Ông Yasser Arafat đã thoát khỏi âm mưu ám sát như thế nào?

Thứ Sáu, 02/02/2018, 06:54
Chấn động từ vụ sát hại Danny và con gái 4 tuổi ở Nahariya đã khiến cho tướng Raful Eitan, Tổng Tham mưu trưởng IDF, nổi điên. Ông ta ra lệnh cho tướng chỉ huy vùng Avigdor Ben-Gal: “Giết hết bọn chúng!”, có nghĩa là “giết sạch” ban lãnh đạo PLO và những người có liên quan đến PLO ở Liban.

Bài tiếp theo kì 1:

Đặt bom dưới khán đài VIP

Được Eitan bật đèn xanh, Ben-Gal đã bổ nhiệm Meir Dagan, chuyên gia về các chiến dịch đặc biệt làm chỉ huy các hoạt động ám sát mục tiêu ở Nam Liban. Để thực hiện kế hoạch theo mệnh lệnh của tướng Eitan, Ben-Gal và Dagan thành lập ra cái gọi là Mặt trận Giải phóng Liban khỏi người nước ngoài (FLLFF). Toàn bộ hoạt động của FLLFF hầu như không cần phải xin phép hay báo cáo cho IDF, Bộ Quốc phòng, các cơ quan tình báo hay Chính phủ Israel biết.

Trong giai đoạn từ năm 1979 đến khi giải thể vào đầu năm 1983, FLLFF đã sát hại hàng trăm người. David Agmon, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy phương Bắc của IDF, cho biết, mục tiêu của hàng loạt vụ giết chóc này là nhằm gây hỗn loạn trong người Palestine và Syria ở Liban, để làm cho người Palestine ở Liban có cảm giác không an toàn, gieo cho họ nỗi lo lắng thường trực bị tấn công.

Để làm thế, Dagan và bộ chỉ huy FLLFF đã tìm cách thu nạp những người địa phương thuộc bộ tộc Druize, người theo đạo Thiên chúa và Hồi giáo Shiite phản đối sự hiện diện của người Palestine trên đất Liban.

Ông Yasser Arafat và Airel Sharon.

Vào ngày 5-8-1981, Thủ tướng Israel Menachem Begin bổ nhiệm ông Ariel Sharon làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Sharon nhanh chóng gia tăng sức ép. Ông ta khôi phục lại việc hướng mục tiêu trọng tâm vào Arafat và bật đèn xanh cho Ben-Gal và Dagan tiến hành chiến dịch ám sát sẽ làm thay đổi lịch sử Trung Đông. Đó là chiến dịch Olympia, cài điệp viên Israel vào đặt bom bên dưới khán đài VIP trong một sân vận động ở Beirut, nơi sẽ diễn ra lễ kỷ niệm cuộc kháng chiến chống Israel của PLO vào ngày 1-1-1982.

Quả bom được cài chế độ điều khiển từ xa, chỉ cần bấm nút là toàn bộ ban lãnh đạo PLO sẽ tiêu tan. Mọi thứ đã sẵn sàng, quả bom cực mạnh đã được cài bên dưới khán đài, kể cả 3 chiếc xe chở đầy chất nổ cũng đã được chuẩn bị để đậu trên đường phố quanh sân vận động. Israel dự tính khoảng một phút sau khi khán đài phát nổ sẽ kích nổ thêm 2 vụ nổ bom xe để gây hoảng loạn và cũng để tiêu diệt nốt những kẻ sống sót sau vụ nổ khán đài. Hậu quả của chiến dịch này sẽ rất khủng khiếp, chưa từng có ở Trung Đông.

Thế nhưng, một nhóm sĩ quan thuộc lực lượng tình báo quân đội AMAN lo ngại những gì sẽ xảy ra, vì thế họ cùng với một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến gặp Thủ tướng Begin để thuyết phục ông ra lệnh hủy chiến dịch. Thế là Begin ra lệnh hủy chiến dịch.

Trong khi đó, ông Sharon cũng đang theo đuổi một kế hoạch bao trùm hơn. Vào ngày 6-6-1982, IDF xua quân tràn qua biên giới Liban, với lực lượng hùng hậu gồm 76.000 binh sĩ, 800 xe tăng và 1.500 xe quân dụng thẳng tiến lên phương Bắc, và chỉ trong 2 tuần đã triển khai một cuộc bao vây và nã pháo ào ạt vào khu dân cư phía tây Beirut.

Sharon đưa ra lý giải rằng mục tiêu của cuộc chiến là nhằm triệt tiêu các khẩu đội pháo của PLO đang đe dọa Israel, nhưng trên thực tế ông ta có ý đồ sâu xa hơn: quân đội Israel sẽ chinh phục Liban và trục xuất toàn bộ người Palestine sang đất Jordan, nơi họ sẽ chiếm đa số dân và sẽ dễ dàng thành lập nhà nước của riêng họ, còn phần đất khu Bờ Tây và Dải Gaza sẽ hoàn toàn thuộc về Israel.

