Vụ tiền ảo iFan: Hàng nghìn tỷ đồng bị chiếm đoạt – vì sao?

Thứ Hai, 16/04/2018, 10:54
Bắt đầu từ ngày 8-4, rất nhiều người dân kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech, lầu 9 tòa nhà Vietcomreal, trên đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh, đòi công ty này trả lại tiền. Người dân tố cáo Công ty Modern Tech lừa đảo, chiếm đoạt số tiền của họ lên đến 15 ngàn tỉ đồng, bằng cách đầu tư vào tiền ảo iFan, theo hình thức đa cấp.

Đồng thời, người dân cũng làm đơn tố cáo và kêu gọi cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

Giương bẫy đầu tư tiền ảo

Trong đơn, các nhà đầu tư tố cáo 7 người, gồm các ông Diệp Khắc Cường, Vũ Hữu Lợi, Lê Ngọc Tuấn, Phan Đình Sơn, Hồ Xuân Văn và các bà Bùi Mộng Trang, Bùi Ngọc Mỹ. Họ là những người đứng ra thành lập dự án iFan và Pincoin Việt Nam. Theo các nhà sáng lập thì iFan là dự án đến từ Singapore còn Pincoin đến từ Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Cả hai đều đã được luật pháp chính quốc công nhận.

iFan được giới thiệu là một dự án tiền kỹ thuật số. Theo Công ty Modern Teach thì đây là sự kết hợp giữa họ với các công ty công nghệ và giải trí trong khu vực để xây dựng nên mạng xã hội cho những người nổi tiếng, giúp họ tạo ra nguồn thu nhập bằng cách cập nhật trạng thái, bán sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, bán vé sự kiện, đăng ảnh..., giúp fan hâm mộ nghệ sĩ có thể mua sản phẩm, hoặc giao lưu trực tiếp với thần tượng... Công ty này còn cho biết sẽ phát triển ứng dụng công nghệ cho việc thanh toán và phân phối nội dung giải trí, một hình thức kinh doanh mới chưa có tại Việt Nam.

 Những người thành lập dự án này đặt ra đồng tiền ảo có tên gọi là iFan và Pincoin. Để lách luật, iFan và Pincoin đã ủy quyền cho Modern Tech, do Hồ Xuân Văn điều hành, làm đại diện pháp lý tại Việt Nam. Công ty này đã công khai tổ chức các sự kiện huy động vốn (ICO - Initial Coin Offering) tại Vũng Tàu, TP HCM và Hà Nội...

Một buổi tổ chức sự kiện của Modern Tech.

Đồng tiền ảo iFan, Pincoin giống như một cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu các nhà sáng lập lại phát hành đồng tiền ảo. Mục đích thứ nhất là để huy động vốn một cách nhanh chóng, thứ hai là qua mặt Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Các nhà sáng lập iFan và Pincoin Việt Nam là dùng yếu tố nước ngoài để tạo lòng tin, kêu gọi đầu tư. Trên một số phương tiện truyền thông, Modern Tech tự giới thiệu họ là công ty “chuyên nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào đời sống thực tế”, đã mạnh dạn đưa ứng dụng kỹ thuật trong ngành giải trí vào Việt Nam.

Từ cuối tháng 9-2017 đến khi bị tố cáo, Modern Tech đã 3 lần tổ chức sự kiện ở Vũng Tàu (ngày 29-9), tại TP HCM (ngày 15-11) và tại Hà Nội vào ngày 5-12, ra mắt đồng tiền điện tử iFan đồng thời mở bán chào mời đầu tư. Họ còn về tận các vùng quê để giới thiệu kêu gọi đầu tư cùng những cam kết và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư như lập học viện điện tử đầu tiên tại Việt Nam, dùng tiền ảo iFan để thanh toán tiền điện nước, mua vé máy bay giá rẻ, cấp thẻ visa tiền điện tử cho người giao dịch. Thậm chí họ còn khoa trương sẽ liên kết với chính phủ để nhà đầu tư được mua nhà, nhập cư vào Mỹ và các nước châu Âu...

Thực tế, iFan và Pincoin chỉ là một và tất nhiên chẳng có trụ sở nào ở nước ngoài. Nhà đầu tư cho rằng Modern Tech cố tình lừa đảo?

