Cần Thơ ứng phó với ngập lụt

Thứ Năm, 08/10/2015, 10:04
Theo khảo sát của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, hằng năm vào mùa mưa, nhiều đô thị vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng bị ngập úng, với độ sâu ngập phổ biến từ 0,3-1,5m, thời gian ngập 2-6 tháng.


Các khu vực ngập sâu là Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Vùng ngập triều kết hợp với mưa là khu vực nội ô (quận Ninh Kiều, Bình Thủy). Tình trạng ngập lụt xảy ra ngày càng tăng và trên diện rộng; diễn ra thường xuyên, kéo dài.

Tại hội thảo “Kỹ thuật và công cụ phục vụ quản lý ngập lụt đô thị và thích ứng biến đổi khí hậu”, do Văn phòng công tác biến đổi khí hậu (BĐKH) TP Cần Thơ tổ chức vừa qua, các chuyên gia trong và ngoài nước đã phân tích tình trạng ngập lụt ở các thành phố lớn, đưa ra các giải pháp quản lý ngập lụt có thể áp dụng cho TP Cần Thơ... 

Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác BĐKH TP Cần Thơ, cho rằng: BĐKH đang tác động đến TP Cần Thơ, đó là tình hình lún mặt đất do khai thác nước ngầm. Thành phố bị ngập sâu và còn kéo dài trong tương lai…

Thành phố xây dựng và phát triển đô thị cần thực hiện theo hướng ngày càng bền vững và thích ứng tốt với BĐKH, ngoài giải pháp công trình cần có những giải pháp phi công trình ít tốn kém và mang lại hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, đồ án quy hoạch thoát nước TP Cần Thơ đến năm 2030 đã được thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị thành phố vào tháng 12/2014. Đơn vị tư vấn đang chỉnh sửa đồ án theo ý kiến của các thành viên hội đồng. 

Nhằm có cơ sở để triển khai các chương trình, công trình thoát nước và xử lý nước thải trong giai đoạn sau, đặc biệt là có cơ sở để triển khai Dự án 3 (Dự án phát triển đô thị TP Cần Thơ thích ứng với BĐKH), Sở Xây dựng thành phố kiến nghị UBND thành phố sớm phê duyệt đồ án quy hoạch này. 

Một con đường ở trung tâm quận Ninh Kiều biến thành sông do triều cường.

Thời gian qua, BQL Dự án ODA TP Cần Thơ phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai khảo sát hiện trạng thoát nước ở khu vực quận Ninh Kiều và Bình Thủy để đề xuất triển khai Dự án 3.

Theo đơn vị tư vấn, Dự án 3 có vốn vay 250 triệu USD, do giới hạn vốn đầu tư nên phạm vi khảo sát, nghiên cứu chỉ thực hiện ở vùng lõi, phòng chống ngập lụt kết hợp với phát triển giao thông. Nguyên nhân ngập lụt ở khu vực Ninh Kiều và Bình Thủy do triều cường, mưa và đặc biệt là vừa mưa, vừa triều cường dâng.

PGS-TS Võ Lê Phú, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đô thị hóa nhanh dẫn đến vấn đề ngập lụt đô thị diễn ra ở hầu hết các thành phố lớn, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… do tầm nhìn và cách quản lý đi sau và bị lạc hậu so với tình hình thực tế, gia tăng bề mặt không thấm được do xây dựng hạ tầng đô thị, lượng mưa lớn, BĐKH. Đô thị hóa cũng làm giảm chất lượng nước ở ao hồ, sông rạch. 

Vấn đề quản lý nước đô thị cần nhận dạng rủi ro, khả năng thích ứng khi ngập lụt hoặc dự trữ nước cho mùa khô. Đồng thời, xem đô thị là lưu vực nước chứ không phải chọn giải pháp thoát nước càng nhanh càng tốt, tức là nước trong đô thị là vòng tuần hoàn để khai thác, vừa thu gom, vừa sử dụng bền vững…

Văn Đức
.
.
.