Với mục tiêu này, Sharon lập ra lực lượng đặc nhiệm mang bí danh là Salt Fish, giao cho hai phụ tá đặc biệt là Dagan và Rafi Eitan làm chỉ huy. Dagan tin rằng, giết chết được ông Arafat sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử Trung Đông, bởi ông ấy không chỉ là một lãnh đạo Palestine mà là một lãnh tụ lập quốc của dân tộc Palestine. Ám sát ông ấy sẽ khiến cho PLO trở nên như “rắn mất đầu”, từ đó phá hỏng cuộc đấu tranh của người Palestine.

Đại tá Uzi Dayan, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Sayeret Matkal của quân đội Israel, nắm quyền chỉ huy Salt Fish. Lực lượng này phối hợp chặt chẽ với đơn vị tình báo AMAN biệt phái người trú đóng ở Beirut để truy lùng ông Arafat. Không kích được lựa chọn là phương án tấn công. Đây là một nhiệm vụ hết sức phức tạp, vì phải sàng lọc thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để có thể xác định khu nhà nào là nơi trú ngụ của ông Arafat, đánh dấu trên bản đồ và khoanh vùng, siết chặt vòng vây vào mục tiêu.

Ông Arafat hiểu rõ rằng không phải ngẫu nhiên mà bom cứ dội ào ào xuống những nơi mà ông sắp đặt chân đến hoặc vừa mới rời đi. Vì thế ông cứ phải thay đổi lộ trình liên tục, đồng thời có những hành động nhằm khiêu khích các lực lượng đặc nhiệm Israel. Ngày 3-7-1982, Uri Avnery, tổng biên tập một tạp chí thiên tả ở Israel, cùng với một phóng viên của tạp chí đã vượt qua giới tuyến Beirut để phỏng vấn ông Arafat ngay giữa trung tâm Beirut.

Thủ tướng Israel Menachem Begin (bên trái) bổ nhiệm ông Ariel Sharon làm Bộ trưởng Quốc phòng năm 1981.

Cuộc phỏng vấn đã gây nên làn sóng tranh cãi ở Israel. Lực lượng Salt Fish quyết định lợi dụng cơ hội này để cho sát thủ âm thầm bám theo các phóng viên báo chí để ám sát ông Arafat. Nhưng ông Arafat vốn tinh ý đã nghi ngờ MOSSAD có thể bám theo các phóng viên báo chí. Vì thế lực lượng an ninh Palestine đã bày ra nhiều biện pháp ứng phó, khiến cho lực lượng Salt Fish bị mất dấu các phóng viên báo chí ở ngay cửa ngõ phía nam Beirut.

Đến cuối ngày, Sharon và tướng Raful Eitan hối thúc lực lượng không quân và Salt Fish phải làm sao hạ cho được ông Arafat. Uzi Dayan, một chỉ huy của Salt Fish, nghĩ rằng ông Arafat là một mục tiêu hợp pháp, nhưng nếu để chết nhiều dân thường thì sẽ là không hợp pháp. Vì thế, Dayan lấy lý do có quá nhiều dân thường xung quanh ông Arafat nên ông đã không thể ra lệnh cho máy bay xuất kích tiêu diệt mục tiêu.

Tướng Eitan gầm lên rằng, Dayan phải tuân mệnh lệnh cấp trên, không có quyền quyết định ném bom hay không ném bom. Nhưng Dayan vẫn tìm được cách để can thiệp vào quyết định này. Ông phải báo cáo lên Eitan khi nào thì cơ hội chín muồi để hạ mục tiêu, dựa trên cơ sở tình báo. Nhờ đó, mỗi lần cấp trên hối thúc là Dayan lại đưa cái lý “thời cơ chưa chín muồi” ra để trì hoãn thi hành mệnh lệnh.

Có lẽ đánh hơi được sự kháng lệnh của Dayan, Eitan bắt đầu hành động quyết liêt hơn. Vào chiều ngày 4-8-1982, Eitan gọi chỉ huy trưởng Cục tác chiến không quân Aviem Sella lên gặp. Giữa hai người có mối quan hệ mật thiết với nhau và Eitan có vẻ quý mến Sella.

Tại cuộc gặp, Eitan bảo Sella thực hiện một chuyến công tác “ra nước ngoài”. Sella hiểu rằng đó là chuyến đi đến Beirut nhằm “tiền trạm” chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ và ám sát ông Arafat. Nhưng trong lòng Sella cảm thấy bị sốc và tin rằng điều đó “thật điên rồ”, ông ta kể lại với báo chí. Tin mật báo của lực lượng tình báo Israel cho biết, ông Arafat sẽ đến dự một cuộc họp tại một tòa nhà văn phòng ở trung tâm Beirut.

Thế nhưng, có lẽ do giữa các chỉ huy, lãnh đạo của chiến dịch quân sự không có sự thống nhất trong hành động nên các quyết định đưa ra thiếu chính xác. Và một lần nữa, ông Arafat thoát hiểm trong gang tấc, vì quả bom rơi ngay trước khi ông đến địa điểm họp.

