Vì sao nhiều người vẫn bị chiếm đoạt tài sản qua điện thoại?

Thứ Tư, 25/12/2019, 09:19
Thời gian vừa qua, tại nhiều tỉnh thành phố lớn vẫn liên tục xảy ra các vụ gọi điện thoại giả danh để lừa đảo. Từ tháng 8-2019 đến nay đã có khoảng 20 người dân gọi đến Đường dây nóng của Bộ Công an phản ánh bị các đối tượng gọi điện thoại đến để lừa đảo. Số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng vài chục tỷ đồng.

Đặc biệt thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi, khó lường...

1. Sáng sớm một ngày mùa đông năm 2019, ông Hoàng Văn M. (sinh năm 1969, trú tại Hà Nội) đang lơ mơ ngủ thì nhận được một cuộc gọi từ một số điện thoại từ TP Hồ Chí Minh. Đầu dây xưng là điều tra viên của một Cơ quan Cảnh sát điều tra, thông báo ông M. có một khoản nợ tín dụng quá hạn phải thanh toán. 

Phía ngân hàng đã làm đơn tố cáo lên cơ quan Công an và ông M. có thể bị khởi tố, bắt giam. Nghiêm trọng hơn, tài khoản ngân hàng mở bằng giấy CMND của ông M. còn có liên quan đến một đường dây ma túy, rửa tiền lớn. Hiện các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có đủ hồ sơ để bắt ông M. Để thể hiện mình trong sạch, "điều tra viên" yêu cầu ông M. phải hợp tác tốt với Cơ quan công an.

"Sau cuộc điện thoại trên, đối tượng còn bật video call cho tôi những hình ảnh cán bộ mặc sắc phục Công an đang làm việc tại trụ sở. Đồng thời, đối tượng cũng bắt tôi phải dùng điện thoại phát video trực tuyến thể hiện mình đang ngồi một mình, xung quanh không có ai cả. Như vậy mới đảm bảo sự bí mật cho cuộc điều tra" - ông M. nhớ lại, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng.

Nạn nhân của trò lừa đảo giả danh qua điện thoại trình báo tại cơ quan Công an.

Cuối cùng, đối tượng yêu cầu ông M. kê khai các tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm... Bắt ông phải đi rút hết rồi chuyển cho chúng để cơ quan công an làm rõ. Nếu xác định số tiền này không liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ được trả lại. 

Do quá sợ hãi nên ông M. đã làm theo yêu cầu của chúng, chuyển vào tài khoản cho các đối tượng số tiền gần 2 tỷ đồng. Sau một thời gian trấn tĩnh, phát hiện bị lừa nên ông M. đến cơ quan công an trình báo.

Cũng lâm vào tình trạng bị các đối tượng giả danh để lừa đảo, song bà Trần Thị H. (sinh năm 1970, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) lại trúng phải "liên hoàn kế" của các đối tượng.

Ngày 11-11-2019 bà H. đang ở nhà một mình thì bỗng nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Phía đầu dây là giọng một cô gái miền Nam, thông báo bà có một bưu phẩm của Công an TP Hồ Chí Minh. 

Sau khi yêu cầu bà H. cung cấp số giấy CMND, họ tên, ngày tháng năm sinh... để làm thủ tục nhận bưu phẩm, đối tượng tiếp tục thông báo bên trong bưu phẩm là lệnh bắt giam của Cơ quan công an. Lý do bắt là do bà H. có liên quan đến một đường dây mua bán ma túy, rửa tiền.

Bà H. sợ hãi thanh minh thì đối tượng nói sẽ nối máy để bà H. gặp người của cơ quan công an. Khi bà H. gọi vào thì gặp một người đàn ông, xưng là điều tra viên thuộc Phòng CSĐT về Kinh tế, tham nhũng, buôn lậu TP Hồ Chí Minh. Người đàn ông hỏi thêm bà một số thông tin, đồng thời khẳng định bà H. - có số CMND này - liên quan đến một đường dây ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia.

