Tăng thuế xăng dầu và những hệ lụy

Chủ Nhật, 20/05/2018, 08:33
Sau thời gian lấy ý kiến, Bộ Tài chính vừa trình phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên “kịch khung” khiến cho dư luận một lần nữa lại “dậy sóng”. Vậy quyết tâm tăng thuế của Bộ Tài chính dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào?

PV Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.

PV: Thưa ông, có vẻ như Bộ Tài chính đang quyết tâm tăng thuế theo quan điểm riêng của mình...

TS Lê Đăng Doanh: Theo lộ trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, năm 2018, hàng hóa vào Việt Nam sẽ có thuế suất giảm về mức 0-5%, ngoài ra còn 12 hiệp định thương mại tự do cũng kéo giảm thuế hàng hóa nhập khẩu về từ các nước. Bộ Tài chính thiếu hụt thu ngân sách rất lớn nên tìm mọi cách để bù vào sự thiếu hụt đó.

Một trong những biện pháp nhanh nhất, dễ nhất là thu vào thuế xăng dầu: cứ nhập khẩu về là cộng thêm thuế, còn bán ra bao nhiêu, chi phí đội lên bao nhiêu là việc tính toán của doanh nghiệp đầu mối. Dĩ nhiên sau đó là đến việc của người tiêu dùng và những doanh nghiệp sản xuất khác phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nguyên liệu xăng dầu.

PV: Thưa ông, xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của cả nền kinh tế, nên sẽ tác động tới tất cả người tiêu dùng, chẳng khác gì chuyện các chuyên gia ví von về việc tăng thuế VAT là giống như vãi thóc cho cả đàn gà, con nào cũng trúng?

TS Lê Đăng Doanh: Đúng vậy, xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của cả nền kinh tế, thậm chí còn là "đầu vào của đầu vào", thế nên bất kỳ người tiêu dùng nào cũng sẽ bị tác động, cả trực tiếp lẫn gián tiếp: gián tiếp khi mua hàng hóa, trực tiếp khi lưu thông trên đường. Thuế xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá xăng dầu tăng, mớ rau quả trứng cũng sẽ tăng theo. Người tiêu dùng chịu thiệt đơn thiệt kép. Hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới, nếu đánh thuế cao trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều chưa nên.

TS. Lê Đăng Doanh.

PV: Như vậy, để bù thu ngân sách, dường như Bộ Tài chính đang coi trọng mục tiêu của Bộ mà chưa xem xét thỏa đáng tới quyền lợi của người tiêu dùng?

TS Lê Đăng Doanh: Có một vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay khi giá dầu thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao: giá dầu thế giới trong tuần qua liên tục giữ đà tăng, khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp và có thêm những dấu hiệu cho thấy lượng dầu thừa trên toàn cầu tiếp tục co lại. Ngoài ra, còn thêm động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà chính quyền Barack Obama đã tham gia ký kết vào năm 2015.

Giới phân tích lo ngại rằng, việc này sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông - điều này sẽ khiến cho giá dầu đối mặt với nguy cơ tăng cao trong tương lai, từ mức giá 70 USD/thùng như hiện nay, nhiều khả năng có thể lên tới 100 USD/thùng hoặc hơn. Giá thế giới tăng, dĩ nhiên giá trong nước sẽ tăng, nhất là khi Việt Nam lại là nước nhập khẩu xăng dầu. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng dầu trong nước lại càng tăng.

PV: Thuế tăng khiến giá xăng dầu tăng, theo logic rất có thể sẽ đẩy mặt bằng giá tăng. Theo ông, điều này gây hệ lụy gì cho nền kinh tế?

TS Lê Đăng Doanh: Điều này gây nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho cả nền kinh tế.  Ví dụ tháng 4 vừa rồi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2017, nguyên nhân là vì giá xăng được điều chỉnh tăng 2 lần, tác động đến CPI tăng 0,11%.

Ngoài ra, giải pháp tăng thuế dẫn tới tăng giá xăng còn vô hình trung đi ngược lại chủ trương của Chính phủ xác định năm 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Giá thành các sản phẩm cao, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp giảm, và chi phí tăng làm giá cả tăng thì năng lực cạnh tranh lại càng yếu. Đấy là chưa kể năng suất lao động của Việt Nam cực kỳ thấp. Mỗi thứ góp một ít, sẽ khiến cho sức cạnh tranh kiệt quệ. Một số mặt hàng của Việt Nam sẽ mất thị phần ở trong nước và các nước khác.

Cũng cần nói thêm rằng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang rất kém, và hiện nay nước ngoài đã “nuốt” thị phần của nước ta… Tôi tha thiết đề nghị Thường vụ Quốc hội phải xem xét cẩn thận vì giá xăng tăng, lạm phát sẽ tăng. Trong trường hợp phải tăng, thì không nên tăng mức kịch khung lên 4.000 mà tăng thấp hơn.

PV: Nhưng lập luận của Bộ Tài chính là nếu tăng thấp hơn thì việc thu sẽ không đủ bù vào phần hụt ngân sách, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Để bù chi ngân sách, Bộ Tài chính nên thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo hướng chống thất thu, tiết kiệm chi. Thực tế hiện nay thất thu ngân sách đang rất lớn. Ví dụ buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Riêng mặt hàng thuốc lá lậu làm thất thu ngân sách 10.000 tỷ đồng/năm… Đấy là chưa kể những thất thu từ các chi phí không chính thức.

Tôi dẫn chứng các khoản thu từ kinh tế hộ gia đình - nguồn thu chiếm 33% GDP mà đóng góp ngân sách còn chưa đến 1%. Trong khi họ kêu ca rất nhiều về chi phí. Phải xem xét đến từng cán bộ thuế của quận, phường, xã, tránh các khoản chi ngoài do tham nhũng, sách nhiễu, cửa quyền. Đồng thời, chống lãng phí như các cuộc tham quan khảo sát nước ngoài, chi phí giao lưu, tiệc tùng...

PV: Như vậy, việc quyết tâm tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đang nói lên điều gì, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Đây là vấn đề có liên quan đến năng lực thu và quản lý chi ngân sách. Bộ Tài chính phải cố gắng thu ngân sách, chứ không phải tận thu. Chính một lãnh đạo ngành Thuế khi nói về tác động đến người dân khi tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cho biết ban soạn thảo đánh giá tiêu dùng của các hộ gia đình có giảm tương ứng theo các nhóm dân cư. Theo đó, nhóm dân cư có thu nhập thấp sẽ phải chi thêm 22.000 đồng/tháng, còn nhóm có thu nhập cao, mức tăng chi cao nhất là khoảng 130.000 đồng/tháng.

Bởi vậy, phải tính toán đến ý kiến của người dân, không nên ép, tránh sự phản ứng thái quá. Đây là điều nên tính đến, tránh sự phản ứng tiêu cực gây ra những hệ lụy xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lệ Thúy
.
.
.