Chất lượng nước mặt sông Đồng Nai không đảm bảo để sản xuất nước sinh hoạt
- Vì an ninh nguồn nước sạch
- Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ, đảm bảo lượng nước sạch cho người dân
Theo Sở TN-MT Đồng Nai, chất lượng nước sông Đồng Nai tại 4 đoạn chảy qua địa bàn có hàm lượng Amoni, tổng rắn lơ lửng, lượng ôxy hòa tan trong nước, vi sinh không đạt quy chuẩn cho phép.
Nước sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP biên Hòa đục ngầu. |
So với kết quả quan trắc của năm trước, đoạn từ thượng nguồn sông Đồng Nai, thuộc địa bàn huyện Tân Phú đến hồ Trị An và đoạn từ hồ Trị An đến Bến đò Biên Hòa - Bửu Long của tuyến sông Đồng Nai chất lượng nước mặt đều bị suy giảm.
Riêng 3 đoạn, gồm từ thượng nguồn sông Đồng Nai đến hồ Trị An; từ hồ Trị An đến bến đò Biên Hòa - Bửu Long và từ bến đò Biên Hòa - Bửu Long đến cầu Đồng Nai đều không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt do hàm lượng hữu cơ, TSS, dinh dưỡng và vi sinh tăng cao, không đạt so với quy chuẩn. Trong đó, hàm lượng COD vượt từ 1,1-1,3 lần; TSS vượt 1,4-4,6 lần; Amoni vượt 1,1-2,6 lần; E.Coli vượt 18,6-150 lần; Coliform vượt 3,0-9,2 lần.
Từ kết quả quan trắc này, Sở TN-MT Đồng Nai cho rằng chất lượng nước mặt các đoạn 4 đoạn sông Đồng Nai nêu trên không đạt và không phù hợp với mục đích cấp nước sinh hoạt. Chỉ có đoạn từ bến đò Biên Hòa - Bửu Long đến cầu Đồng Nai và từ cầu Đồng Nai đến hợp lưu với sông Sài Gòn, chất lượng nước mặt tương đương với kết quả quan trắc trong năm 2018.
Trước thực trạng này, đại diện Công ty CP cấp nước Đồng Nai vẫn cho rằng, tuy chất lượng nước sông Đồng Nai có suy giảm nhưng chất lượng nước sinh hoạt sau xử lý vẫn bảo đảm theo quy chuẩn. Hiện, tất cả các nhà máy xử lý nước của công ty đều đã được đầu tư công nghệ xử lý hiện đại để bảo đảm chất lượng nguồn nước sau xử lý cung cấp cho nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, công ty cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước mặt từ sông Đồng Nai trước khi lấy vào các nhà máy để xử lý.