Duy Lợi - người bền bỉ với công tác từ thiện

Chủ Nhật, 31/10/2021, 14:45

Đầu tháng 7 năm 2001, đồng nghiệp Nguyễn Tâm Phùng ở Báo Quảng Bình gọi cho tôi. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn), Quảng Bình gồm 10 người, ba thế hệ thì đã có 6 người bị bệnh điên rất nặng.

Bốn người còn lại vẫn tỉnh táo là 2 ông bà đã ngoài 70, chị Bài (con lớn) đã 37 tuổi và một cháu bé mới lên 3. Mẹ cháu cũng điên, đi lang thang ngoài đường ngoài chợ suốt ngày đêm. Một tên vô lại say xỉn nào đó đã giở trò… và sinh ra cháu.

Không đắn đo nhiều, tối hôm đó tôi đã ném mình lên xe lửa, trực chỉ Quảng Bình.

trao nhà cho gia đình có 6 người điên ngày 22-9-2001.jpg -0
Ông Lâm Tấn Lợi và đại diện Báo CAND cùng chính quyền địa phương trao nhà tình thương cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc (ngày 22/9/2001).

Quảng Hòa ở bờ Nam sông Gianh, ba bề núi vây, bề thứ tư bị chắn bởi sông Gianh. Cầu Quảng Hải chưa xây. Từ bờ Nam phải qua cầu Gianh ra bờ Bắc, qua Ba Đồn, đi theo đường lên Tuyên Hóa, qua phà Phù Trịch lộn lại bờ Nam mới đến được Quảng Hòa. Khi chúng tôi đến, ông Phúc lưng đã chớm còng, mắt đã mờ toét vẫn phải tự tay phá một gian nhà đóng 3 cái cũi nhốt, xiềng 3 người con, 2 trai một gái “vì bọn ni hắn phá quá, chịu không nổi”.

Một trong ba người là chị Lành, mẹ của cháu bé… Ngồi trong cũi, chị vẫn gầm gào suốt ngày, tự tay xé tung hết áo quần, tự cắn nát chân tay mình. Chị hát gì, em hò theo nấy, suốt ngày ngôi nhà chìm trong dàn đồng ca của những âm thanh điên loạn.

Ba người còn lại là 3 anh em trai. Khi chúng tôi tìm đến, cậu trai tên Cảnh chạy ra đón: “Khi nại (nãy) cháu ngồi trên mái nhà, chộ (thấy) máy bay phót (vọt) qua là cháu biết răng cụng (cũng) có cán bộ về mần việc. Biết răng các bác cụng nhảy xuống, mà cháu đón không được. Chơ hai bác nhảy đàng (đường) mô?”.

Rồi Cảnh lập tức sai cậu em tên Toản đi “nấu nác (nước)”. Vợ chồng ông Phúc vừa bước vào, Cảnh độp luôn: “Bọ mặc quần dài vô coi! Tiếp cán bộ Trung ương mà bọ mặc lôi thôi rứa. Thật, nhà ni ai cụng điên, nói mại (mãi) không nghe!”.

Suốt buổi, ông Phúc chỉ hỏi gì nói nấy, luôn tay quệt nước mắt. Cảnh và Toản thì cứ thi nhau cười khặc khặc. Thằng anh bảo: “Mưa nắng phủ đời trai, sắn khoai phủ đời lính. Em phải đi lính thôi, ở nhà nỏ ai cho ăn”. Thằng em ôm cột nhún vai, đầy kinh nghiệm: “Lo chi, cột mạ thì tròn, cột con thì vuông!”.

ông lâm tấn lợi thăm và giúp đỡ một gia đình  người rục ở minh hóa, quảng bình năm 2012.jpg -0
Ông Lâm Tấn Lợi thăm và giúp đỡ một gia đình  người Rục ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (năm 2012).

