Những góc khuất trong thị trường cung ứng nước sạch tại TP Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 20/10/2019, 09:38
Trong lúc Kết luận của Thanh tra Thành phố xác định, chênh lệch giữa giá mua nước sạch sỉ (bán buôn) với giá bán lẻ rất cao do chi phí trong khâu phân phối, bán lẻ không hợp lý; tỉ lệ thất thoát nước sạch còn khá cao… thì Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vẫn đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép tăng giá bán lẻ nước sạch và đề nghị này đã được UBND Thành phố đưa ra lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan.


Sawaco đã đưa ra một loạt lí do như từ năm 2013 đến nay, giá nước vẫn chưa được điều chỉnh; chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy ngoài Sawaco đã tăng khoảng 252 tỉ đồng mỗi năm. Để bù đắp chi phí tăng cao do trượt giá, các nhà máy đang bán sỉ nước sạch cho Sawaco cũng đã yêu cầu xây dựng lộ trình giá mua bán sỉ nước sạch tăng định kỳ hằng năm hoặc 2 năm...

Trước sức ép của các nhà cung cấp, Sawaco đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép điều chỉnh giá bán lẻ nước sinh hoạt từ nay đến năm 2022 với mức tăng 300 đồng/m3. Cùng thời điểm này, Sở Tài chính cũng đã trình UBND Thành phố dự thảo quyết định ban hành giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2022.

Theo đó, giá nước năm 2019 sẽ tăng 5,66% so với mức giá hiện nay, tức từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3; năm 2020 giá bán lẻ nước sạch sẽ tăng lên 6.000 đồng/m3; năm 2021 giá nước sạch tăng lên 6.300 đồng/m3 và năm 2022 là 6.700 đồng/m3. Giá này chưa bao gồm thuế VAT và áp dụng cho định mức sử dụng đến 4m3/người/tháng; sử dụng càng nhiều, giá sẽ càng cao.

Thất thoát nước sạch do vỡ đường ống dẫn.

Trước đó, Thanh tra Thành phố đã xác định, phương án lộ trình giá bán nước sạch do Sawaco xây dựng, trình UBND thành phố giai đoạn 2017-2021 thì mỗi năm giá nước sẽ tăng 7,5% chứ không chỉ tăng ở mức trên.

Xin tăng giá nước hàng năm, nhưng giá bán sỉ nước sạch của Sawaco cho các công ty cổ phần cấp nước lại khác nhau. Thậm chí Sawaco còn giảm giá bán sỉ từ mức 5.252 đồng/m3 xuống còn 4.934 đồng/m3 cho Công ty CP cấp nước Chợ Lớn trong thời gian dài để DN này được hưởng mức giảm giá với số tiền lên đến hơn 45,5 tỉ đồng.

Về chi phí kinh doanh nước sạch, kết quả thanh tra cho thấy giá vốn sản xuất nước sạch do các nhà máy của Sawaco sản xuất chỉ chiếm hơn 39% giá thành. Trong đó chi phí nguyên vật liệu trực tiếp chỉ chiếm khoảng 8,4%; chi phí nhân công sản xuất trực triếp cũng chỉ chiếm gần 10,5%, còn lại chi phí sản xuất chung chiếm đến hơn 81%.

Cụ thể, giá thành sản xuất 1m3 nước sạch của Sawaco những năm gần đây ở mức hơn 1,5 đến 1,7 ngàn đồng/m3, nhưng giá thành mỗi m3 nước sạch khi được bơm đến mạng lưới ống cấp 2 đã tăng vọt lên mức trên dưới 4 ngàn đồng/m3 và giá thành khi đến hết mạng ống cấp 3 đã ở mức 5,1-5,2 ngàn đồng/m3.

Lí do dẫn đến việc giá nước tăng gấp 2-3 khi vận chuyển từ nhà máy đến hết mạng ống cấp 2 và 3 là do giá mua sỉ nước sạch từ các nhà máy có vốn ngoài Sawaco. Như vậy có thể thấy, dù là tổng công ty chủ lực về cung cấp nước sạch cho thành phố, nhưng mảng “ngon ăn” nhất là sản xuất, bán sỉ nước sạch đã được Sawaco nhường lại cho các DN có vốn tư nhân.

Càng bất hợp lý hơn khi Thanh tra Thành phố đã chỉ ra rằng, theo quy hoạch cấp nước của Sawaco đến năm 2025, DN này sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các nhà máy nước như Thủ Đức 4-5; Kênh Đông 2 và Tân Hiệp 3 bất chấp việc các nhà máy nước hiện có đang bị lãng phí khi chưa được sử dụng hết công suất. Cùng với việc bao tiêu nước sạch cho 5 nhà máy có vốn tư nhân, lượng nước sạch cung cấp cho thành phố đã ở mức dư thừa.

Trước thực trạng này, Thanh tra Thành phố cho rằng Sawaco có nhà máy sản xuất nước công suất lớn, khi còn chưa sử dụng hết công suất đã phải đi mua nước từ bên ngoài để bán lại. Bất chấp việc giá thành mỗi m3 nước do các nhà máy của Sawaco sản xuất chỉ ở mức 1,5 - 1,7 ngàn đồng/m3, rẻ hơn rất nhiều so với giá mua sỉ nước sạch từ các nhà máy có vốn xã hội hóa.

Cụ thể, giá Sawaco đi mua sỉ nước sạch từ Công ty CP cấp nước Kênh Đông từ cách đây 3 năm đã ở mức hơn 3,7 ngàn đồng/m3; giá nước mua sỉ từ Công ty TNHH cấp nước Bình An là 4,38 ngàn đồng/m3 và giá mua của Công ty CP BOO Thủ Đức là 2,9 ngàn đồng/m3.

Chưa hết, đơn giá mua sỉ nước sạch từ các nhà máy BOT Bình An và BOO Thủ Đức đã được quy định cụ thể trong hợp đồng ký giữa thành phố với các DN bỏ vốn đầu tư 2 nhà máy trên. Do đó, chưa đề cập đến trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị liên quan trong vấn đề tham mưu cho thành phố ký hợp đồng mua nước với giá “trên trời”, thì việc mua nước sỉ giá cao từ bên ngoài đã khiến các nhà máy Sawaco còn dư công suất hàng trăm ngàn m3 nước sạch/ ngày.

Trước bất hợp lý trên, vấn đề cần làm là UBND Thành phố phải thương thảo lại với các nhà đầu tư để tính toán lại giá nước sạch. Không thể chấp nhận tình trạng nhà máy nước của Sawaco không chạy hết công suất vẫn phải đi mua nước với giá cao từ các nhà máy bên ngoài để bán cho người dân rồi xin thực hiện lộ trình tăng giá nước sạch hàng năm.

Đ.Thắng
.
.
.