"Khi đang nói chuyện với tôi, người đàn ông này có động tác quay sang phía bên cạnh vẻ như hỏi cấp trên rằng trường hợp này xử lý thế nào? "Cấp trên" trả lời rằng Viện kiểm sát đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, sẽ thực hiện trong vòng một vài ngày tới. Rồi anh ta quay sang nói lại với tôi cơ quan công an chuẩn bị thực hiện lệnh bắt và khám xét nhà tôi ở, yêu cầu tôi phải thực hiện theo những điều chúng nói" - bà H. kể.

Các đối tượng truy vấn bà H. có mấy tài khoản ngân hàng, có bao nhiêu tiền ở trong đó. Chúng cũng dọa bà H. muốn được khoan hồng thì phải lập một tài khoản mới mang tên bà, song phải ghi lại ID và mật khẩu rồi gửi cho chúng. Riêng số điện thoại dùng để nhận mật khẩu OTP thì là số của bọn chúng. Các đối tượng cũng yêu cầu bà H. phải rút tất cả số tiền tiết kiệm gửi vào tài khoản đó một cách nhanh nhất. Đặc biệt, bọn chúng còn yêu cầu bà H. phải bí mật việc này. 

"Cứ lẳng lặng đi làm, ai hỏi gì cũng không nói. Bởi nếu lộ ra sẽ làm hỏng cả chuyên án" - Bọn chúng dặn bà H. như vậy.

"Cả đời chưa bao giờ dính dáng đến pháp luật, nên khi nghe "cán bộ Công an" nói như vậy thì tôi cảm thấy rất sợ hãi. Trong người tự nhiên như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Viễn cảnh phải ngồi tù khiến cho tôi hết sức hoang mang. Do vậy tôi cứ răm rắp làm theo chúng. Thậm chí buổi chiều hôm ấy ở ngân hàng, mấy cô giao dịch viên còn nhắc tôi là hiện đang có nhiều đối tượng giả danh là công an để lừa chuyển tiền rồi chiếm đoạt, song tôi vẫn gạt đi. Bởi tôi nghĩ rằng tài khoản vẫn mang tên tôi, lo gì bị mất".

Chính bởi niềm tin ngây thơ đó mà chỉ vài giờ sau khi chuyển tiền vào tài khoản mới lập bà H. mới giật mình và quay lại ngân hàng kiểm tra tài khoản. Số tiền gần 1 tỷ đồng của bà H. đã bị chúng chuyển đến một tài khoản khác rồi rút sạch!

Tương tự như vậy, ngày 11-11-2019, bà Đoàn Thị Mai K. (sinh năm 1962, trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình) cũng bị nhóm đối tượng giả danh lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 700 triệu đồng.

Danh sách nạn nhân còn rất dài...

2. Theo một chỉ huy Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thời gian vừa qua nạn giả danh để lừa đảo qua điện thoại diễn biến rất phức tạp.

"Có những tuần mà cơ quan Công an nhận được hàng chục đơn trình báo bị các đối tượng lừa đảo, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, khoảng 1-2 năm trước đây nạn nhân thường là người nhiều tuổi, ít va chạm với đời sống xã hội, không nắm được thủ đoạn của bọn chúng. Và nhóm đối tượng cũng thường gọi vào máy điện thoại bàn của các "cụ" để lừa đảo. Nhưng hiện tại, nạn nhân có thể là những công chức nhà nước, thậm chí có những người mà bằng cấp đầy mình, có vị trí trong xã hội..." - vị này cho chúng tôi biết.

Tang vật một vụ lừa đảo giả danh qua điện thoại.

Bên cạnh đó, thủ đoạn của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi, khó lường. Nếu như thời gian trước bọn chúng giả số điện thoại của cơ quan chức năng gọi đến máy bàn để lừa đảo thì hiện tại bọn chúng gọi thẳng đến số điện thoại di động của bị hại. 

Các đối tượng còn thu thập được nhiều thông tin, đọc vanh vách khiến bị hại run sợ, và tin đúng là cơ quan Công an, viện kiểm sát... mới có thể có đủ thông tin như vậy. Rồi không chỉ gửi cho nạn nhân tiếng động, âm thanh thể hiện đang ở cơ quan công an, các đối tượng còn có cả clip ghi lại hình ảnh nơi làm việc (dĩ nhiên là không rõ mặt, chỉ quay phần lưng cán bộ chiến sỹ). Điều này khiến cho bị hại càng thêm tin tưởng.

