ĐBSCL sẽ khô khát vì Thái Lan, Campuchia chuyển nước sông Mê Kông

Thứ Năm, 21/07/2016, 08:24
Bên cạnh hệ thống thuỷ điện công suất lớn của Trung Quốc ở vùng đầu nguồn và 12 đập thuỷ điện khác dự kiến được triển khai, các quốc gia vùng hạ lưu như Thái Lan, Campuchia... cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng các công trình chuyển nước từ dòng Mê Kông nhằm phục vụ cho việc mở rộng canh tác nông nghiệp. 

Điều này khiến cho đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất của Việt Nam đối mặt những tác động tiêu cực như làm gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn, giảm lượng phù sa...

Tại buổi tọa đàm "Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước sông Mê Kông tới đồng bằng sông Cửu Long" được tổ chức ngày 20-7, ông Nguyễn Nhân Quảng – chuyên gia quản lí lưu vực sông cho biết, lưu vực sông Mê Kông có tổng dung lượng nước hàng năm là 475 tỉ m³. Tuy nhiên, lượng nước phân bổ không đều giữa các quốc gia. 

Trung Quốc chiếm 16%, Lào 35%, Campuchia 18%, Thái Lan 18%, Myanmar 2% và Việt Nam 11%. Trong khi Việt Nam cơ bản giữ nguyên diện tích đất nông nghiệp thì Thái Lan và Campuchia đều có kế hoạch mở rộng, đi kèm với đó là các kế hoạch chuyển nước trên quy mô lớn.

Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ gia tăng bởi các công trình chuyển nước từ dòng Mê Kông. 

Để biến vùng đông bắc trở thành trung tâm sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, Thái Lan đã tiến hành chuyển nước lưu vực sông Mê Kông sang lưu vực sông Chao Phraya qua hệ thống Kok – Ing – Nan. Đầu năm 2016, Thái Lan đã khởi động việc bơm nước tại các tỉnh Nong Khai và Loei. 

Trong giai đoạn 2016-2026, Thái Lan sẽ triển khai dự án Kong – Loei – Chi – Mun nhằm chuyển nước từ sông Mê Kông lên vùng đông bắc. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án vào khoảng 3,7 tỉ USD. Tuy nhiên, dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Thái Lan. 

Dự án tuyến Mê Kông – Huai Luang – Nong Han – Lam Pao cũng đã được Thái Lan thông qua vào đầu năm 2016. Dự án dự kiến xây dựng khoảng 30 hồ chứa gần hợp lưu các sông nhánh với sông Mê Kông để chuyển nước sông Mê Kông vào trữ tại các hồ chứa. 

Trên thực tế, dự án này đã triển khai giai đoạn 1 bằng việc xây hồ chứa Nong Han với diện tích 45km², lượng nước hàng năm vào ra là 2,8 tỉ m³. Hiện Thái Lan có kế hoạch triển khai 990 dự án nữa ở vùng đông bắc, chủ yếu là chuyển nước từ sông Mê Kông.

Trong khi đó, Campuchia cũng đang tích cực hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là với các nhà đầu tư Trung Quốc để xây dựng các công trình chuyển nước phục vụ nông nghiệp. 

Điển hình là dự án tưới Vaico do nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện với mục đích chuyển nước lũ sông Mê Kông qua sông Samdei (một nhánh của sông Mê Kông) vào trữ tại hồ Krapik (dung tích trữ khoảng 800-1000 triệu m³) để dẫn nước tưới cho các vùng trồng lúa ở Kampong Cham, Prey Veng và Svey Rieng. Dự án có tổng kinh phí là 200 triệu USD.

Theo ông Quảng, về mặt pháp lí, theo quy định tại Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995 thì các quốc gia muốn chuyển nước từ dòng Mê Kông phải thông báo cho Ủy hội sông Mê Kông. Nếu việc chuyển nước được tiến hành trong mùa khô thì phải thông báo và tiến hành tham vấn các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, Ban thư kí Ủy hội sông Mê Kông cho biết, đến đầu tháng 5-2016, họ vẫn chưa nhận được thông báo nào của Thái Lan về các dự án chuyển nước.

"Nếu tất cả các dòng nhánh bên bờ hữu sông Mê Kông thuộc Thái Lan đều có các trạm bơm lấy nước vào trữ trong các hồ chứa và Campuchia cũng làm tương tự thì lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm bớt trong mùa khô dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn tăng cao. Ngược lại, trong mùa lũ, lượng nước lũ sẽ giảm bớt. Việc thay đổi chế độ dòng chảy và lượng phù sa suy giảm sẽ tác động mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp của hơn 20 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long" – ông Quảng khẳng định. 

Ông Nguyễn Hồng Toàn – chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, nếu Campuchia và Thái Lan cùng thực hiện các dự án chuyển nước sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng cho khu vực hạ du. 

Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tài nguyên nước, TS Đào Trọng Tứ cho rằng, các dự án chuyển nước phải tính toán đến lợi ích của các bên bởi xung đột quyền lợi giữa các quốc gia là khó tránh khỏi. Đồng bằng sông Cửu Long nằm trọn trong hạ lưu của sông Mê Kông trong khi nhu cầu sử dụng nước vùng thượng lưu ngày càng gia tăng. 

Theo TS Tứ, hợp tác chia sẻ lợi ích là con đường duy nhất của các quốc gia sử dụng chung nguồn nước Mê Kông. Tuy nhiên, để có sự chia sẻ lợi ích một cách công bằng và hợp lí cần tăng cường vai trò hơn nữa của Ủy hội sông Mê Kông. "Tôi cho rằng, trong thời gian qua, tiếng nói của Ủy hội rất mờ nhạt. Cơ chế hợp tác mà lỏng lẻo thì Việt Nam bị thiệt nhiều nhất" – TS Tứ nhấn mạnh.

Khánh Vy
.
.
.