Bà mẹ gắt: “Ra ngoài cơn (cây) rơm mà nhởi (chơi), để bọ tiếp khách”. Cảnh vặc lại: “Nhởi mô được, đang  bận  bù trốốc (đầu). Bầy tui đi kiếm con gà con qué chi mần bựa tiếp cán bộ đây”. Loáng cái, nghe heo kêu eng éc, ông Phúc kêu lên: “Chết cha rồi!” và vọt chạy. Nói là làm, anh em Cảnh-Toản đứa xách dao, thằng mang xô chậu đang vật nhau với con heo trong chuồng, định giết. “Giết! Giết! Giết!”. Trên nhà, ba người điên trong cũi cũng phấn khích, thi nhau hú lên man dại.

Những chuyện như thế xảy ra thường xuyên. Thấy người ta xây nhà, Cảnh tự động sang giúp, cứ thế xách cưa, đục băm nát mấy bộ cửa, bộ cột chưa lắp. Người ta bắt đền, Cảnh kêu em về nhà, hai anh em hì hụi cả buổi sáng cưa… cột nhà mình vác sang đền. Nhà thiếu cột sụm xuống một chái.

Heo nái đẻ được 6 con. Bà mẹ kêu người về bán, hai anh em vác dao rượt người mua trối chết. Khỏi bán, để nuôi. Một buổi sáng, hai ông tướng chọc tiết luôn cả 6 con heo nhỡ, pha thịt vác sang cho mỗi nhà hàng xóm một tảng lớn.

Hàng xóm khóc ròng, cũng phải nhận rồi lén kẻ ít người nhiều, mang chút tiền sang đền bù gọi là cho nhà ông Phúc. Bà mẹ nhận, mà phải giấu, vì “thằng Cảnh mà biết lấy tiền của hàng xóm, nó cho chết”. Nó bảo: “Nuôi được lợn thì mần đi cho hàng xóm miếng lòng, để đó vài bựa hắn cũng chết!”.

Chị Bài lớn nhất còn tỉnh, suốt ngày lo làm thuê, buôn bán lặt vặt, còn lại 6 anh chị em điên tất. Hiền lành nhất là thằng cu Út 12 tuổi. Nó suốt ngày chỉ chơi với chó. Chúng tôi hỏi nó đâu. Bà mẹ đi tìm một hồi thì la bai bải. Nó đang núp sau cây rơm, ôm con chó mẹ, tranh vú với bầy chó con và bú ngon lành. Lôi nó ra, lông chó, sữa chó còn dính đầy mồm…

Phóng sự “Ngôi nhà có 6 người điên” đăng An ninh thế giới đã lấy đi không ít nước mắt đau xót và cảm thông của bạn đọc. Kẻ ít, người nhiều, rất đông bạn đọc khắp nơi cũng đã gửi tiền về giúp đỡ.

Trước đó, Lâm Tấn Lợi (chủ doanh nghiệp Duy Lợi nên chúng tôi quen gọi là Duy Lợi) chỉ lo làm võng và lo nhậu. Đời ông thần “say mê đường cong và hình tam giác” (ý nói hình thù cái võng xếp).

Tình cờ đọc bài, Duy Lợi đến rất sớm, tìm gặp tôi, hỏi: “Xây một căn nhà đàng hoàng ở quê hết bao nhiêu?”. Tôi bảo: “Tùy. Khoảng 20 triệu là được”. Duy Lợi đưa ngay 30 triệu: “Tôi gửi xây nhà cho 6 người điên. Cần, cứ nói tôi đưa thêm. Khi nào anh đi, cho tôi đi theo với”.

Những người bổ nhát cuốc đầu tiên, bưng viên đá đầu tiên để xây nhà cho gia đình ông Phúc là Duy Lợi, tôi, Tâm Phùng, và tất nhiên không thiếu ông cu Cảnh khùng con trai ông Phúc. Gã cứ liến thoắng với ông Lợi: “Gớm, có bác ra bọ mới nghe đó. Em nói rồi, con đông, cứ phải xây đi cái nhà to nhất xóm mà ở cho đàng hoàng mà nỏ chịu”. Suốt buổi, Cảnh cứ quát tháo chỉ đạo loạn cả lên...

