Sau Kinzhal, Nga đưa sát thủ diệt vệ tinh lên siêu tiêm kích MiG-31

Thứ Tư, 03/10/2018, 08:31
Quân đội Nga dường như đang triển khai thử nghiệm tên lửa 79M6, dự án siêu vũ khí diệt vệ tinh được phát triển từ thời Liên Xô, lên tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới MiG-31.

Một tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới MiG-31 của Nga hồi giữa tháng 9 hạ cánh xuống sân bay Zhukovsky, ngoại ô thủ đô Moscow với một quả tên lửa bí ẩn gắn dưới bụng. Sau khi quan sát, các chuyên gia nói rằng đây chính là siêu tên lửa diệt vệ tinh 79M6 do Liên Xô phát triển, Bussiness Insider đưa tin.

MiG-31 mang theo vũ khí bí mật được hộ tống bởi tiêm kích MiG-29. Ảnh: Ship Sash/Jetphotos.

Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Ship Sash người Nga chụp được một cách tình cờ, song nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới phân tích quân sự. Quả tên lửa màu đen treo dưới bụng chiếc MiG-31 có hình dáng lạ, không giống những loại vũ khí từng được Nga công bố trước đây, kể cả siêu tên lửa Kh-47M2 "Kinzhal".

Nhiều người nói rằng, sau thành công với Kinzhal, Nga khả năng cao đang thử nghiệm quá trình triển khai tên lửa diệt vệ tinh 79M6, trong bối cảnh các cường quốc quân sự trên thế giới đều đang tính tới việc triển khai các loại vũ khí tương tự.

Tyler Rogoway, chuyên gia phân tích hàng không, nhận định tên lửa mới sử dụng động cơ nhiên liệu rắn hai giai đoạn. Tên lửa này có thể được chế tạo cho nhiệm vụ chống vệ tinh. Ngoài ra, nó có thể được sử dụng làm phương tiện triển khai vệ tinh nhỏ ở quỹ đạo thấp bởi tên lửa có các vây lái ở đuôi có thể gập lại.

Tên lửa Kinzhal được lắp đặt trên tiêm kích MiG-31 của Nga. Ảnh: ITN

Trong khi đó, viện Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST) nhận định quân đội Nga đang tiến hành trở lại dự án vũ khí diệt vệ tinh 30P6 "Kontakt", được Liên Xô công bố vào cuối thập niên 1980. Theo dự án, các tiêm kích MiG-31 được cải tiến sẽ mang tên lửa tầm xa 79M6.

Điều này được xem là khá phù hợp bởi mới đây, quân đội Nga đã nâng cấp đáng kể tiêm kích MiG-31 để mang các tên lửa cỡ nặng như Kinzhal. Hiện tại, MiG-31 là thiết bị phù hợp nhất để triển khai các loại tên lửa răn đe chiến lược bởi khả năng mang vác cũng như tốc độ siêu nhanh của nó.

Theo Drive, mỗi chiếc MiG-31 có chiều dài 21,62m, trọng tải cất cánh tối đa 46,2 tấn, và tốc độ tối đa 3.000 km/h ở độ cao lớn, trong khi trần bay đạt 20.600m. Kết hợp với radar hiện đại, mỗi phi đội gồm 4 chiếc MiG-31 đủ sức quản lý vùng trời rộng 800km x 800km.

Thiện Minh
.
.
.