Ám sát trên không

Tuy thất bại hết lần này đến lần khác, nhưng quyết tâm ám sát ông Arafat của Sharon vẫn không lay chuyển. Sau chiến dịch quân sự ở Beirut, các lãnh đạo PLO và lực lượng an ninh, quân sự Palestine rút khỏi Beirut. Sharon và Eitan thì nóng lòng muốn giết Arafat.

Đến thời điểm này, Sharon thay đổi suy nghĩ, cho rằng ám sát Arafat một cách công khai chỉ càng làm cho Arafat được mọi người tôn sùng, sẽ khiến ông trở thành người hùng hy sinh vì dân tộc. Thế là Sharon chỉ đạo các tổ chức tình báo Israel tìm ra phương án tinh vi hơn để trục xuất ông Arafat. Đơn vị Salt Fish chuyển thành Goldfish, nhưng nhiệm vụ thì vẫn như cũ, và ông Sharon ra lệnh đơn vị này phải xem việc ám sát Arafat là ưu tiên hàng đầu.

Các ông Meir Dagan và David Ivry (trên); Aviem Sella và Ariel Sharon (dưới) trong guồng máy ám sát ông Arafat.

Ngay cả sau vụ ám sát hụt, suýt gây thảm họa vào tháng 10-1982 cũng không khiến cho ông Sharon chùng tay, mà trái lại ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Thậm chí khi MOSSAD báo cáo rằng, ông Arafat đi máy bay thương mại nhiều hơn, Sharon quyết định rằng những chuyến bay như thế sẽ là “mục tiêu hợp pháp” và máy bay sẽ phải bị bắn hạ trên biển khơi, cách xa đất liền, nhằm đánh lạc hướng điều tra.

Sharon tính toán rằng, trong trường hợp đó, các nhà điều tra sẽ mất rất nhiều thời gian tìm kiếm xác máy bay và sẽ khó xác định máy bay rơi là do bị bắn hay hỏng động cơ. Biển sâu sẽ gây cản trở lớn cho việc tìm ra sự thật.

Không quân được giao nhiệm vụ vạch kế hoạch hành động chi tiết. Họ tìm ra một khu vực trên Địa Trung Hải nằm trong đường bay của máy bay thương mại nhưng nằm ngoài tầm phủ sóng ra-đa của các quốc gia xung quanh, đáy biển lại sâu đến gần 5 km, do đó công tác cứu hộ sẽ vô cùng khó khăn. Đây là khu vực lý tưởng để thực hiện một vụ tấn công máy bay dân sự, nhưng phạm vị thực hiện hành động tấn công cũng rất hẹp.

Bởi vì chiến dịch phải được triển khai từ không phận Israel, nằm ngoài tầm phủ sóng ra-đa và sóng vô tuyến của Israel, nên lực lượng thi hành nhiệm vụ phải thiết lập một “bộ chỉ huy trên không”, sử dụng máy bay Boeing 707 gắn thêm các thiết bị ra-đa và liên lạc thông tin. Sella sẽ chỉ huy tác chiến từ chiếc máy bay đặc biệt này.

Theo mệnh lệnh trực tiếp từ ông Sharon, công tác dò tìm Arafat được duy trì liên tục và 4 chiếc chiến đấu cơ F-16 và F-15 luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để can thiệp bất cứ lúc nào. Trong vòng 9 tuần lễ, từ tháng 11-1982 đến tháng 1-1983, những chiếc máy bay này đã thực hiện ít nhất 5 phi vụ cày xới không phận trên Địa Trung Hải nhằm can thiệp và bắn hạ bất cứ máy bay nào nếu phát hiện có chở ông Arafat, nhưng rốt cuộc đều phải quay về ngay sau khi cất cánh.

Amos Gilboa, chỉ huy bộ phận nghiên cứu của cơ quan tình báo AMAN, là một trong những người phản đối gay gắt các hoạt động can thiệp máy bay trên không này. Gilboa có trách nhiệm phân tích các tác động về chính trị, quân sự và kinh tế của các hoạt động đó. Và ông đã nhiều lần can ngăn tướng Eitan rằng, hành động như thế sẽ gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng là hủy hoại nhà nước Do Thái trên trường quốc tế.

Cùng quan điểm với Gilboa, các chỉ huy không quân cũng nhiều lần ngăn cản chiến dịch, từ chối tuân lệnh cấp trên một khi họ thấy việc làm đó bất hợp pháp.

Thế nhưng, tháng 11 năm 2004, Arafat lại đột ngột qua đời vì một chứng đột quỵ bí ẩn. Các chuyên gia y khoa nghi ngờ Arafat bị Israel đầu độc một cách vô cùng tinh vi. Nhưng Israel đã chối bỏ điều này.

An Tôn (theo The Guardian)
.
.
.