Từ “chiến dịch” giành lại vỉa hè, nghĩ đến trách nhiệm của người đứng đầu

Thứ Năm, 23/03/2017, 08:11
Nhiều người đồng cảm với tôi rằng, công việc và mục tiêu chỉnh đốn, xây dựng Đảng hiện nay hoàn toàn không cao siêu hay ở đâu rất khó thấy, mà nó bắt đầu từ những chuyện đang xảy ra trước mắt, hằng ngày, có liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, đến chén cơm, manh áo của nhân dân. Và ở đó, bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.


“Chiến dịch” giành lại vỉa hè tính đến thời điểm này đã diễn ra hơn 2 tháng (bắt đầu từ ngày 16-1). Xuất phát từ quận 1 TP Hồ Chí Minh, “chiến dịch” này đã và đang tạo một hiệu ứng tích cực, lan tỏa cả nước, quan trọng nhất là nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao trong dư luận, nhân dân.

Ngày 28-2, Bộ trưởng Bộ Công an gửi công điện chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự ATGT, trật tự công cộng, kiên quyết không để tái diễn vi phạm.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, ngay sau đó, đánh giá về việc nhiều địa phương đồng loạt ra quân hưởng ứng “chiến dịch” giành lại vỉa hè, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận “đây là tin vui”. Xác định đây là việc không dễ, không thể “làm tất cả ngay” nhưng người đứng đầu Chính phủ bày tỏ quyết tâm “không thể làm đầu voi đuôi chuột”…

Thực tế trước “chiến dịch” này, kể từ cách nay 22 năm, khi Nghị định 36/CP (về đảm bảo ATGT đường bộ trật tự ATGT đô thị) ra đời, nhiều đô thị lớn trong cả nước cũng ra quân lập lại trật tự vỉa hè, thế nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tái diễn.

Khác với những lần trước, lần này những người thực hiện “chiến dịch” thể hiện thái độ quyết tâm đạt được mục tiêu – giành lại vỉa hè cho người đi bộ, hay như kỳ vọng của chính quyền nơi khởi nguồn của “chiến dịch” là “muốn biến khu trung tâm Sài Gòn thành Singapore thu nhỏ”.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên tại một hội nghị cuối 2016, lãnh đạo quận 1 đã “không ngồi bàn giấy chỉ đạo”. Và ngay trong những ngày đầu trực tiếp ra đường lập lại trật tự lòng lề đường, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1 mạnh dạn tuyên bố: “Nếu không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng”.

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Là người đại diện của chính quyền quận trung tâm của thành phố mang tên Bác, chắc chắn ông Hải thấm nhuần quan điểm đúng đắn này của Người.

Thực tế, tính đến ngày bắt đầu “chiến dịch”, ông Hải mới có khoảng thời gian 9 tháng theo dõi, chỉ đạo mảng trật tự đô thị. Trước đó, ông phụ trách công việc rất khác – Chủ nhiệm UBKT Quận ủy. Nhưng là một cán bộ lãnh đạo, đồng thời là đại biểu HĐND, ông cũng cảm nhận điều mà người dân đang trông vào những cán bộ như ông.

“Nhân dân đang ủng hộ, đang trông chờ vào chính quyền mà tôi chùn bước thì không xứng đáng là người cán bộ, đảng viên nữa. Không một ai, không một tổ chức nào có quyền đứng trên pháp luật”, ông nói tại hiện trường.

Tự xác định trách nhiệm trước dân, trước Đảng – lời nói phải đi đôi với việc làm, không nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị và bên ngoài là một; hứa nhiều, làm quyết liệt, hiệu quả,… nếu không sẽ không xứng đáng, những cán bộ như ông Hải chấp nhận đối mặt với nhiều cái khó, nếu không quyết tâm sẽ khó vượt qua. Khi “chiến dịch” đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người, trong đó có người dân nghèo, ông Hải đã phải giải thích, mong muốn nhận được sự cảm thông bằng chính câu chuyện của mình rằng ông vốn lăn lộn cùng gia đình 20 năm buôn bán hàng rong trên vỉa hè của chính nơi ông đang làm phó chủ tịch.

“Nhưng vì sự phát triển của quận cũng như của thành phố thì buộc lòng phải chấm dứt hàng rong. Không thể cứ vịn vào cớ vì người nghèo nên không xử lý”, ông nói.

Sau những ngày đầu thực hiện “chiến dịch”, dư luận, người chê, có nhiều luồng quan điểm khác, người khen, đồng thuận nhiều nhưng người “chê”, phản ứng; thậm chí lãnh đạo thành phố “vấn” sao không giao cho các phường, ông Hải trả lời ngay: “Có giao nhưng phường làm chậm quá”.

Nghe vậy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phấn khởi nói sẽ ngồi lại với các quận để quán triệt tinh thần: “Phải làm thiệt như quận 1. Phải chỉ đạo như vậy mới được. Giờ này còn ngồi bàn là không… ăn”.

Hàng ngàn trường hợp lấn chiếm vỉa hè bị xử lý và gần như không trừ một ai; xe biển xanh cũng bị cẩu, phạt vi phạm. Không có một ngoại lệ trong “chiến dịch”. Mọi người đều cảm nhận khá đầy đủ về sự bình đẳng – thượng tôn pháp luật.

Đến giờ, có ít nhất 7 cán bộ phường, đúng như biểu hiện mà Nghị quyết TƯ4 đã chỉ ra: không gương mẫu trong công tác; hoặc né tránh, thiếu trách nhiệm, làm việc qua loa, kém hiệu quả; không thể hiện ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những bức xúc, đòi hỏi chính đáng của nhân dân,… đã bị phê bình nghiêm khắc, thậm chí cách chức.

Trước nhiệm vụ lập lại vỉa hè cho 134 tuyến đường trên địa bàn, lãnh đạo quận 1 cảnh báo cho lãnh đạo 10 phường: “Phường nào không tốt chắc chắn cán bộ sẽ bị xử lý bằng các hình thức điều chuyển, hạ chức và thậm chí là cách chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ”.

“Chiến dịch” giành lại vỉa hè hiện vẫn đang tiếp tục. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh – nơi “nổ phát súng đầu” mở màn “chiến dịch” này tỏ rõ quan điểm chỉ đạo, nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo chủ chốt địa phương. Trùng vào thời điểm cả nước đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TƯ4 (khóa XII), Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng xác định, chủ tịch, bí thư và trưởng Công an phường là ba vị trí quan trọng nhất trong “chiến dịch”.

Không chỉ yêu cầu “khoán trách nhiệm công vụ” gắn với từng tuyến đường, từng khu phố cho cán bộ để làm cơ sở xử lý nếu để xảy ra mất trật tự đô thị, ông Thăng còn yêu cầu kiên quyết dẹp chuyện bảo kê, chống lưng cho hoạt động kinh doanh trên vỉa hè. Quá trình thực hiện “chiến dịch” tại 23 quận, huyện, nếu có sai sót gì thì chấn chỉnh ngay; không để dư luận, nhân dân bức xúc.

Đấy cũng là tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, đặt lợi ích của số đông nhân dân lên trên hết – một trong những yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ4, Khóa XII.

Thái Bình
.
.
.