Cám cảnh hàng trăm người dân ‘hôi gạo’ trên tàu bị nạn

Thứ Ba, 07/07/2015, 17:13
Một cảnh náo loạn và hỗn độn chưa từng có tại đây; giành giật, vác gạo chạy, la đuổi nhau và điện thoại chỉ huy tàu cướp gạo cập các bến cóc, bến ngang khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện.
>> Đồng Nai: Đề nghị truy tố 2 kẻ hôi bia
>> Lon bia hôi và thân phận con người

Ngày 7/7, bà Phùng Thị Thọ- Chủ tịch UBND thị xã La Gi (Bình Thuận) cho biết, Thị xã đang chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn cấp lập chốt chặn tại cảng cá La Gi và bến tàu Tân Long để ngăn chặn, tạm giữ lại toàn bộ số gạo mà các tàu thuyền ngư dân đã lấy trên tàu Hải Trường 36 bị nạn chuyển vào đất liền.

Người dân “hôi gạo” tàu Hải Trường 36 có công cứu tàu bị nạn hay có tội cướp tài sản?

Trước đó, khoảng 8h30 phút, ngày 5/7 Cảng vụ hàng hải Bình Thuận nhận thông báo, tàu Hải Trường 36 thuộc Công ty Vận tải biển Hải Trường do thuyền trưởng Hoàng Văn Phong điều khiển cùng 13 thủy thủ đoàn, chở 3.000 tấn gạo xuất phát từ An Giang đi Hải Phòng. Khi đến vùng biển La Gi- Bình Thuận thì gặp sóng to, gió lớn làm tàu mất lái, trôi tự do và mắc cạn ở vùng biển cách thị xã La Gi khoảng 10 hải lý.

Chiều ngày 6/7, Công ty vận tải biển Hải Trường gửi công văn khẩn nhờ lực lượng Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Bình Thuận bảo vệ tàu Hải Trường 36 đang bị hàng trăm người và tàu thuyền xông lên cậy nấp hầm tàu cướp lấy gạo và các thiết bị, tài sản trên tàu.

Làm việc với đồn Biên phòng 456 Thị xã La Gi, thuyền trưởng Phong xác nhận có đồng ý cho ngư dân một số gạo nhằm giảm tải cho tàu đang bị nạn có nguy cơ chìm. Nhưng khi tàu đã an toàn, đóng nấp hầm không cho gạo nữa thì đã bị rất nhiều người kéo đến “hôi của” trước sự bất lực của thủy thủ đoàn vì quá mệt mỏi, sau hai ngày chống chọi với con tàu mắc cạn. 

Một người dân sống tại cảng cá La Gi và bến Tân Long cho biết, có rất nhiều xe bò, xe tải đậu nối đuôi nhau chờ các tàu thuyền “hôi gạo” trên tàu Hải Trường 36 cập vào là lập tức bốc dỡ lên xe chở đi, một cảnh náo loạn và hỗn độn chưa từng có tại đây. Giành giật, vác gạo chạy, la đuổi nhau và điện thoại chỉ huy tàu cướp gạo cập các bến cóc, bến ngang khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện.

Đến thời điểm này chưa rõ số gạo bị người dân “hôi của”. Được biết có khoảng 5 loại, có loại ghi bao bì chữ Trung Quốc nên nhiều người sợ không dám ăn, đã mang đi bán với giá rẻ cho các đại lý. Ngoài hàng trăm tấn gạo bị hôi, trên tàu Hải Trường 36 từ quạt máy đến tủ lạnh, vật dựng cá nhân, tài sản thủy thủ đoàn cũng bị tước sạch.

Đây là một việc làm đáng xấu hổ, cần lên án về thái độ và hành vi sống vô cảm trước tai nạn của người khác.

Hoàng Châu - Việt Khuê

.
.
.