Thực hiện đủ cần, kiệm, liêm, chính trong học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác

Chủ Nhật, 19/05/2019, 07:37
Trong nhiều năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII với quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng ta tuyên bố công khai không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xóa bỏ chuyện “hạ cánh an toàn”… đã gây dựng được niềm tin mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân.

Việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã mang lại kết quả như thế nào trong nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên và của toàn dân? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

PV: Là một nhà khoa học nghiên cứu sâu sắc về Hồ Chí Minh, Giáo sư nhìn nhận như thế nào về việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người?

GS Hoàng Chí Bảo: Từ Đại hội Đảng lần thứ X, Đảng ta có chủ trương rất quan trọng, là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học theo tấm gương đạo đức của Bác. Đại hội XI có một sự phát triển mới, việc học tập làm theo Bác phải thường xuyên, lâu dài, bền bỉ, không coi đây là một cuộc vận động có tính chất hành chính, lễ hội nữa mà phải trở thành nhu cầu văn hóa. 

Đại hội XII nhấn mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, chứ không chỉ là tấm gương đạo đức nữa. Những chỉ dẫn quan trọng này của Đảng ta có ý nghĩa lâu dài để chúng ta học tập và làm theo Bác một cách nhất quán trong toàn Đảng, toàn dân.  

Trong nhiều năm nay việc học tập, làm theo Bác, từ Đảng đến dân, chúng ta có những bước tiến rất quan trọng, như nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và mọi người dân để thấy được sự cống hiến lớn lao của Bác với sự nghiệp cách mạng. 

Nhờ có việc học tập, làm theo Bác mà chúng ta đã có bước tiến thực sự trong việc thực hành dân chủ. Đất nước ta đổi mới hơn 30 năm, đạt được thành tựu như vậy chính là chúng ta đã đẩy mạnh thực hành dân chủ. Làm cho các cơ quan công quyền thực sự phục vụ nhân dân, giáo dục đạo đức công chức, kỷ luật công vụ cũng nhằm mục tiêu dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ và thực hiện lợi ích chính đáng của nhân dân. Thực hành dân chủ chính là một trong những giải pháp quan trọng để chống tham nhũng.

Thành tựu lớn nhất là những năm gần đây, đặc biệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII là quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lần đầu tiên Đảng ta tuyên bố công khai không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xóa bỏ chuyện hạ cánh an toàn, những gì bất minh, bất chính đều được lôi ra ánh sáng. 

Chưa bao giờ Đảng kỷ luật cán bộ cao cấp nhiều như bây giờ, chưa bao giờ các vụ án lớn được phơi bày trước công luận, được xử lý nghiêm minh bằng pháp luật như hiện nay. Đây là bước tiến lớn khi chúng ta học tập và làm theo Bác, nhờ vậy mà đã phục hồi được lòng tin của dân. Điều này thể hiện sự quyết tâm và bản lĩnh chính trị của Đảng, xứng đáng là Đảng cầm quyền là phải nói thật, làm thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật để nhân dân tin và noi theo. Đó là thành tựu rất lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, là đạo đức, là văn minh như Bác đã từng nhấn mạnh.

Thành tựu nữa mà khi học tập, làm theo Bác là toàn Đảng, toàn dân đã tăng cường được đoàn kết, nhất là đoàn kết trong Đảng, đây là nhân tố rất quan trọng quyết định thắng lợi. Đoàn kết để đồng thuận xã hội, để toàn Đảng, toàn dân là một sức mạnh tổng hợp. Đây là một đảm bảo tin cậy để chúng ta ổn định chính trị, phát triển đất nước,thể hiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Có được những thành tựu này chính là nhờ di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh.

PV: Vậy theo Giáo sư, việc toàn Đảng, toàn dân ta học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ hiện còn điều gì khiến Giáo sư trăn trở?

GS Hoàng Chí Bảo: Tôi cho rằng, bên cạnh thành tựu chúng ta phải thẳng thắn nhìn ra khiếm khuyết. Việc học tập theo Bác ở một số nơi vẫn còn hình thức, ngay cả cấp ủy một số nơi vẫn chưa coi trọng. Nhất là vấn đề thực hành vẫn còn nhiều điểm yếu kém. 

Rõ nhất vẫn còn lãng phí, quan liêu, tham nhũng, thậm chí ngày một tinh vi hơn. Đặc biệt vẫn còn tình trạng nói chưa đi đôi với làm, chưa thực hiện được phương châm của Bác là “nói ít làm nhiều”, lời nói việc làm không ăn khớp dẫn đến mất lòng tin của nhân dân.

Việc học tập và làm theo Bác phải tập trung vào phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường sức mạnh của thể chế chính trị, chăm lo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân. Vấn đề này chúng ta vẫn còn hạn chế. Vì nhìn vào hàng nghìn tỷ đồng bị lãng phí, những dự án bị đắp chiếu, nhân dân vùng núi, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn nghèo khổ; trẻ em và phụ nữ bị bạo lực, bạo hành; trẻ bị xâm hại tình dục…

Nhức nhối nhất là tình trạng suy đồi đạo đức trong một bộ phận cán bộ đảng viên, những lệch lạc về nhân cách trong một số giáo viên…Tất cả những điều này nhân dân nhìn rất rõ. 