Miếng phomat có “xương”

Nhóm phát triển iFan đã dùng nhiều “bùa phép”. Họ mạo danh những người nổi tiếng trong showbiz để quảng cáo, trong đó có ca sĩ Lệ Quyên và “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng,... cũng đang hợp tác với iFan. Thứ hai là dùng “liệu pháp” kích thích lòng tham của nhà đầu tư. Ai muốn tham gia vào dự án iFan - Pincoin, phải đầu tư tối thiểu 1.000 USD,  số tiền đầu tư ban đầu không nhỏ nhưng lãi suất thì cực khủng.

Thực chất đây là mô hình kinh doanh đa cấp theo kiểu hình kim tự tháp, có 8 tầng. Lợi nhuận tầng thấp nhất là 1%, cao nhất là 8%, chia thưởng được chia theo cấp độ, từ thấp đến cao. Ai góp nhiều thì hưởng số phần trăm lợi nhuận càng lớn và thời gian thu hồi vốn cũng nhanh hơn.

Cả ifan và Pincoin đều chung một chủ.

Nếu góp từ 1.000 - 5.000 USD thì lãi suất từ 7-8%/tháng, thời gian hoàn vốn khoảng 6 tháng, từ 5.000 - 10.000 USD, lãi suất cao hơn. Lãi suất tăng tỷ lệ thuận với tiền gửi, nhưng tỷ lệ nghịch với thời gian hoàn vốn. Nếu khách hàng đầu tư số tiền lên tới hàng trăm nghìn USD trở lên thì lãi suất cực khủng - 48%, thời gian hoàn vốn tối đa là 4 tháng.

Chưa hết, nếu nhà đầu tư giới thiệu được thêm người thì còn được hưởng 8% trên số tiền của nhà đầu tư mới đồng thời còn được hưởng 1% lợi nhuận của các tầng từ 1-8%. Do vậy, nhiều nhà đầu tư nhỏ “hùn vốn” dồn cho một người có uy tín đầu tư để vừa có lãi suất cao, thời gian thu hồi vốn lại nhanh. Cũng chính vì hình thức này, con số nạn nhân của Modern Tech có thể không chỉ dừng ở 32 ngàn người và số tiền cũng khó thống kê.

Nhiều nhà đầu tư đã phải ôm nợ, tán gia bại sản. Có một cặp vợ chồng đã đổ vào đồng tiền ảo tới 16 tỉ đồng. Nhà đầu tư này cay đắng cho biết: “Vì tin vào sự hiện diện của một nghệ sĩ nổi tiếng và một doanh nhân có uy tín, cộng thêm những hứa hẹn lãi suất cao và những ưu đãi khác như mua vé máy bay, đặt khách sạn tốt giá rẻ hơn so với bên ngoài v.v... bằng iFan, nên chúng tôi tin tưởng và quyết định đầu tư. Nhưng giờ thì mới biết mình bị lừa.

Trung, một nạn nhân cho biết cũng “đóng góp” cho Modern Tech 150 triệu đồng, tham gia theo hình thức góp tiền đưa cho một người trung gian có uy tín. Đó là cả 2 năm tiền lương của Trung cộng lại. Bạn làm ăn chung rủ Trung đầu tư iFan. Một “biểu đồ” lãi suất được cậu bạn vẽ ra làm Trung hoa hết mắt, liều một phen, giờ tiền thì mất mà nỗi đau thật thì ôm.

Chị Phượng, ngụ Bình Thạnh, làm nghề kinh doanh tự do, kể: “Hết nhắn tin, rồi điện thoại chào mời, tôi luôn từ chối. Chúng bảo, anh chị chỉ cần tham gia cho có tên thôi, tụi em kiếm tiền nhiều tỉ cho anh chị. Đến nước này tôi nói thẳng: “Tôi chả tin cái gì mà lãi suất lên tới 48% một tháng. Làm gì có cái lãi suất trên trời vậy, hơn 500%/năm? Các em đừng kéo chị vào cái trò lừa người khác, bao nhiêu chị cũng không làm”. Chị cũng từng nhiều lần cảnh báo người quen đây là trò lừa đảo. Đáng tiếc, người nghe chị khuyên không nhiều.

