Người phụ nữ Vân Kiều dũng cảm xóa bỏ hủ tục
- Quảng Ngãi: Thầy cúng, thầy bói ký cam kết xóa bỏ hủ tục
- Già làng “cầm trịch” phong trào xóa bỏ hủ tục ở Đồng Chụa
Ông Hồ Điểu (83 tuổi), già làng bản Hà Bạc tâm sự: “Có thể có nhiều người khác ngoài bà Học đã nhận ra được sự tai hại của các hủ tục, nhưng để đứng ra, chống lại chúng là việc làm cực kỳ khó khăn. Để xóa bỏ các hủ tục ở bản, bà Học đã mất ít nhất 5 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Cũng chừng đó năm, bà luôn phải sống trong sự chịu đựng lớn, bị người khác nghi ngờ, cho rằng bà bị ma ám, Giàng trách quở nên đột nhiên làm những việc ngược đời… Nhưng bà Học đã không lùi bước; sau này ai cũng biết, bà làm như vậy vì bà thương dân bản mãi nghèo nàn, lạc hậu vì hủ tục”.
Bà Học kể lại việc vất vả vận động đồng bào Vân Kiều xóa bỏ các hủ tục. |
Năm 2010, khi đó bà Học đang đảm nhận trách nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Hướng Hiệp, ngoài giờ hành chính, hàng ngày bà đều tranh thủ thời gian đến các bản làng trong xã phổ biến pháp luật, tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục. Các bản làng nằm cách nhau khá xa, nhà cửa lại thưa thớt trên các sườn núi, vì thế nhiều lúc đến tận khuya bà mới về tới nhà, trong khi sáng sớm hôm sau lại phải đến ủy ban xã để làm việc.
Việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vất vả là thế nhưng bà không hề nản, ngược lại ngày càng kiên trì làm việc này với một tâm nguyện muốn cho quê hương sớm được thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Ngồi trong căn nhà sàn cũ kỹ, vì chủ nhân thiếu thời gian chăm sóc, tu sửa, bà Học trầm ngâm kể cho chúng tôi về tục cưới vợ của đồng bào Vân Kiều ngày xưa, nghe rất buồn bã. Thời đó, con trai, con gái đồng bào dân tộc Vân Kiều khi đến tuổi trưởng thành, biết nhớ thương người khác giới và có ý muốn kết đôi chung sống trọn đời bên nhau đều phải có sự chấp thuận của gia đình hai bên.
Tuy nhiên, khi gia đình hai bên chấp thuận cho đôi trẻ kết hôn thì nhà trai phải làm lễ “bỏ của” (Choq van), thường là những vật chất có giá trị lớn. Sau lễ “bỏ của” là đến lễ hỏi, gia đình nhà trai phải chọn ngày lành, tháng tốt nhờ ông mối đưa lễ vật gồm lợn, gà, nếp, rượu sang nhà gái. Chưa hết, đến ngày cưới, gia đình nhà trai phải tiếp tục mang lễ vật có giá trị lớn đến nhà gái.
Điều oái oăm, đây mới là lễ cưới bắt buộc… lần thứ nhất! Sau lễ cưới này, nhà trai còn phải tổ chức lễ cưới lần thứ 2, gọi là Tapkôl. Bởi theo quan niệm của đồng bào, khi tổ chức xong lễ cưới lần thứ hai thì người vợ mới được xem là thành viên trong gia đình nhà chồng. Lễ Tapkôl không bó buộc về thời gian tổ chức sớm hay muộn, mà phụ thuộc vào kinh tế của từng gia đình. Vì thế, có nhiều cặp vợ chồng sống với nhau đến già vẫn không có đủ tiền để làm lễ Tapkôl…!
Gần 13 năm đảm nhận trách nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Hướng Hiệp (từ năm 2000-2013), rồi Bí thư Chi bộ thôn Hà Bạc từ năm 2013 đến nay, bà Học đã in dấu chân khắp nhiều bản làng trên địa bàn xã Hướng Hiệp để vận động đồng bào dân tộc Vân Kiều xóa bỏ dần nhiều hủ tục trong việc tổ chức ma chay, cưới hỏi. Nhờ công lao của bà mà bản làng dần thay đổi, phát triển đi lên.