Thủ đoạn của bọn chúng cũng rất tinh vi khi luôn hỏi hiện bị hại đang ở một mình hay có ai khác nữa để tiện đường đối phó. Bọn chúng cũng yêu cầu bị hại không được hé răng với người khác. Bên cạnh đó, chúng còn chế ra những văn bản như : "Giấy triệu tập"; "Lệnh bắt khẩn cấp"... rồi gửi cho bị hại, khiến họ hoang mang lo sợ. Nếu những người tinh ý thì sẽ phát hiện ra những văn bản đó trông rất thiếu chuyên nghiệp, nội dung thì được cắt dán lộn xộn "đầu Ngô mình Sở".

Ngoài ra, các đối tượng còn có chiêu đề nghị bị hại "giữ bí mật và hợp tác" với cơ quan điều tra. Chúng hứa hẹn sau khi chuyên án kết thúc sẽ tặng bằng khen và tiền thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng cho những người góp công. Chính vì thế mà không ít bị hại đã mất cảnh giác.

Hai đối tượng người nước ngoài bị Công an Hà Nội bắt giữ trong một đường dây giả danh công an gọi điện lừa đảo.

Cơ quan công an cũng cho chúng tôi biết thêm, trong số những đơn trình báo của các bị hại thời gian vừa qua, có một phụ nữ nhờ tham khảo ý kiến bạn bè mà tránh được một quả lừa của các đối tượng. Bà Nguyễn Phương L. (sinh năm 1973) nhận một cuộc điện thoại thông báo có một bưu phẩm gửi từ TP Hồ Chí Minh, nhưng vì lý do nào đó nên bưu phẩm không thể gửi đến đúng địa chỉ như dự định.

Từ bưu phẩm "lạ" này, nhân viên tổng đài cho biết người phụ nữ sẽ phải trao đổi với "Công an TP Hồ Chí Minh" để làm rõ, rồi tiến hành chuyển máy. Một lát sau, có người tự xưng là công an ở TP Hồ Chí Minh trao đổi với chị L., dọa nạt rằng chị có liên quan tới đường dây rửa tiền cho nhóm tội phạm ma túy, và sẽ bị bắt tạm giam.

Sau đó, kẻ tự xưng lại chuyển máy để nạn nhân gặp… "Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM". Lúc này, một kẻ khác tự xưng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM lại tiếp tục dọa nạt người phụ nữ, yêu cầu phải làm theo những gì chúng hướng dẫn, nhằm mục đích khiến nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.

Để tăng sự tin tưởng nhằm khiến nạn nhân hoảng sợ, hoang mang, nhóm lừa đảo còn gửi cho nạn nhân một tờ… "lệnh tạm giam", trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, địa chỉ… của nạn nhân.

Song nếu đọc kỹ vào tờ lệnh tạm giam giả mạo này, có thể thấy nhiều chi tiết bất thường, chẳng hạn như lệnh tạm giam của "Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao" nhưng phần ký tên lại là… Đại tá Trần Văn T. Hoặc số trên lệnh tạm giam là của năm 2018, nhưng lại được dùng cho năm 2019, các chi tiết về hình thức văn bản quy phạm pháp luật cũng không đúng quy định.

Chị Nguyễn Phương L. đã tỉnh táo và tham khảo thông tin của những người xung quanh, để không trở thành nạn nhân chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo.

Theo một lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, kịch bản mà nhóm tội phạm dạng này thực hiện phải do một đối tượng "lão luyện" về tâm lý tội phạm dàn dựng. 

Từ cách tiếp cận nạn nhân, dẫn dắt, cuốn hút vào "mê hồn trận", rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, không còn tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng yêu cầu. Thậm chí, nhiều bị hại sau khi gửi sạch tiền trong tài khoản cho chúng rồi vẫn còn nghĩ rằng mình đang hợp tác với… cơ quan điều tra.

Cơ quan Công an khuyến cáo

Khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, bưu điện, ngân hàng... gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ (ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc).

Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. 

Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là kẻ lừa đảo, vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. 

Mặt khác, cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định hoặc lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng.

M.Tiến - M.Trí
.
.
.