Theo bà Trần Minh H (sinh năm 1938), ngụ quận 10 - một nhà đầu tư - thì nhóm người sáng lập còn là những kẻ trục lợi. Sau khi hứa hẹn với các nhà đầu tư và thu về số tiền “khổng lồ”, sau khi thu về hàng tỉ đồng từ các đợt huy động, chúng bất ngờ công bố chuyển hình thức trả thưởng sang... tiền ảo iFan với mức giá 5 USD/đồng. Và chỉ một thời gian ngắn giá trị của đồng tiền ảo này đã chạm đáy ở mức... 0,01 USD/đồng. Đồng tiền thật của nhà đầu tư thành rác.

Đứng sau iFan là “Lion Team - biệt đội sư tử”. “Biệt đội” này chuyên kết nối với các dự án tài chính về tiền ảo và quảng cáo cho các nhà đầu tư với mức lãi “trên trời”. Nhiều đơn thư tố cáo hoạt động của các dự án này chỉ đích danh Lê Ngọc Tuấn - Giám đốc đào tạo & phát triển marketing online iFan quốc tế.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng hình ảnh của anh bị lợi dụng.

Là một trong những người bị tố cáo, ông Diệp Khắc Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển mạng lưới hữu nghị (FNC), hoạt động trong lĩnh vực giải trí, làm đẹp, thời trang, công nghệ kỹ thuật số, khi trao đổi với truyền thông đã phủ nhận mình là người đồng sáng lập nhóm iFan. Trước đó ông và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác xuất hiện trong các hình ảnh quảng bá cho iFan.

Tuy nhiên ông Cường cho rằng ông tiếp xúc với iFan để bàn chuyện... hợp tác. Ông Diệp Khắc Cường cũng thừa nhận do không biết công ty này có dấu hiệu lừa đảo nên năm 2017 ông đã tham dự buổi nói chuyện giới thiệu về các dự án và hoạt động của FNC theo lời mời của iFan.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã lên tiếng rằng anh không liên quan đến dự án tiền ảo iFan. Anh cho rằng: “Đã có kẻ dựng chuyện và cố tình gán ghép cho Hưng với vai trò đại diện hay quảng cáo cho đa cấp huy động vốn gì đó! Tôi không liên quan đến việc này”.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay ông Diệp Khắc Cường... có phải là một trong những nạn nhân của trò “mượn người nổi tiếng để câu khách” hay không, cơ quan chức năng sẽ xác minh.  Chỉ biết một điều hình ảnh của họ chính đã từng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và nhiều người bây giờ đã trắng tay. 

Mọi kế hoạch kinh doanh của iFan như hứa hẹn như mở học viện, rạp chiếu phim, APP các nghệ sĩ... đều không hề được thực hiện. Cách đây 2 tháng iFan đã đóng trang điện tử của công ty mà không có lý do. Trên giấy phép kinh doanh Modern Tech có địa chỉ tại lầu 9 tòa nhà Vietcomreal nhưng hoàn toàn không có văn phòng làm việc, mọi liên lạc với lãnh đạo đơn vị đều không thể thực hiện.

Thực tế, Modern Tech được cấp phép hoạt động từ ngày 31-10-2017, đại diện hợp pháp là ông Hồ Xuân Văn (sinh năm 1988, ngụ tại quận 2, TP HCM) ngành nghề kinh doanh hỗ trợ dịch vụ tài chính, tư vấn quản lý, đại lý, môi giới, đấu giá, xuất bản phần mềm, lập trình máy tính...  Modern Tech là một công ty thuần Việt, không có liên quan gì tới công ty nước ngoài, cũng chưa đăng ký hóa đơn tài chính...

Được biết, ngày 11-4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng có công văn chỉ đạo 6 bộ, cơ quan ngang bộ gồm: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng vào cuộc, khẩn trương xem xét, xử lý vụ tiền ảo hơn 15 ngàn tỉ theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Lê Thanh Liêm, cũng vừa có văn bản giao Công an TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc liên quan đến đường dây dấu hiệu lừa đảo đa cấp huy động hơn 15 ngàn tỉ, đồng thời khẩn trương báo cáo đế xuất, trình UBND TP.

Theo pháp luật Việt Nam, kể từ 1-1-2018 các hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán tiền ảo bất hợp pháp tại Việt Nam đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong vụ việc với quy mô chục ngàn tỷ này, cơ hội lấy lại tiền của các nhà đầu tư tiền ảo là rất thấp. Các nạn nhân đang chờ kết quả từ phía các cơ quan chức năng.

Hoàng Châu - Đức Hà
.
.
.