Ngày 22/9/2001, tôi và Duy Lợi lại quay ra khánh thành và bàn giao nhà mới cho gia đình ông Phúc. Làm thêm một gian cho 3 người điên nặng không thể chữa và nhà bếp, tất toán đội lên hơn 40 triệu. Duy Lợi đài thọ hết. Anh còn chịu chi phí để đưa 3 người “điên dở” ra Bệnh viện Giáp Bát chữa trị; gửi 30 triệu vào ngân hàng, lấy tiền lãi lo gạo mắm hằng tháng cho cả nhà; cho chị Bài 7 triệu để làm vốn bán rau độ nhật…

Duy Lợi dứt khoát: “Toàn bộ chi phí cho gia đình có 6 người điên, Duy Lợi lo hết. Số tiền ủng hộ của bạn đọc, nhân dịp đó, báo đã dùng để xây 19 căn nhà, tặng sổ tiết kiệm cho 19 gia đình khác cũng có từ 1-3 người điên, trong đó 6 căn (nhỏ hơn) được xây ở chính xã Quảng Hòa.

Và từ đó, Duy Lợi bắt đầu đồng hành với mọi hoạt động từ thiện của Báo An ninh thế giới và sau này là Báo CAND. Tất cả các nhân vật tận khổ mà tôi từng viết, anh đều giúp đỡ. Lần nào, anh cũng đòi đi theo đến tận nơi cho bằng được.

Chị Mai Thị Hạnh ở Tam Lãnh, Tiên Phước (nay là TP Tam Kỳ) bị tai nạn lao động, dây cua – roa lột toàn bộ da đầu, nhờ Duy Lợi giúp tiền nên được cứu sống. Gia đình anh Thuỳnh – chị Loan có 4 đứa con bị chất độc da cam ở Lâm Hóa, chị Thanh có 3 đứa ở Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình; gia đình có 5 người mù ở Hương Sơn, Hà Tĩnh; gia đình 4 người mắt không nhãn cầu ở Tuyên Hóa, Quảng Bình; đám trẻ mồ côi trong gia đình 4 người nhiễm HIV ở Sông Hinh, Phú Yên… được Duy Lợi giúp xây nhà, mua bò cho chăn thả.

Những đứa trẻ mồ côi lành lặn, Duy Lợi bảo tôi mang vào Sài Gòn hết để nuôi dưỡng, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho. Một giai đoạn dài, đi đâu “ông thần” này cũng chất thằng cu Nguyễn Đại Phát (gia đình có 4 người nhiễm HIV) chễm chệ sau chiếc Yamaha X9 to sù sụ.

Kể cả đi dự tiệc với quan chức, cu Phát “con” cũng được ưu ái ngồi giữa ông Lợi và khách VIP. Có một dạo, bão lũ, Duy Lợi cầm sang An ninh thế giới 100 triệu ủng hộ. Anh Hữu Ước, Tổng Biên tập bảo: “Không lấy của ông nữa. Về lo xây nhà đi. Ông có nhà, ủng hộ báo mới nhận”. Duy Lợi ngần ngừ một chút rồi cầm tiền đi thẳng sang... Báo Thanh Niên. “Tôi cho người nghèo chứ có cho ông ấy đâu mà từ chối. Ông ấy làm gì có… sổ hộ nghèo mà có quyền từ chối”.

Cho, giúp, không cần cảm ơn. Bù lại, gã làm phiền tôi bất cứ khi nào gã muốn. Nửa đêm, gã có thể dựng cổ tôi dậy để thắc mắc vì báo A, báo B nào đó dùng chữ này là sai, câu diễn đạt trên báo C không đúng, ông cán bộ X nào đó ngoài miền Trung nói vậy là không phải… Tôi cáu: “Kệ nó chứ, liên quan gì đến tôi”. Rất ngang ngược, gã cười, rất cà chớn: “Em là quần chúng, em có quyền hỏi. Anh là nhà báo, anh không được từ chối trả lời khi bạn đọc hỏi”.

Một người tốt lắm tật. Với Duy Lợi, một người đã vô tư giúp đỡ rất nhiều người nghèo khó – nhân vật của tôi – nếu có phải nhịn gã đôi phần và nhận về một mớ phiền toái, tôi nghĩ cũng không phải là quá đáng.

Nguyễn Hồng Lam
.
.
.