua những đợt tư vấn đầu tiên của năm 2021 cũng ghi nhận nhiều điểm đáng mừng, điểm mới trong ngành, nghề mà các em đang quan tâm. TS chú ý nhiều tới những ngành liên quan tới nhóm Kinh tế - tài chính. Nghề Marketing, hay kinh doanh trên mạng. Hoặc nhóm ngành kinh doanh xuất nhập khẩu, quan hệ Quốc tế, Logistic, Kinh tế đối ngoại... Các em cũng giải thích với 2 lý do chọn ngành: 1 là do yêu thích nên quan tâm. 2 là cho rằng để có công việc lương cao.
Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh tại trường THPT Củ Chi. |
Công nghệ kỹ thuật là nhóm ngành thứ 2 được quan tâm. Nhiều em có sức học tốt môn toán đi vào cụ thể hỏi về công việc liên quan tới khoa học trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, an toàn thông tin. Tuy nhiên một số không nhỏ TS lại rất quan tâm tới nhóm ngành cơ khí hoá, đặc biệt là nghề liên quan tới cơ khí ô tô. Vì cho là cơ khí ô tô kiếm được tiền nhiều.
Nổi bật năm nay, nhiều TS đưa ra câu hỏi về ngành Y dược. Tuy nhiên nhiều em sau khi nghe mức học phí thì… buồn thiu, thậm chí có em rơi nước mắt vì biết với mức 40 triệu/năm (công lập) thì cha mẹ không lo được tiền cho mình nếu có thi đậu.
Có không ít TS lại quan tâm rất lớn tới nghề nhân sự và quản trị nhân sự. Nhưng lại quan niệm sai lầm cho là làm nghề này sẽ làm lãnh đạo, cán bộ quản lý. Một tỉ lệ nhỏ chú ý tới những ngành nghề thiết kế thời trang, thiết kế đồ hoạ, truyền thông đa phương tiện, hoặc kỹ xảo điện ảnh. Và cũng cho rằng, những nghề trên sẽ có mức lương rất là cao.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng khiến các em băn khoăn rất nhiều. Nhất là ngành Hàng không, qua công tác tư vấn cho trên 200 trường THPT, may ra có 3-4 trường là có em quan tâm. Do nắm được tình trạng các công ty trong ngành này đều đang “gặp nạn” dịch COVID-19 hoành hành. Tương tự với ngành du lịch, quản trị khách sạn, TS cũng lo ngại nếu đăng ký trúng tuyển vào học, ra nghề lại thất nghiệp vì bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Ngành sư phạm có em quyết tâm đeo đuổi nhưng cũng có không ít em lo lắng băn khoăn, với sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thì vào sư phạm sẽ dễ thất nghiệp. Song ông Tuấn đưa ra lời nhắn nhủ, các TS hãy luôn yên tâm rằng, đây là một ngành đào tạo đặc thù, nghề dạy người thì không có một robot nào có thể thay thế được.
Năm 2021 ghi nhận TS còn để mắt tới ngành thuỷ sản, ngành nông nghiệp, thú y. Đây là điều khác lạ so với mọi năm. Hay ngành nghề công nghệ chế biến thực phẩm, hoá dược, hoá mỹ phẩm. Tuy nhiên, TS cũng lo, tại Việt Nam học xong những ngành này có việc làm hay không?
Lắng nghe, tìm ra hướng cho riêng mình
Có một tỉ lệ không nhỏ các TS có quyết tâm rất cao vào ngành Công an, Quân đội. Trong khi các ngành này đều đang đặt ra chất lượng về tuyển chọn đầu vào để có lực lượng tinh nhuệ, giỏi công nghệ kỹ thuật, kiến thức, tỉ lệ lấy nữ lại quá thấp. Giữa Công an và Quân đội chỉ chọn được 1 nguyện vọng.
“Khi tư vấn chúng tôi cũng “đánh tan” những suy nghĩ “ảo”, suy nghĩ sai về ngành nghề Công an, Quân đội. Phải nói rõ cho các em hiểu hơn, rằng vào ngành nghề này để ra làm cán bộ chiến sỹ có nhiệm vụ giữ gìn ANTT, an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc chứ không phải là vào để được khoác áo ngành đẹp, lương cao, hay oai phong…” - ông Tuấn nói.
Mức lương cao là vấn đề quan tâm hàng đầu của các em. Song, ngành nào cũng có mức lương cao, lương trung bình và lương thấp. Thống kê thời điểm hiện tại, mức 20 triệu đồng/tháng với các em mới ra trường được cho là cao. Hiện có ngành liên quan tới khoa học trí tuệ nhân tạo mới ra trường đã đạt được mức lương này. Còn lại đa số các ngành nghề ra trường lương các em mới dừng ở mức từ 8-10 triệu đồng/tháng. Sau một quá trình học nghề, học hỏi đồng nghiệp, sự cố gắng mà vươn lên được tăng lương, được chọn làm vị trí quản lý, quản trị, được khẳng định giá trị nghề nghiệp, năng lực hành nghề.
Do đó ông Tuấn cho rằng, để chọn đúng ngành thì cần phù hợp, đúng năng lực, chứ không phải chọn ngành có mức lương cao. Khi đăng ký nguyện vọng phải bình tĩnh nếu không sẽ rơi vào tình huống “ảo”. Thống kê, hiện chỉ có 20% TS bình tĩnh suy xét có kết quả chọn ngành tốt. Ngược lại, 30% đã không vừa ý do thiếu suy xét và tới 50% các em chọn sai ngành. Qua việc này cũng cho thấy công tác tuyển sinh, tư vấn cho TS cần có cách làm chuẩn xác hơn.
“Hãy đưa ra 4-5 nhóm ngành thấy thích hợp, xem xét, đối chiếu đàng hoàng để thấy rằng mình hợp ngành nào nhất. Dựa vào nhu cầu nhân lực của xã hội để biết ngành nào đang có nhu cầu lớn và có phù hợp với mình không! Cũng đừng quên để mắt tới ngành nghề nhu cầu nhân lực rất thấp nhưng phù hợp với sở trường, năng lực của mình thì cũng nên lượng sức. Kinh tế gia đình nữa, không nhất thiết là cứ phải đi ĐH, du học, học trường quốc tế … mà cứ mạnh dạn vào trường CĐ nhưng đúng với những điều kiện có riêng của mình đảm bảo bạn sẽ chiến thắng!”,ông Tuấn gửi gắm những lời khuyên quý báu với TS.