Trong cuộc đấu tranh này, ở một số nơi chúng ta còn cả nể, hình thức, che chắn cho nhau, nhất là chưa đánh giá nghiêm khắc về những sai sót của cán bộ, đánh giá quy trình cán bộ, bố trí cán bộ, tại sao lại có hiện tượng nhiều người lợi dụng chức quyền đưa đưa con cháu vào làm việc, chạy chức chạy quyền….

GS Hoàng Chí Bảo.

PV:Việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay của Đảng ta như thế nào, thưa Giáo sư?

GS Hoàng Chí Bảo: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về xây dựng đội ngũ cán bộ, chúng ta  đặc biệt chú trọng vào phẩm chất, đạo đức nhân cách “cần, kiệm, liêm, chính”. Người cán bộ tốt phải là người cán bộ có bản lĩnh, không màng danh lợi, toàn tâm toàn ý vì dân vì nước. 

Cho nên Bác mới kiên quyết, suốt đời đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân là thế, đấu tranh kiên quyết để loại trừ thói hư, tật xấu, rõ nhất là quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng, mà Đảng ta gọi là quốc nạn. Bác còn dùng từ “tẩy sạch” quan liêu và tham nhũng. Nhấn mạnh về đạo đức cách mạng Bác còn dùng 4 chữ: không đủ “cần, kiêm, liệm, chính” thì không thành người hoàn toàn và không đủ 4 chữ này thì không đủ tư cách Đảng viên Đảng Cộng sản. Đấy là chuyển biến rất tốt về nhận thức và từng bước biến thành hành động trong toàn Đảng, toàn dân.

Tôi cho rằng, một thành tựu rất quan trọng trong 10 năm nay, nhất trong nhiệm kỳ khóa XII này là ở chỗ, Đảng ta đặc biệt chú trọng vào sự gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt cán bộ cao cấp, cán bộ cấp chiến lược. 

Nghị quyết VIII, khóa XII vừa rồi quy định trách nhiệm nêu gương, 8 điều phải ra sức tiên phong gương mẫu thực hiện, 8 điều phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, phải chống bằng được lợi ích nhóm, chống bằng được những bất minh, bất chính, bất liêm để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, bảo vệ thanh danh của Đảng…

Đây là điều vô cùng cần thiết, thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng đạo đức, trách nhiệm nêu gương của người cán bộ trong bối cảnh hiện nay.

PV: Để việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào mọi góc cạnh của cuộc sống, theo Giáo sư chúng ta cần phải có cách làm như thế nào?

GS Hoàng Chí Bảo: Để đưa việc học tập và làm theo Bác vào thực chất, hiệu quả, bền vững, thực sự là nhu cầu văn hóa của toàn Đảng, toàn dân, theo tôi phải tìm kiếm những giải pháp sáng tạo. Phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, để nhận thức cho đúng về giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong công tác tuyên truyền phải đổi mới nội dung và phương pháp, công tác tuyên giáo phải hấp dẫn, sinh động, có sức sống, không hình thức, cứng nhắc, không giáo điều, sáo rỗng, phải có sức cảm hóa, thúc đẩy và lan tỏa. 

Trong đó phải chú trọng giáo dục nhận thức trong Đảng để làm gương. Đẩy mạnh việc giáo dục về Bác trong hệ thống nhà trường từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học cho đến bậc tiến sĩ. Cần làm cho mọi người hiểu rõ di sản Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh cần thiết cho sự phát triển đất nước như thế nào. Cần làm cho mọi người thấm nhuần những tác phẩm của Bác đã được coi là bảo vật Quốc gia, nhất là bản di chúc một nghìn từ Bác để lại cho chúng ta.

Giải pháp thứ hai, theo tôi rất quan trọng, đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đề cao trách nhiệm theo Nghị quyết Trung ương VIII quy định trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Phải giữ được mối liên hệ mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình của nhân dân để sửa chữa kịp thời. 

Như Bác nói, có lỗi phải xin lỗi với dân, và xin lỗi dân rồi phải quyết tâm sửa lỗi chứ không được hứa suông, càng hứa suông thì càng mất niềm tin. Phải chú trọng chất lượng của Chi bộ, chất lượng đảng viên vì Chi bộ là tế bào của Đảng, Chi bộ có mạnh thì toàn Đảng mới mạnh, đảng viên có tốt thì toàn Đảng mới trong sạch…

Một giải pháp nữa là phải giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, về lý tưởng cách mạng, nền độc lập, chủ quyền của chúng ta vẫn thường xuyên bị đe dọa bởi các thế lực xâm lược tham vọng bên ngoài. Đặc biệt phải nâng cao tiềm lực văn hóa để khi chúng ta hội nhập với thế giới thì vẫn giữ được bản sắn dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc.

Tất cả những biện pháp này quy tụ vào một giải pháp chiến lược, đó là coi xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt. Phải chú trọng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, nhất là năm nay chúng ta kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Bác. 

Với những giải pháp như thế, tôi tin việc thúc đẩy học tập, làm theo Bác lên một trình độ cao hơn, thực chất hơn, làm tăng uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, làm cho cả dân tộc đồng thuận hướng tới một triển vọng phát triển trong tương lai.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.